Chuyện Ánh Viên: Làm khó nhân tài

Về nước chuẩn bị thủ tục giấy tờ tham dự Giải Vô địch Bơi lội châu Á 2016 tại Nhật Bản cho kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, HLV Đặng Anh Tuấn kết hợp đăng ký cho học trò thi đấu ở Giải Bơi, lặn vô địch quốc gia 2016 vừa khai mạc sáng 18-10 tại Mỹ Đình, Hà Nội.

Chuyện tưởng rất bình thường nhưng lại gây xôn xao dư luận trong vài ngày qua liên quan đến việc Ánh Viên không được tham gia thi đấu tại giải (gồm 22 nội dung, 5 tiếp sức), kể cả chỉ dự thi để kiểm tra, không xét thành tích.

Chuyện Ánh Viên: Làm khó nhân tài - 1

Sự vượt trội của Ánh Viên sẽ là động lực để các VĐV trong nước khác phấn đấu Ảnh: REUTERS

Nhiều người hâm mộ từ chỗ ngạc nhiên đã chuyển sang khó chịu khi nghe một lãnh đạo Vụ Thể thao thành tích cao II (Tổng cục TDTT) trả lời báo giới rằng “việc Ánh Viên không thi đấu sẽ có lợi cho phong trào bơi lội bởi các VĐV khác sẽ có cơ hội tranh chấp huy chương”. Thậm chí, một cựu lãnh đạo vụ này còn đề xuất “nên xem xét điều chỉnh điều lệ giải theo hướng khống chế số lượng nội dung thi đấu của mỗi VĐV để khích lệ phong trào bơi lội phát triển” (!?)

Mạnh miệng tuyên bố “nói không với bệnh thành tích”, thế nhưng ở đây, chính những người được trao trọng trách quản lý ngành lại ngăn cản Ánh Viên thi đấu - một nhu cầu thiết yếu khi từ sau Olympic, kình ngư này không tham gia giải nào - nhằm san sẻ thành tích cho các đơn vị khác đồng thời động viên phong trào! Từ bao giờ và đơn vị nào mạnh dạn đề đạt quan điểm kỳ quặc này để giờ đây, trở thành yêu cầu từ chính Tổng cục TDTT?

Giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup 2016 vừa kết thúc tại Hà Nam trong sự quay lưng của người hâm mộ bởi khách mời quá yếu, dẫn đến hệ quả đội tuyển Việt Nam chẳng học hỏi được gì. Không riêng bóng chuyền, ở nhiều môn thể thao khác tại Việt Nam, việc tổ chức giải mời trên sân nhà hoặc đi tập huấn, thi đấu nước ngoài tốn kém, mục đích là gì nếu không phải là học hỏi bè bạn để tiến bộ?

Tháng 5-2016, lần đầu tiên Giải Bơi các nhóm tuổi toàn quốc diễn ra tại TP HCM thu hút một lượng khán giả đông đảo, lượng VĐV đăng ký thi đấu cũng tăng đáng kể, tất cả chỉ vì giải có sự tham gia của “tiểu kình ngư” Nguyễn Diệp Phương Trâm! Không thấy ai phàn nàn Phương Trâm quá giỏi, vơ vét hết huy chương (giành tổng cộng 12 HCV cá nhân, 6 HCV tiếp sức, phá 6 kỷ lục lứa tuổi) mà thay vào đó, các bậc phụ huynh ra sức “thuyết minh” cặn kẽ về từng động tác sải tay, guồng chân của Phương Trâm như để khuyến khích con em mình noi theo.

Từng nghe chính Ánh Viên đặt mục tiêu vào đến đợt thi chung kết của World Cup hoặc Olympic để khẳng định sự tiến bộ của mình, càng thêm cám cảnh với chuyện hiện tại của tài năng trẻ này. Lẽ ra, với đẳng cấp ở tầm thế giới, việc Ánh Viên tham dự giải quốc gia phải được chào đón bởi sự vượt trội của cô sẽ là động lực để các VĐV khác phấn đấu. Đằng này, mọi việc đảo lộn tất cả…

Ở những nền thể thao tiên tiến, những siêu sao cỡ Michael Phelps (Mỹ), Katinka Hosszu (Hungary)... vẫn được tranh tài ở giải vô địch nước mình. Thậm chí, họ cũng phải trải qua những đợt thi tuyển chọn trong nước để có suất tham dự các giải vô địch thế giới, World Cup hay Olympic.

Tìm nhân tài đã khó, sao cứ mãi làm khó nhân tài… Câu hỏi xin được đặt ra cho những người có trách nhiệm cao nhất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đông Linh ([Tên nguồn])
Hiện tượng kình ngư Ánh Viên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN