Chuyện giành vé tham dự Olympic Paris
Sau gần nửa thế kỷ trở lại hội nhập thể thao quốc tế, Việt Nam đang chứng kiến một trong những kỳ vòng loại Olympic khó khăn nhất. Đằng sau câu chuyện đạt chỉ tiêu, là những đích ngắm ngày càng xa với thể thao Việt Nam.
10, 11 và 12
Tính đến tháng 6/2024, thể thao Việt Nam đã có 11 suất chính thức tham dự Olympic Paris. Lê Đức Phát (cầu lông) và Hà Thị Linh (boxing) là hai VĐV mới nhất giành quyền tham dự Thế vận hội tại Pháp.
Đoàn thể thao Việt Nam đặt mục tiêu đoạt 12 đến 15 suất tham dự Olympic Paris 2024.
Với Đức Phát, hành trình giành vé tham dự Olympic là một chuỗi ngày chìm nổi. Anh từng nằm trong nhóm chắc chắn có vé đến Thế vận hội, cũng như đạt phong độ cao tại các giải quốc tế cuối năm 2023. Nhưng đến Vietnam International, Đức Phát bất ngờ gặp chấn thương ngay trên sân nhà. Việc phải nghỉ thi đấu trong gần 3 tháng khiến Đức Phát tụt hạng, và tưởng như không còn cơ hội cạnh tranh vé tham dự Olympic. May mắn thay, tay vợt của đơn vị Quân đội đã trở lại đầy mạnh mẽ. Anh có thể chưa đạt thứ hạng cao nhưng chắc chắn đã nỗ lực hết sức mình để đến Pháp.
Bên cạnh tấm vé của Đức Phát, thể thao Việt Nam cũng mới đón nhận tấm vé thứ 11, với chiến thắng xuất sắc của Hà Thị Linh tại vòng loại thứ hai. Trong trận đấu với Vilma Viitanen (Phần Lan), Hà Thị Linh giành chiến thắng chung cuộc 4-1. Nữ võ sĩ 31 tuổi của Việt Nam được trao suất vé thứ ba, cũng là suất vé cuối cùng hạng 60kg nữ ở vòng loại thứ hai Olympic Paris 2024 ở môn Boxing. Vậy ai sẽ trở thành "người được chọn" thứ 12? Câu trả lời gói gọn trong một số môn vẫn đang thi đấu vòng loại: Bắn cung, Judo, Điền kinh. Xét về mặt lý thuyết, Bắn cung có thể trở thành môn thể thao tiếp theo giúp Việt Nam có thêm suất dự Olympic. Judo cũng có cơ hội giành thêm hai vé ở hạng mục của nam và nữ. Về phần Điền kinh, xác suất các VĐV Việt Nam đang thi đấu vòng loại Olympic có vé không cao.
Ở môn Điền kinh, Việt Nam từng kỳ vọng có vé tại nội dung chạy 4x400m tiếp sức đồng đội nữ. Điều này phần nào được diễn giải thông qua 2 tấm HCV châu Á 2023 và 2024. Có điều trên thực tế, những HCV này của điền kinh Việt Nam xuất hiện khi các đội tuyển mạnh nhất không tranh tài, hoặc họ chỉ thi đấu "thăm dò" trước khi bước vào giải đấu lớn.
3 tháng sau giải điền kinh châu Á 2023, tổ chạy 4x400m tiếp sức đồng đội nữ Việt Nam chỉ đứng thứ 4 tại ASIAD 19. Bahrain, đội tuyển không thi đấu giải châu Á trước đó, giành HCV đầy thuyết phục. 2 đội tuyển Ấn Độ và Sri Lanka cũng thể hiện phong độ hoàn toàn khác, khiến điền kinh Việt Nam trắng tay tại Á vận hội Hàng Châu.
Đến giải chạy tiếp sức châu Á 2024, điền kinh Việt Nam lại vô địch nội dung 4x400m đồng đội nữ. Tuy nhiên, thông số của VĐV Việt Nam vẫn kém 3,5 giây so với chuẩn Olympic. Đây là con số rất khó vượt qua trong thời gian ngắn. Ngoài ra, điền kinh Việt Nam vô địch trong bối cảnh Ấn Độ đã có vé dự Olympic, và họ không thi đấu với phong độ cao nhất. Ở viễn cảnh tích cực nhất, thể thao Việt Nam có thể kỳ vọng giành thêm vé tham dự Olympic qua suất vé mời. Điều này hoàn toàn khả thi trong 2 môn Điền kinh và Bơi. Tuy nhiên, điều này lại mang đến một câu chuyện buồn khác cho thể thao Việt Nam, đặc biệt khi kỳ vọng lên cao.
