Chuyện cuối tuần: Bí mật về bộ tộc chạy marathon và cự ly dài giỏi nhất hành tinh
TPO - Trong nhiều năm, về nhất ở các cuộc đua cự ly dài và marathon luôn là người Kenya. Vậy làm thế nào quốc gia nghèo khó ở Đông Phi này lại sản sinh ra các chân chạy cự phách, khiến cả thế giới khuất phục?
Cách đây ba tuần, vào ngày 28/1/2024, Cornelius Kemboi xuất sắc giành ngôi quán quân giải Discovery Cross Country Championship lần thứ 33. Anh hoàn thành cự ly 10km với thành tích 29 phút 24,2 giây. Ở tuổi 23, Kemboi là tài năng điền kinh mới nổi của Kenya và đang hướng đến giải vô địch điền kinh thế giới cũng như Olympic 2024.
Cách đây 4 năm, Kemboi vẫn là cậu bé vô danh khi trở thành nhân vật trong phóng sự ảnh "Không ai có thể bắt được tôi" của Tobias Kobborg. Nhiếp ảnh gia người Đan Mạch thông qua Kemboi để kể câu chuyện tại trường trung học St Patrick ở Iten, phía tây Kenya, nơi nuôi dưỡng các tài năng điền kinh cho tương lai.
Tại đó, Kemboi cùng chúng bạn bắt đầu một ngày từ lúc 4h30 sáng, bận rộn cả ngày với hai ca học văn hóa, ba buổi tập chạy, sau đó lên giường lúc 10 giờ tối. Điều kiện ăn ở cũng khá tồi tàn. Cả ngàn học sinh bị nhồi nhét trong các căn phòng ẩm thấp, trên những chiếc giường tầng mỏng manh bằng sắt, và đón nhận ba bữa ăn không đủ no.
Cornelius Kemboi tập luyện trên đường và quang cảnh phòng ăn tại trường trung học St Patrick. (Ảnh: Tobias Kobborg)
Không ai phàn nàn vì điều đó. Bởi họ ở đây không phải để tận hưởng, mà tìm kiếm một ngày mai tươi sáng hơn. “Trong 10 năm nữa, tôi muốn trở thành người nổi tiếng trên toàn thế giới, một nhà vô địch thực sự, giương cao lá cờ Kenya và được nhiều người ngưỡng mộ”, Kemboi nói trong phóng sự năm 2019. Xen kẽ là niềm tự hào của Kemboi vì được nhận vào St Patrick nhờ năng khiếu chạy bộ, thứ được tôi luyện thêm bởi những buổi trưa chạy 2km về nhà ăn, rồi chạy trở lại trường.
Nancy Jesang cũng tương tự, khi trường nữ sinh Kapkoros tuyển cô sau thành tích về nhất ở giải vô địch tiểu học quốc gia. Do sinh con mà không kết hôn, mẹ Jesang đã bị đuổi khỏi làng khiến cô sống với bà ngoại. Hàng ngày Jesang phải dậy từ 5h sáng và chạy chân trần vài cây số tới cái giếng duy nhất của làng để lấy nước sinh hoạt, sau đó lại chạy thêm vài cây nữa để tới trường, không ngạc nhiên khi năng khiếu chạy bộ được bộc lộ sớm.
Thành thực mà nói, không phải chỉ Jesang hay Kemboi sở hữu những phẩm chất thiên phú để chạy bộ. Kenya có khoảng 51,5 triệu dân sống rải rác trên một diện tích rộng 580.367 km2. Tuy nhiên, chỉ 10% trong số đó, những người thuộc bộ lạc Kalenjin, có khả năng mang về huy chương marathon. Trên thực tế, 73% số huy chương Vàng và Bạc mà Kenya có được ở các cuộc thi quốc tế, bao gồm Olympic, là của họ.
Giành huy chương điền kinh chủ yếu là những người thuộc bộ lạc Kalenjin, Kenya. (Ảnh: Getty Images)
Theo Trung tâm Nghiên cứu Cơ Copenhagen, người Kalenjin bản địa chạy nhanh hơn 90% dân số toàn cầu. Trung tâm này cũng từng chọn ra các thanh niên Kalenjin để tranh tài cùng đội tuyển điền kinh Thụy Điển. Kết quả, dù không phải chuyên nghiệp, nhưng họ thể hiện tốt hơn hẳn.
Khá rõ ràng có sự tham gia của yếu tố di truyền ở đây. Thế nhưng các nghiên cứu sâu hơn không thể tiến hành vì bị cáo buộc phân biệt chủng tộc. Vì vậy người ta đành tìm lời giải thích cho việc tại sao người Kenya, cụ thể là tộc dân Kalenjin, như Kemboi, Jesang hay các ngôi sao điền kinh Kip Keino, Eliud Kipchoge, Brigid Kosgei, Faith Kipyegon, lại chạy nhanh đến vậy.
Trong 4 kỳ Olympic gần nhất, 3/4 số huy chương Vàng ở các nội dung từ 800m trở lên thuộc về các VĐV Kenya, hoặc gốc gác Kenya. Phần còn lại của thế giới, với cơ sở vật chất và khoa học thể thao hiện đại, cũng không thể sánh bằng những chàng trai, cô gái gày gò đến từ quốc gia Đông Phi, hoặc cụ thể hơn, là Thung lũng Rift.
Thung lũng Rift được coi là thánh địa của những người chạy bộ. (Ảnh: Getty Images)
Thung lũng Rift, được hình thành do sự nứt vỡ của vỏ Trái đất, là một vùng đất phì nhiêu, với thảm thực vật phong phú nổi bật trên nền đất đỏ, bên cạnh những khu rừng, vách đá cheo leo. Đó là lý do bộ lạc Kalenjin, sau khi di cư từ Nam Sudan tới cách đây hàng ngàn năm, chọn nơi này để sinh sống lâu dài bằng công việc chăn nuôi bán du mục.
Sinh sống trên những cao nguyên có độ cao 2.400m so với mực nước biển, như Iten, thị trấn nhỏ ở rìa Thung lũng Rift, vô tình trở thành môi trường lý tưởng cho việc rèn luyện sức bền. Không khí loãng khiến cơ thể sản sinh ra nhiều tế bào hồng cầu, nâng cao khả năng chịu đựng, để rồi khi ở môi trường bình thường, việc chạy đua giống như trò chơi trẻ con với họ.
Bên cạnh đó là thói quen ăn uống lành mạnh. Từ nhỏ, người Kalenjin chủ yếu ăn ugali (bột ngô) và chapati (bánh mì dẹt không men), vốn có hàm lượng carbohydrate cao, rất cần thiết cho các VĐV sức bền. Ngoài ra còn có một chút thịt, rất nhiều rau, trái cây, đồng thời thường xuyên uống “chai”, loại trà đen châu Phi đun sôi với sữa. Họ không có mỡ thừa, chỉ có những búi cơ săn chắc, cấu thành một cơ thể dẻo dai.
Kip Keino, người đầu tiên giành huy chương Vàng Olympic môn điền kinh của Kenya. (Ảnh: Getty Images)
Tất nhiên, vì tập quán xa xưa cùng công việc chăn thả gia súc, (có một giả thuyết rằng việc chạy nhanh còn liên quan đến tục ăn trộm gia súc, và họ phải chạy hoặc bị giết), họ sinh ra đã bắt đầu chạy. Nếu như những nơi khác, tất cả sẽ nhìn một người chạy trên đường và hỏi, “tại sao bạn lại chạy?”, thì ở Thung lũng Rift, người ta sẽ cật vấn một người đi bộ, rằng “vì sao bạn không chạy?”. Họ chạy để mưu sinh, ngày xưa đã vậy và bây giờ cũng thế.
Kể từ khi Kip Keino, người Kalenjin và Kenya đầu tiên giành huy chương Vàng nội dung 1.500 mét tại Thế vận hội 1968, sau đó là năm 1972, các đồng hương của anh chợt nhận ra lợi ích thực sự của chạy. Thay vì chỉ đuổi theo gia súc, tới trường học hoặc ra giếng lấy nước, chạy có thể giúp đổi đời, mua trang trại, ô tô, thậm chí hỗ trợ cả cộng đồng.
Cũng chưa cần phải vươn tới vị thế ngôi sao hàng đầu mới có tiền. Các VĐV điền kinh vụt trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Kenya. Những quốc gia như Mỹ hay châu Âu săn lùng họ, trao học bổng và một ngày nào đó, họ sẽ thi đấu ở giải thế giới hoặc Olympic dưới lá cờ khác trên ngực áo.
