Chuyện 400 ngàn đồng tiêu vặt tại SEA Games 28

Mỗi VĐV tại SEA Games 28 chỉ được cấp khoản tiêu vặt 20 USD mỗi ngày, tương ứng với trên 400 nghìn đồng.

Hỏi bất cứ tuyển thủ Việt Nam nào  đang tranh tài trên đất Singapore đã đi chơi và mua sắm gì chưa, cũng sẽ nhận được một cái lắc đầu cùng nụ cười mỉm. Đơn giản vì họ phải tập trung tối đa cho việc tập luyện, thi đấu giành thành tích cao nhất. Điều đó đúng song chưa đủ, bởi còn có một lý do khá tế nhị khác: Lấy đâu ra tiền.

Tham gia đoàn quân dự SEA Games 28, các tuyển thủ được bao cấp toàn bộ chuyện ăn ở, di chuyển, bảo hiểm... Có nghĩa là, họ không phải lo bất cứ việc gì ngoài chuyên môn. Thế nhưng, họ cũng lại chẳng có gì cho riêng mình, khi mà chỉ được cấp thêm một khoản tiêu vặt 20 USD mỗi ngày, tương ứng với trên 400 nghìn đồng.

Chuyện 400 ngàn đồng tiêu vặt tại SEA Games 28 - 1

Cô gái trẻ Trương Thị Phương đã gây bất ngờ lớn khi giành chiếc HCV canoeing nội dung C1-200m nữ tại SEA Games 28. Cô đã bật khóc khi giành HCV

Bao năm nay, mức này cũng không có gì thay đổi, dù xuất ngoại tranh tài ở những nơi vô cùng đắt đỏ như Anh hay hiện tại là Singapore. Thực sự nó chỉ đủ để uống nước hay ăn thêm chút gì đó theo nhu cầu.

Vì khoản tiền quá “hẻo” nên các vận động viên gần như không dám, hay nói chính xác hơn không thể tiêu gì cho mình cả. Cách dễ nhất, họ đành tiết kiệm lại để khi kết thúc Đại hội, có được một khoản căn cứ vào số ngày, nhiều nhất may ra được 4 triệu, còn ít chỉ 2 triệu đồng để dành mua ít đồ gọi là có chút quà cho người thân.

Với những người giành được huy chương, nếu là Vàng sẽ đỡ hơn vì được thưởng “nóng” ngay tại Đại hội rồi thưởng "nguội" khi về nước, coi như một sự bù đắp. Tuy nhiên, may lắm cũng chỉ có một phần trong số mấy trăm tuyển thủ có thành tích, phần đông còn lại sẽ trở về tay trắng. Và khoản tiêu vặt 400 nghìn đồng mỗi ngày lại chính là thành quả thiết thực, cụ thể duy nhất.

Ai cũng biết rằng điều kiện của thể thao Việt Nam còn nhiều khó khăn, các tuyển thủ cũng đã quá quen với cảnh vượt khó, vượt khổ. Và thực tế, khoản tiêu vặt đó cũng áp dụng theo quy định của nhà nước. Thế nhưng, người ta vẫn không khỏi chạnh lòng cho đội quân đặc biệt ở một đấu trường quốc tế lớn, nhất là so với sự rủng rỉnh một cách đầy tự tin của thành viên nhiều đoàn khác.

Đó có lẽ không phải là câu chuyện về quy định hay điều kiện mà giống như một câu hỏi mà ngành thể thao vẫn đang bất lực: Làm sao để tự mình hỗ trợ, chăm lo thêm cho các VĐV thay vì cái gì cũng phải “xin” nhà nước?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thoa Nhung (Baogiaothong.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN