Chuyện VĐV cầu lông bỏ tiền túi thi đấu quốc tế: Nước ngoài cũng như Việt Nam
Câu chuyện Tiến Minh, hay Thùy Linh phải gánh một phần kinh phí khi tham dự các giải cầu lông quốc tế là chuyện không quá bất ngờ với những đồng nghiệp nước ngoài. Họ cũng đang trải qua tình cảnh tương tự, nơi chỉ có những người giỏi nhất mới có thể trụ vững theo thời gian.
Du đấu tự túc
Trong thời điểm Thùy Linh sớm kết thúc năm thi đấu 2023, nhiều tay vợt trong top 50 thế giới vẫn miệt mài tích lũy điểm số. Một trong số đó là Nozomi Okuhara, tay vợt cựu số 1 thế giới người Nhật Bản. 2 giải đấu cuối cùng trong năm cô tham dự đều diễn ra ở Ấn Độ: Syed Modi India International (cấp độ Super 300) và Odisha Masters (Super 100).
Okuhara hiện là thành viên đội tuyển Nhật Bản, một trong những cường quốc cầu lông thế giới. Danh sách tập trung đội tuyển cầu lông quốc gia của Nhật Bản có 64 vận động viên, được chia thành đội A và B. Chính sách của cầu lông Nhật Bản dành cho từng đội cũng khác nhau. Ở đó, đội tuyển quốc gia không phải lúc nào cũng bao tiêu mọi thứ cho tuyển thủ.
Okuhara phải tự bỏ tiền túi thi đấu 2 giải cuối năm.
Trong trường hợp của Okuhara, cô được xếp vào đội A. Điều đó giúp cô được hỗ trợ toàn bộ kinh phí thi đấu ở những giải quốc tế có cấp độ từ Super 500 trở lên. Khoản chi phí này được đội tuyển cầu lông quốc gia chi trả, với một bản kế hoạch chi tiết song hành cùng lịch thi đấu thế giới. Những giải có cấp độ thấp hơn sẽ không được duyệt kinh phí.
Vì lý do đó, khi tham dự Syed Modi India International và Odisha Masters vào cuối năm nay, Okuhara phải tự bỏ tiền túi sang Ấn Độ thi đấu. Liên đoàn Cầu lông Nhật Bản cũng như đội tuyển quốc gia chỉ hỗ trợ cô về việc đăng ký thi đấu. Mọi công việc còn lại như đặt phòng khách sạn, mua vé máy bay, cũng như chuẩn bị dụng cụ thi đấu, thuê HLV phải do Okuhara đích thân làm.
Trước thềm Odisha Masters, Okuhara còn gặp phải một sự cố trớ trêu khi đặt chân đến Ấn Độ. Nhân viên lễ tân ở khách sạn nơi cô đặt phòng trước cho biết, họ không hề nhận được thông báo đặt phòng của Okuhara. Khách sạn này cũng kín phòng ở thời điểm đó, khiến Okuhara phải tìm chỗ ở mới vào lúc 8 giờ tối.
May mắn cho Okuhara là cô đã sớm tìm được một khách sạn khác có chất lượng tốt để ở ngay trong đêm hôm đó. Việc lên ngôi vô địch cả 2 giải đấu cũng giúp cựu số 1 thế giới có thêm một chút kinh phí từ những chuyến đi. Ngoài ra, đây cũng là dịp cô có thể thi đấu với trang phục của nhà tài trợ, qua đó nhận thêm tiền quảng cáo.
Tương tự Okuhara, một tay vợt khác ở đội A của tuyển cầu lông Nhật Bản cũng bỏ tiền túi ra thi đấu một số giải nhỏ là Aya Ohori. So với Okuhara, "mĩ nữ cầu lông Nhật Bản" Ohori tiết kiệm được một chút chi phí vì không phải thuê huấn luyện viên. Người đồng hành, hướng dẫn cho Ohori trong các chuyến đi tự túc là bố cô.
Không đội tuyển, không vướng bận
Trong các chuyến du đấu quốc tế trong năm 2023, Thùy Linh thường ở cùng phòng với Zhang Beiwen, tay vợt nằm trong top 10 thế giới. Sinh ra ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, Zhang Beiwen được ví như một "cô gái du mục" khi từng thi đấu cho đội tuyển cầu lông Singapore trước khi đến Mỹ. Giống Thùy Linh, Zhang thường đi du đấu một mình mà không có HLV bên cạnh.