Để thoát nghèo, người Kenya chạy mỗi ngày trên con đường lổn nhổn sỏi đá. (Ảnh: Inside Hook)
Bernard Lagat là một ví dụ. Sau khi thành danh ở quê nhà, anh nhận được học bổng của ĐH Washington và đại diện cho Mỹ thi đấu ở giải vô địch thế giới (giành 2 HCV 1.000m và 5.000m tại Osaka 2007). Hoặc trở lại với trường hợp Kemboi. Động lực để anh phấn đấu chính là theo bước hai người anh trai đang học Đại học ở Mỹ nhờ vào đôi chân nhanh hơn người.
Cũng không phải cô bé, cậu bé Kenya nào cũng muốn trở thành VĐV điền kinh. Có người mơ thành bác sỹ, diễn viên hay MC, hoặc nhà khoa học. Nhưng họ biết thứ người Mỹ, hoặc châu Âu muốn, không gì khác ngoài tốc độ.
Điều tuyệt vời là tính cộng đồng của người Kalenjin nói riêng, và Kenya nói chung, rất cao. Cổng vào thị trấn Iten treo một tấm biển phô trương niềm tự hào. Trên đó ghi “Chào mừng tới Iten, ngôi nhà của những nhà vô địch”. Dù là huyền thoại thế giới, kỷ lục gia, nhà vô địch Olympic… hầu hết đều chọn sinh sống và tiếp tục tập luyện ở quanh Thung lũng Rift. Bạn có thể liên tưởng đến cái chết mới đây của Kelvin Kiptum, người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn trên đường trở về “lãnh địa của chạy bộ”.
Những thanh niên ở Thung lũng Rift tập luyện 3 buổi mỗi ngày, không ngừng nghỉ ngay cả khi đã trở thành ngôi sao thế giới. (Ảnh: Getty Images)
Từ trước lúc bình minh, những ngôi sao như David Rudisha, Eliud Kipchoge hay Brigid Kosgei hay Wilson Kipsang sẽ hòa vào dòng người, bao gồm các cậu bé chân trần. Họ sẽ chạy trên những con đường đất đỏ, lên đồi, băng rừng, qua những rặng chanh dây, các mái tôn rỉ sét rồi về đích, sau đó lặp lại vào buổi trưa và chiều. Hàng nghìn người bất kể danh tiếng, tuổi tác, chỉ mải miết tập luyện cùng nhau, thúc đẩy, giúp đỡ lẫn nhau và truyền cảm hứng cho nhau.
Những người Kenya không thích luận điểm họ chạy nhanh là do di truyền. Với họ, thành công được tạo nên bởi ý chí, sự chăm chỉ, chế độ tập luyện nghiêm ngặt cùng động lực thoát nghèo mạnh mẽ. Họ chạy vì tương lai, của bản thân và gia đình. Để một khi xác định đây là lối thoát, sẵn sàng dành toàn thời gian cho nó và không nghĩ về bất cứ điều gì khác. Như Kemboi ở trường St Patrick, chỉ ăn rồi chạy. Và chạy rất nhanh.
Adharanad Finn, một nhà báo tự do, khi viết cuốn sách Chạy bộ cùng người Kenya đã cố công tìm ra bí mật của những đôi chân thần gió tại xứ Đông Phi. Câu trả lời, theo Colm O'Connell, người sáng lập trường St Patrick và được coi là cha đỡ đầu của môn chạy bộ tại Kenya, hoàn toàn không có bí mật nào cả. Không chỉ một, mà vô vàn yếu tố cùng tụ lại ở Thung lũng Rift, sau đó kết tinh thành những nhà vô địch trên đường chạy. Trong hiện tại và cả tương lai.
Cha của Kelvin Kiptum, ông Samson Cheruiyot, đã yêu cầu chính phủ Kenya mở cuộc điều tra về cái chết của con trai, bởi vài ngày trước đó nhóm 4 người lạ mặt đã đến tìm Kiptum. Chi tiết này khiến tất cả nhớ lại những vụ tai nạn đáng ngờ của không ít VĐV điền kinh Kenya trước đây.
Nguồn: [Link nguồn]