Chuyện ít biết về 'hotboy' thể dục có đôi mắt buồn
Bố chạy xe ôm suốt ngày. Mẹ cũng lặn lội đi bán bánh mỳ ròng rã. Tuổi thơ của Lê Thanh Tùng-nhà vô địch SEA Games 28 nội dung nhảy chống nam, gắn với môn Thể dục dụng cụ để "tìm một chỗ chơi miễn phí".
Nhỏ bé và gầy nhất đội, Lê Thanh Tùng thu hút người đối diện bởi đôi mắt sáng nhưng lúc nào cũng rất buồn, lúc nào cũng long lanh như sắp khóc.
Nhà Thanh Tùng nghèo lắm. Bố em chạy xe ôm suốt cả ngày, mẹ cũng đi bán bánh mỳ ròng rã. Nhà có hai anh em, Tùng chủ yếu ở với ông ngoại. Lên 5 tuổi, cậu bé nghịch “như quỷ” này không có chỗ chơi nên thường đi cùng người anh họ đến tập môn thể dục ở Trung tâm thể thao thành phố.
VĐV Nguyễn Thanh Tùng
Thanh Tùng nhớ lại: “Lúc đó, tôi thấy dụng cụ nào cũng là trò chơi. Nào là ngựa, nào là vòng treo, nào là cầu thăng bằng, nào là xà đơn, xà kép v.v.. Trò nào cũng vui. Các thầy thấy tôi nhanh nhẹn lại có vẻ ham mê nên cho vào tập cùng mọi người, không mất tiền. Vậy là 5 tuổi tôi đã bén duyên với Thể dục dụng cụ (TDDC). Thấm thoát thế cũng đã 15 năm có lẻ "chơi" TDDC.”
Đối với người yêu TDDC, Thanh Tùng là một cái tên dù anh đã có nhiều thành tích ở đấu trường quốc nội. Kỳ SEA Games năm nay là lần đầu tiên Tùng "phó hội" cũng giống như người bạn Đinh Phương Thành. Để rồi trên thảm đấu SEA Games 28, đôi bạn cùng tuổi này đã làm được điều mà các đàn anh chưa thể làm được. Cả hai đều là “vũ khí bí mật” mới của TDDC Việt Nam.
Còn nhớ lần đầu gặp tại giải vô địch Đại hội TDTT toàn quốc 2014, Tùng từng tâm sự: “Lúc thi đấu, tôi thường không gặp may, toàn đoạt HCB thôi. 15 năm gắn bó với TDDC, tuổi thì lên nhưng tên chưa có. Tôi mong mình may mắn hơn. Giành được HCV, tôi sẽ có nhiều tiền thưởng để gửi về cho ông ngoại, cho ba má”.
Gặp lại tại SEA Games 28, ánh mắt của Tùng đã bớt buồn. Giành tấm HCV SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp, Tùng chia sẻ: “Tấm HCV này tôi xin dành tặng cả nhà. Tôi sẽ gửi phần thưởng về cho ông ngoại và ba má. Mong muốn của tôi là tiếp tục thi đấu tốt hơn, mạnh mẽ hơn, đoạt được nhiều HCV hơn.”