"Mọi người thường nói về những điểm hạn chế khi VĐV phải thi đấu mà không có HLV và tôi cũng không phủ nhận điều đó. Trong tập luyện, HLV sẽ giúp VĐV thực hiện những bài tập trong giáo án một cách hiệu quả hơn. Khi VĐV thi đấu, HLV cũng giúp chúng tôi điều chỉnh chiến thuật để hướng đến kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, đó chỉ là một nửa câu chuyện", Zhang nói.
Khi còn thi đấu cho đội tuyển cầu lông Singapore, Zhang không hài lòng khi HLV can thiệp khá nhiều vào công việc chuyên môn, cũng như đời sống cá nhân của cô. Vì lý do đó, ngay thời điểm hợp đồng giữa Zhang và đội tuyển cầu lông Singapore kết thúc, cô quyết định đến Mỹ thay vì gia hạn. Với Zhang, việc không có HLV giúp cô làm chủ chính mình.
Zhang bù đắp cho việc không có HLV bằng cách nhận lớp dạy cầu lông ở Mỹ. Bên cạnh thời gian hướng dẫn, cô có thể thuê học viên để hỗ trợ mình trong các bài tập. Tay vợt hạng 9 thế giới thừa nhận cô thi đấu không ổn định trong nhiều năm vì không có huấn luyện viên, nhưng cá tính và cái tôi lớn của một vận động viên giúp cô kiên định với con đường mình đã chọn.
Xu hướng tách riêng khỏi đội tuyển quốc gia cũng là điều được nhiều tay vợt hàng đầu thế giới lựa chọn như Lee Zii Jia (Malaysia) và đặc biệt là VĐV số 1 thế giới người Đan Mạch Viktor Axelsen. Nhiều năm qua, Axelsen không tập luyện thường xuyên cùng đội tuyển cầu lông Đan Mạch. Thay vào đó, anh mở một trung tâm tại Dubai và mời nhiều VĐV hàng đầu đến tập cùng mình.
"Tôi có thể tập luyện tại châu Âu, nhưng phần lớn các giải cầu lông lớn lại diễn ra ở châu Á. Nếu tôi chọn sống ở quê nhà Đan Mạch, khoảng thời gian tôi dành cho gia đình sẽ ít hơn. Vì thế, tôi quyết định đến châu Á sinh sống. Tôi cũng không phủ nhận việc này giúp tôi có thêm nhiều hợp đồng tài trợ đến từ các nhãn hàng châu Á", Axelsen nói.
Bên cạnh việc tự chủ bản thân, có một lý do khác khiến nhiều VĐV hàng đầu tách biệt khỏi đội tuyển cầu lông quốc gia. Việc "làm ăn riêng" là điều kiện tiên quyết giúp họ tự do ký hợp đồng tài trợ mà không xung khắc về quyền lợi với đội tuyển. Nếu VĐV tiếp tục ở lại với Liên đoàn quốc gia, họ không thể ký hợp đồng riêng, hoặc phải chia tiền với tỷ lệ không nhỏ.
Thùy Linh lựa các giải vừa sức đầu năm 2024 Giải đấu lớn đầu tiên trong năm 2024 của cầu lông thế giới là Malaysia Mở rộng. Đây là giải đấu được ví như "Grand Slam" của cầu lông thế giới, khi có cấp độ Super 1000 cùng tổng tiền thưởng không nhỏ. Từng có thông tin cho thấy Thùy Linh sẽ tham dự Malaysia Mở rộng 2024, nhưng cuối cùng, tên của cô đã không xuất hiện trong danh sách đăng ký thi đấu.
Thùy Linh sẽ lựa sức tham dự các giải hàng đầu trong năm tới. Nguyên nhân khiến Thùy Linh không tham dự Malaysia Mở rộng 2024 có thể xuất phát từ việc cô nhận thấy khả năng vào sâu ở giải đấu này là không cao. Đây là giải đấu đầu tiên trong năm nên nhiều tay vợt sẽ tranh tài ở trạng thái sung sức nhất. Thay vào đó, Thùy Linh quyết định tham dự 2 giải đấu khác trong tháng 1 là Ấn Độ Mở rộng (Super 750) và Indonesia Masters (Super 500). Việc lựa chọn những giải đấu vừa sức là một phần trong kế hoạch của Thùy Linh để hướng đến việc cải thiện thứ hạng quốc tế. Tay vợt nữ số 1 Việt Nam đang ở rất gần cơ hội lọt vào nhóm 14 hạt giống đơn nữ tham dự Olympic. Việc này sẽ giúp cô cải thiện khả năng vượt qua vòng bảng ở Thế vận hội Paris. |
Nguồn: [Link nguồn]
(Tin thể thao, tin cầu lông) Những pha đánh trái tay trong môn cầu lông luôn mang lại sự khó lường.