Giải mã đà trượt dốc
Nếu số suất tham dự Olympic dao động ở con số 12-13, đây sẽ là kỳ Thế vận hội kém ấn tượng nhất của thể thao Việt Nam trong 16 năm qua. Năm 2008, đoàn Việt Nam đến Bắc Kinh với 13 vận động viên. Con số này ở những kỳ Thế vận hội tiếp theo lần lượt là 18, 23 và 18 người.
So với 16 năm trước, thể thao Việt Nam đã thay đổi rất nhiều theo hướng tích cực. Ngân sách nhà nước cho hoạt động thể thao được tăng lên, đặc biệt trong mảng thành tích cao. VĐV, HLV có chế độ đãi ngộ tốt hơn trước. Nhiều địa phương, ngành thậm chí sẵn sàng bỏ tiền ra hỗ trợ VĐV thi đấu quốc tế, thay vì trông chờ ngân sách nhà nước.
Bên cạnh nguồn kinh phí dựa vào ngân sách, Việt Nam cũng đón nhận luồng tiền xã hội hóa trong mảng thể thao chuyên nghiệp. Nhưng sau kỳ tích HCV Olympic Rio của Hoàng Xuân Vinh, thể thao Việt Nam lại chứng kiến chuỗi thành tích không như ý ở những sân chơi lớn nhất thời gian gần đây như ASIAD 19, cũng như vòng loại Olympic Paris.
Đâu là lý do khiến thể thao Việt Nam trượt dốc ở những đấu trường đỉnh cao? Xét về nguyên nhân khách quan, thứ nhất, điều này xuất phát từ những điều chỉnh trong chương trình thi đấu các môn thể thao Olympic. Điều này được thể hiện rõ nhất trong môn Cử tạ, nơi hạng cân 56kg nam bị hủy bỏ. Hạng 56kg nam từng được xem là thể thức trọng điểm của cử tạ Việt Nam. Hàng loạt đô cử đẳng cấp thế giới được Việt Nam đào tạo trong 15 năm qua như Hoàng Anh Tuấn, Thạch Kim Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn. Nhưng khi hạng cân này bị hủy bỏ, cử tạ Việt Nam liền gặp khó trong điều chỉnh, thích nghi.
Ngoài ra, không phải mọi điều chỉnh trong chương trình thi đấu Olympic đều mang đến bất lợi cho Việt Nam. Minh chứng rõ ràng nhất đến trong môn Boxing. Với việc mở rộng chương trình thi đấu Boxing nữ, Olympic đã mang đến nhiều cơ hội hơn cho Việt Nam, quốc gia mạnh về thể thức này.
Thứ hai, thể thao Việt Nam "hụt" vé Olympic vì chuẩn tham dự Thế vận hội được nâng lên ngày một cao hơn. Điều này được thể hiện ở những môn thi đấu truyền thống của Olympic như Bơi và Điền kinh. Sau một quãng thời gian dài tạo điều kiện cho các nước nhỏ "chung vui", Olympic đã nâng chất lượng thông qua thông số chuẩn.
Thứ ba, sau một quãng thời gian thành công rực rỡ, thể thao Việt Nam hiện chưa có lứa VĐV kế cận đủ tốt để tiếp bước đàn anh, đàn chị. Điều này được chứng kiến ở phần lớn các môn thể thao cá nhân, nơi VĐV xuất sắc nhất thường là "gà già". Rất ít VĐV trẻ bước lên sân chơi cùng các cựu binh có thể làm nên bất ngờ.
Giữa bối cảnh hỗn mang của thể thao đỉnh cao, những thành tích ở đấu trường SEA Games bỗng trở nên lạc lõng. Tại sao các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Singapore vẫn có thể duy trì thành tích tốt ở ASIAD và Olympic mà vẫn giữ nguyên bộ khung VĐV thi đấu SEA Games? Đó là câu hỏi cần được thể thao Việt Nam giải mã trong những năm tiếp theo.
Nguồn: [Link nguồn]
(Tin thể thao) Hoàng Thị Tình tung đòn quật lật ngược thế trận giành HCV Judo quốc tế, qua đó giành suất dự Olympic Paris 2024.