Chuyện dinh dưỡng của TTVN: Vì sao mì gói lên ngôi?

Cứ mỗi đợt SEA Games diễn ra, gần cả ngàn người của đoàn thể thao Việt Nam bỗng dưng trở thành đại sứ của các hãng mì gói bằng hình ảnh, dòng người cuồn cuộn đến sân bay với hàng chục thùng mì. Để rồi, năm nào người ta cũng nói về vấn đề dinh dưỡng, ăn uống như một phần trong cách bào chữa của sự thất vọng.

Tất nhiên, ngoài sự than vãn của đội U23 Việt Nam, một trong các đội tuyển được phép ra ngoài làng vận động viên để ở khách sạn, tiêu chuẩn ăn uống khá hơn bị coi là “làm quá” thì thật sự, các bữa ăn tự chọn trong làng vận động viên không thoải mái cho lắm. Khẩu vị, thời gian ăn uống là một vấn đề khó giải quyết bởi ở một số môn thi đấu vào giữa trưa, hoặc chập choạng trời tối, thời gian biểu để nạp năng lượng của vận động viên có khác.

Thế nên, bằng cách này hoặc cách khác, các vận động viên của đoàn thể thao Việt Nam thường phải “thủ” theo thức ăn thêm để bổ sung năng lượng hoặc chí ít đảm bảo cho mình không bị đói trước giờ thi đấu. Và món chính, giải pháp tối ưu của các vận động viên chính là mì gói.

Trả lời giới truyền thông, ông Ngô Lê Bằng, tổng thư ký VFF kiêm trưởng đoàn bóng đá nam tại SEA Games, đã tự hào “tiết lộ” về kế hoạch của mình: “Chúng tôi đã thống nhất kế hoạch từ trước về việc mang thêm thức ăn sang đây nên có sẵn mì gói cho các cầu thủ dùng thêm”.

Chuyện dinh dưỡng của TTVN: Vì sao mì gói lên ngôi? - 1

Hình ảnh các tuyển thủ Quốc Gia khệ nệ mang theo mì gói nhưng vật phòng thân xuất hiện thường xuyên ở các kỳ đại hội thể thao quốc tế. Ảnh: Hồ Đồng

Và đây cũng không phải lần đầu và giới y học, các bác sĩ trong đoàn thể thao nói rõ, mì gói chỉ để chống đói chứ không thể đảm bảo dinh dưỡng cho các vận động viên được. Chính việc thiếu hụt dinh dưỡng dẫn đến hồi phục kém, hụt hơi trong các trận đấu căng thẳng thường xuyên hơn, chấn thương thường xuất hiện nhiều hơn mỗi khi giải đấu chính thức bước vào giai đoạn nước rút. Nhưng, chẳng trách được các vận động viên.

Tâm sự với họ sẽ thấy, ngoài chuyện thói quen ẩm thực, thích có cái gì đó chua chua, cay cay, nóng nóng. Các vận động viên cũng không được xây dựng nền tảng về dinh dưỡng. Sữa và các thực phẩm dinh dưỡng khác đều khá xa lạ với các vận động viên xuất thân khó khăn, thậm chí nhiều người còn đau bụng nếu uống sữa vào buổi sáng. Chưa hết, nếu không diễn ra giải đấu, chuyện ăn uống của các vận động viên đều chẳng theo quy trình và thường cũng chẳng có sự kiểm soát nào cả. Theo quy định, tiền ăn của các vận động viên chỉ tăng lên 300.000 đồng/ngày khi cận ngày thi đấu, cụ thể hồi tháng 9 này các “niềm hy vọng vàng SEA Games” mới được bổ sung tiền ăn để đảm bảo dinh dưỡng. Rõ ràng chuyện dinh dưỡng của các vận động viên Việt Nam, nhằm đảm bảo thể lực chứ chưa nói đến chuyện nâng cao thể lực, tầm vóc là cả một vấn đề.

Có một mẩu chuyện nhỏ nhưng đáng suy nghĩ, tại giải U19 châu Á diễn ra trước đây. Ông Trương Hùng – phó chủ tịch hội đồng quản trị một công ty thực phẩm đi cùng đoàn. Chứng kiến các cầu thủ U19 thường xuyên phải ăn thêm mì gói vào mỗi tối, ông “rón rén” gửi cho bác sĩ Dương, người đi theo đội U19 Việt Nam bột ngũ cốc dinh dưỡng với đề nghị: “Anh hãy uống thử xem có được không, nếu được thì anh hãy cho các cháu uống để bảo đảm dinh dưỡng chứ thấy các em ăn mì gói hoài chịu sao nổi”. Vị bác sĩ sau khi thẩm định, rồi đưa thử cho các cầu thủ trẻ U19 của học viện Hoàng Anh Gia Lai vốn cũng đã được tập thói quen uống sữa từ ngày vào học viện. Thật bất ngờ, bột ngũ cốc dinh dưỡng được hào hứng đón nhận như cách ăn giặm bữa tối, điều mà trước đó chính người của học viện vốn được coi là chuyên nghiệp nhất Việt Nam cũng không để ý lắm. Chính một phần của sự hào hứng của các cầu thủ trẻ đã dẫn đến quyết định tài trợ cho học viện và chăm sóc phần dinh dưỡng cho các cầu thủ.

Nói để thấy, chuyện dinh dưỡng là một câu chuyện dài tập, và nó cũng tương tự chuyện ý thức tham gia giao thông. Nếu không được chăm chút ngay từ ban đầu thì mẩu tin, các vận động viên khệ nệ đem theo mì gói mỗi chuyến du đấu sẽ vẫn còn xuất hiện dài dài dù ai cũng biết rõ, nó “tốt” đến đâu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tất Đạt (sgtt.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN