Chuyện ăn Tết của Siêu đại kiện tướng

Mỗi năm xuất ngoại tập huấn, thi đấu 7 tháng, Siêu đại kiện tướng Cờ vua quốc tế Lê Quang Liêm hiếm khi ăn Tết ở Việt Nam.

Du đấu khắp 5 Châu

Để tham dự 20 cuộc đấu lớn nhỏ, với hàng trăm chuyến bay xuyên quốc gia, kỳ thủ người TP HCM phải chấp nhận xa quê chính những thời khắc ai cũng muốn được quây quần bên gia đình. Đó là cái giá phải trả cho những cuộc chinh phục đỉnh cao của nhà vô địch thế giới nội dung Cờ chớp Quang Liêm, tuyển thủ Việt Nam duy nhất đạt chuẩn chuyên nghiệp quốc tế.

Mới 22 tuổi, Quang Liêm đã có tới 15 năm gắn bó với môn cờ Vua. Trong hành trình không ngừng nghỉ ấy, có lẽ cộng dồn thời gian anh xuất ngoại tập huấn, thi đấu chiếm tới non nửa, đặc biệt 5 năm trở lại đây, mỗi năm, anh có tới 7 tháng ở nước ngoài.

Nếu nói về số tiền kiếm được cũng như đấu thuê cho CLB nước ngoài, Tiến Minh (cầu lông), Văn Kiều (bóng chuyền) hay Công Vinh (bóng đá) chỉ đáng “xách dép” cho Quang Liêm. Kỳ thủ này đã kiếm được 15 tỷ đồng tiền thưởng và từng khoác áo các CLB mạnh nhất của 4 nền Cờ vua hàng đầu thế giới: Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga.

Một trong ba cái tên châu Á lọt vào danh sách các Siêu Đại kiện tướng quốc tế này có chuyến du đấu đầu tiên khi mới 10 tuổi, tại giải Cờ vua trẻ châu Á 2002 do Ấn Độ đăng cai. Trong ký ức của Liêm, đây là một kỷ niệm nhớ đời, không chỉ bởi lần đầu xa nhà mà phải đối mặt với hàng loạt điều kiện khắc nghiệt: Thời tiết lạnh giá, đồ ăn thức uống hoàn toàn khác lạ. Kỳ thủ “nhí” không ăn không ngủ nổi, tranh tài trong tình trạng ốm khật khừ. Cũng may nhờ có ý chí “già” hơn tuổi, Quang Liêm mới bám trụ tới phút cuối để xuất sắc đoạt một tấm huy chương Bạc. Cũng kể từ đó, số lần xuất ngoại của Quang Liêm đã tăng chóng mặt, nhất là khi ngoài sự đầu tư của ngành Thể thao, gia đình đã chủ động bỏ ra một số tiền rất lớn để đảm bảo cho anh tham dự mọi giải quốc tế cả trong và trên lứa tuổi. Sau cột mốc đạt chuẩn danh hiệu Đại kiện tướng quốc tế vào 2006 ở tuổi 15, coi như Quang Liêm đã trở thành một kỳ thủ quốc tế, theo đúng chuẩn của nhóm hàng đầu.

Trung bình mỗi tháng, anh đấu ít nhất 1 giải, cá biệt là 2 với độ khó, danh tiếng ngày càng tăng. Khi được hỏi số giải và số lần di chuyển, anh thừa nhận: “Nhiều quá không nhớ nổi, chỉ có thể ước chừng con số trên 150 giải ở khoảng 30 nước khắp 5 châu lục”.

Do không thi đấu cho một Trung tâm cờ (theo thông lệ quốc tế) nên mỗi cuộc du đấu với Quang Liêm đều có những khó khăn, phức tạp, không phải về chuyên môn hay tài chính mà lại là chuyện đi lại và ăn uống. Gần đây, anh thường xuyên phải thực hiện các chuyến bay kéo dài vài chục giờ, đơn cử sang Nga, Đức, Mỹ, Cuba khiến thể lực và tinh thần bị bào mòn. Sang đến nơi, có khi phải mất mấy ngày mới hồi sức, coi như phải chuẩn bị lại từ đầu.

Đã đi vòng quanh thế giới, nói tiếng Anh như gió song đến giờ Quang Liêm vẫn không thích và chưa quen nổi các món ăn Tây. Việc phải ăn đồ Tây là một cực hình với anh khi dự giải, đặc biệt sau 8 tiếng đấu mỗi ngày cực nhọc. Được cái, sát cánh cùng Quang Liêm luôn có bố, mẹ hay ít nhất ông thầy “ruột” Lâm Minh Châu. Trước mỗi lần đi, họ đều kỳ công chuẩn bị đồ Việt mang theo để vào nấu ăn cho Quang Liêm, trong đó dứt khoát phải có món… canh rau.

Chuyện ăn Tết của Siêu đại kiện tướng - 1

Kỳ thủ Lê Quang Liêm

Thấm thía Tết xa nhà

Trong làng thể thao Việt Nam, có lẽ Quang Liêm là người sợ và ám ảnh nhất với Tết, đơn giản bởi 6 năm nay anh đều không được ở bên người thân tại quê hương trong dịp đặc biệt ấy. Năm 2006, kỳ thủ 15 tuổi đã lần đầu tiên biết và thấm thía Tết xa nhà. Càng đáng nói trước đó không lâu là sinh nhật của anh. Quang Liêm nhớ như in, đúng đêm giao thừa trên đất Việt, anh ngồi một mình trong phòng ở mãi nước Nga xa xôi, nhìn tuyết rơi trắng xóa mà buồn đến phát khóc.

Đã có thích nghi tốt bởi hiểu rằng nghiệp cờ chuyên nghiệp phải thế nhưng mỗi lần mất Tết vẫn khiến Liêm không khỏi chạnh lòng, nhất là khi lịch xuất ngoại nhiều lần đưa anh vào những tình thế oái oăm. Tết 2012, đúng chiều 30, anh cùng với HLV phải chia tay người thân, bạn bè ra sân bay lên đường sang Anh đấu giải Trade Wide Gibralta. Trong hành lý của Liêm khi ấy còn có cả một cặp bánh chưng, một bọc dưa hành và mấy món đồ ăn khô, đặc thù quê hương. Tết năm 2013, mới 7h sáng mùng 1, thầy trò anh lại rời nhà di chuyển sang Nga dự giải Aeroflot Open. Quang Liêm nhớ lại: “Có lần phải đến mãi ngoài Rằm tháng Giêng, tôi mới được về lại Việt Nam”.

Khi được hỏi kế hoạch Xuân Giáp Ngọ sẽ ra sao, Quang Liêm cười: “Do đang du học tại trường Đại học Webster theo một chương trình chặt chẽ về thời gian biểu, nên gần như chắc chắn Tết này tôi lại đón Tết cổ truyền ở Mỹ”.

Siêu kỳ thủ, siêu… mê tín

Như bật mí của Quang Liêm thì anh có một số thói quen “kiêng” và “tránh” để tạo ra sự yên tâm, tin tưởng và cả may mắn cho mình. Kỳ thủ này không bao giờ trả lời phỏng vấn trong khi giải đấu, nội dung đấu đang diễn ra. Có nghĩa là phải kết thúc cả giải, hay mỗi nội dung anh mới “lên tiếng”. Hay sau mỗi ván thua, anh lập tức đổi ngay cây bút, vật thiết thân mà các tay cờ sử dụng để ghi biên bản mỗi khi tranh tài.

Không biết mình có chỉ số thông minh bao nhiêu

Rất nhiều người, nhất là dân cờ và giới trẻ đều tò mò muốn biết chỉ số thông minh (IQ) của nhà vô địch thế giới cờ chớp, Siêu đại kiện tướng quốc tế, người đang được coi là “hiện tượng” của làng cờ thế giới này. Tuy nhiên, “chính bản thân Quang Liêm cũng không biết vì chưa kiểm tra bao giờ và không mấy quan tâm”. Khi được các fan  đề nghị tự dự đoán trong một cuộc giao lưu, anh chỉ cười và cho rằng: “Chắc chỉ số IQ của mình cũng không vượt được quá mặt bằng chung”.

Mơ ước tấm hộ chiếu công vụ

Là tuyển thủ Việt Nam xuất ngoại nhiều nhất, một kỳ thủ quốc tế đúng nghĩa nhưng Quang Liêm luôn rất vất vả và mất thời gian trong việc làm các thủ tục cho mỗi lần du dấu. Có khi trước giải cả tháng, thầy trò anh đã phải chạy đôn chạy đáo để lo thủ tục xuất cảnh. Ngay năm ngoái, anh từng lỡ một cuộc đấu quan trọng tại Ấn Độ với tư cách đương kim vô địch vì không kịp lo thủ tục. Vì thế, Quang Liêm mơ ước được cấp một tấm hộ chiếu công vụ theo diện đặc cách nhằm tạo thuận lợi cho việc du đấu. Đã vài lần anh viết đơn đề nghị Ngành thể thao và Liên đoàn Cờ hỗ trợ nhưng không được giải quyết, dù chiểu theo quy định của Bộ Ngoại giao, đối tượng đặc biệt như siêu kỳ thủ này có đủ tiêu chuẩn để được đặc cách.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuyến Chi (giaothongvantai.com.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN