Chuyện “tình ngay lý gian” của việc sử dụng ngân sách ngành thể thao
Ở góc độ của nhiều huấn luyện viên (HLV) phụ trách chuyên môn, họ thừa nhận một sự thật: Cơ chế quản lý vận động viên (VĐV) bằng ngân sách Nhà nước, với những quy định cứng nhắc đã gây ra nhiều khó khăn trong việc thu chi của đội tuyển. Để không vướng vòng lao lý và án kỷ luật, huấn luyện viên có thể phải dùng đến tiền túi của mình.
Chuyện cũ đào xới lại
Trong những ngày đầu năm 2024, dư luận đã "nóng" với câu chuyện ở đội tuyển thể dục dụng cụ (TDDC). Một trong những vấn đề cuối cùng được phơi bày là trong một vài năm gần đây, tuyển TDDC đã hưởng chế độ tiền công tập luyện trong ngày Chủ nhật nhưng không tập luyện trên thực tế. Từ đó, nguy cơ gây thất thoát ngân sách nhà nước có thể diễn ra.
Không phải đội tuyển nào cũng tập luyện ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia như đội tuyển Điền kinh.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên các đội tuyển thể thao Việt Nam vướng phải cáo buộc như trên. Sau Olympic Rio 2016, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia I (Nhổn) từng nhận đơn tố cáo với nội dung tương tự. Lãnh đạo Trung tâm Nhổn khi ấy từng vướng phải cáo buộc gây thất thoát trên dưới 4 tỷ đồng, cũng với nội dung "chấm công Chủ nhật".
Trên cương vị của người làm chuyên môn, những HLV có phản hồi thế nào về việc đó? 8 năm trước, khi mạng xã hội còn chưa thực sự phổ biến, HLV các đội tuyển quốc gia dường như "dũng cảm" hơn trong việc nêu lên quan điểm cá nhân. Điền kinh, Wushu và Bắn súng là những đội tuyển đầu tiên lên tiếng bảo vệ Giám đốc Trung tâm Nhổn khi ấy.
Là một trong những người trực tiếp góp công mang về HCV Olympic đầu tiên (và duy nhất) cho thể thao Việt Nam, HLV Nguyễn Thị Nhung từng đặt vấn đề: Tại Hàn Quốc, các tuyển thủ bắn súng sẽ được chấm công đủ 30 ngày nếu tập đủ 15 ngày. Nhưng ở Việt Nam, VĐV phải tập ngày nào mới được tính công ngày đó. Đây là điều thiệt thòi lớn cho VĐV.
Ở một số đội tuyển thể thao khác, vận động viên cũng đã quen với cảnh tập luyện trong ngày nghỉ, thậm chí ngày lễ. Việc này đặc biệt phổ biến với các đội tuyển thể thao cần tập trung cao độ hướng đến những giải đấu quốc tế lớn trong năm 2024 như ASIAD và Olympic. Ngoài ra, các VĐV còn có một lý do khác để họ duy trì tập luyện ngay cả trong ngày nghỉ.
"Tôi không rõ chuyện VĐV, HLV đăng ký ngày công nhưng không tập diễn ra ở những môn nào, nhưng môn của chúng tôi không xảy ra điều đó. VĐV thể thao đỉnh cao không được vắng mặt đột xuất, nhất là vắng dài ngày, bởi chúng tôi có thể được cơ quan phòng chống doping yêu cầu kiểm tra, lấy mẫu ở mọi khoảng thời gian trong năm", một VĐV giấu tên chia sẻ.
Là một trong những người được kỳ vọng có thể giành vé dự Olympic, VĐV này cho biết, anh từng được cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) yêu cầu lấy mẫu thử ngay sau khi kết thúc một giải đấu quốc tế. Khi ấy, VĐV này đã về quê nghỉ ngơi ít ngày. Khi nhận cuộc gọi thông báo lấy mẫu thử doping, anh lập tức bắt xe trở lại đội tuyển.
VĐV chia sẻ thêm: "Theo quy định hiện tại của WADA, nếu không có mặt trong buổi kiểm tra doping đột xuất, VĐV sẽ bị đánh dấu vắng mặt. Ai vắng mặt 3 lần trong 1 năm phải đối mặt với án cấm thi đấu tương đương với việc sử dụng chất cấm. Vì lý do đó, VĐV phải duy trì việc có mặt thường xuyên tại đội tuyển, chứ không thể nghỉ đột xuất".
Những chuyện ít ai biết
Ở một góc độ nào đó, việc Trung tâm Nhổn áp dụng "chấm công Chủ nhật" đã giúp nhiều VĐV có thêm động lực để cống hiến. Nhưng vi phạm của một số cá nhân đã khiến điều đó trở thành cái cớ cho một bộ phận công kích, bôi xấu hình ảnh ngành thể thao. Bản thân ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nhổn từng nói ông quá quen với chuyện "đánh đấm" ở Nhổn.
Vận động viên Nguyễn Thị Tâm từng được ông Hùng “Nhổn” đảm bảo suất dự ASIAD.
SEA Games 32 là sân chơi thành công ngoài mong đợi của đoàn thể thao Việt Nam với ngôi vị Nhất toàn đoàn. Tuy nhiên, đó cũng là giải đấu chứng kiến một trong những gương mặt biểu tượng của thể thao nước nhà trải qua sự cố không đáng có. Đó là trường hợp của võ sĩ Nguyễn Thị Tâm, khi cô gặp chấn thương trong trận mở màn môn Boxing tại SEA Games.
Trước khi gặp chấn thương, Nguyễn Thị Tâm là VĐV được nhắm đến cho tấm HCV ASIAD, đồng nghĩa với một suất chính thức tham dự Olympic. Nhưng chấn thương gần như đã lấy đi của Tâm tất cả trong thời điểm ấy. Khi rất nhiều thứ đã quay lưng lại với Tâm, chính Giám đốc Trung tâm Nhổn đã lên tiếng để bảo vệ vận động viên này, cả về mặt lý và tình.
Ít ai biết, trong quãng thời gian chuẩn bị cho ASIAD 19, Nguyễn Thị Tâm từng có nguy cơ bị loại khỏi đội tuyển, thậm chí có thể bị cắt chế độ VĐV trọng điểm. Đó cũng là lúc nữ võ sĩ sinh năm 1994 chạy đua từng ngày với việc tập phục hồi, để cô có thể trở lại với sân chơi thể thao đỉnh cao. Bản thân cô cũng lo ngại mình có thể mất cơ hội dự ASIAD.
Trong hoàn cảnh đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng là người đã đảm bảo cho vị trí của Nguyễn Thị Tâm. Khi được đặt vấn đề liệu có nên rút Tâm khỏi đội tuyển, dù cô vừa giành HCB thế giới, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Phải giữ Tâm ở lại đội tuyển bằng mọi giá. Về lý, em là VĐV giỏi. Về tình, ngành thể thao không thể dùng VĐV theo kiểu vắt chanh bỏ vỏ được".
Việc không ngại đứng ra bảo vệ lợi ích cho vận động viên, huấn luyện viên khiến ông Hùng “Nhổn” nhiều lần trở thành tâm điểm bị chỉ trích ngầm.
Câu nói của Giám đốc Trung tâm Nhổn khiến những người có trách nhiệm trong cuộc họp hôm ấy sững lại ít giây. Ông Hùng "Nhổn" từ lâu được biết đến là người không ngại lên tiếng để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho VĐV, HLV, nhưng cũng vì thế mà ông không ít lần phải chịu công kích. Chuyện của những đội tuyển thể thao vừa qua cũng xuất phát từ điều đó.
Tại ASIAD 19, Trung tâm Nhổn chính là đơn vị treo thưởng lớn nhất cho các VĐV, đội tuyển giành HCV. Đơn vị này công khai treo thưởng cho cả VĐV và HLV giành huy chương, với tổng tiền thưởng 200 triệu đồng. "Trùng hợp" thay, cả 3 HCV đều đến từ những đội tuyển thể thao do Trung tâm Nhổn đang quản lý, dù bằng cách trực tiếp hay gián tiếp.
Những "chiêu" bòn rút ngân sách
Trên thực tế, hiện tượng sử dụng các quy định hiện hành để bòn rút ngân sách nhà nước trong ngành thể thao là hiện tượng từng xuất hiện. Một trong những cách phổ biến nhất là việc đăng ký "ảo" (có tên nhưng không tham dự) với các thành viên thi đấu các giải trong nước và quốc tế. Ví dụ, HLV đăng ký đoàn A có 15 người, nhưng thực tế chỉ có 5 người dự giải.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nhổn từng vướng cáo buộc liên quan đến việc “chấm công Chủ nhật” từ 8 năm trước.
Với việc đăng ký thành viên "ảo", HLV có thể dùng tiền chế độ cho 10 người không có thật để bồi dưỡng thêm cho 5 thành viên đi theo đoàn. Tuy nhiên, cách làm này giờ ngày một hạn chế, bởi các địa phương dần siết quy định chặt hơn trong việc chi tiêu. Lấy ví dụ, địa phương có thể tự đặt vé máy bay cho từng người thay vì đưa tiền để HLV đặt vé.
Một cách khác được sử dụng để bòn rút ngân sách ngành thể thao ở các đội tuyển quốc gia, đó là triệu tập các thành viên đội tuyển không có thật. Việc này đặc biệt phổ biến ở các đội tuyển trẻ trong lĩnh vực thể thao thành tích cao, nơi số lượng VĐV được gọi lên tuyển có thể rất lớn, lên tới 50-60 thành viên ở các nhóm tuổi khác nhau.
Cũng liên quan đến các đội tuyển quốc gia, một phương pháp khác được sử dụng để "nhận bồi dưỡng 2 đầu" là triệu tập VĐV lên tuyển theo "suất ngoại giao". Những người có khả năng quyết định thành phần đội tuyển quốc gia sẽ gọi một số VĐV, thậm chí HLV là người thân thiết với họ lên tuyển, dù những người này không có trình độ chuyên môn đủ để làm tại đội tuyển quốc gia.
Các "suất ngoại giao" trên đội tuyển quốc gia, vì thế, có thể được phân phối tùy theo mức "lại quả". Đây chính là nguyên nhân lý giải vì sao ở nhiều môn thi đấu, những VĐV không có thành tích nổi bật ở các giải quốc gia lại được triệu tập lên tuyển. Ngược lại, nhiều VĐV là đương kim vô địch, á quân, với trình độ được khẳng định, phải "ở nhà".
Nhiều vận động viên, huấn luyện viên chủ động xin không lên tuyển Một trong những vấn đề tồn tại trong thể thao thành tích cao Việt Nam suốt nhiều năm qua là mức độ phát triển không đồng đều giữa các địa phương. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quân Đội, Công an Nhân dân, và một số tỉnh thành khác được xếp vào nhóm "thượng". Đây là những đơn vị có chế độ đãi ngộ tốt, cũng như cơ sở vật chất hoàn thiện cho VĐV, HLV. Vì lý do trên, nhiều đội tuyển thể thao quốc gia đang tập luyện ở những đơn vị này, thay vì tập tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Trung tâm Nhổn là một trong những đơn vị tiên phong hỗ trợ việc tập luyện tại địa phương cho một số đội tuyển. VĐV tại các đội tuyển đó luôn duy trì phong độ tốt, và có đội tuyển đã giành vé dự Olympic. Ở chiều ngược lại, nhiều VĐV, HLV ở các đơn vị thuộc nhóm "hạ" (có chế độ đãi ngộ không quá cao) có thể cân nhắc xin không lên tuyển. Thứ nhất, họ lo ngại việc tập luyện, làm việc xa nhà trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến chuyện gia đình, cá nhân. Thứ hai, không phải đơn vị nào cũng yên tâm gửi gắm VĐV của mình lên đội tuyển quốc gia. "Nhiều VĐV được gọi lên đội tuyển trẻ quốc gia, nhưng nếu các em ở trên tuyển, việc học có thể bị gián đoạn. Gia đình các em cũng không sẵn sàng để con tập luyện xa nhà. Vì thế, chúng tôi để nhiều VĐV tập luyện tại địa phương dù các em có trình độ vô địch quốc gia. Bản thân nhiều HLV cũng chủ động ở lại địa phương làm việc chứ không lên tuyển", một HLV nói. |
(Tin thể thao) Chân chạy Nguyễn Văn Long đã có những chia sẻ về kế hoạch chạy xuyên Việt của mình sau những phát biểu của Liên đoàn điền kinh Việt Nam cũng như Cục Đường bộ Việt Nam.
Nguồn: [Link nguồn]