Chung Hyeon sẽ là “Nishikori của Hàn Quốc”
Liệu Chung Hyeon từ chỗ là một cậu bé người Hàn Quốc đầy tiềm năng tới mức đã làm thay đổi cả triết lý của Học viện IMG Nick Bollettieri có thể vươn lên trở thành ngôi sao hàng đầu thế giới?
12 tuổi, Chung Hyeon (cùng với người anh trai) được Nick Bollettieri ký hợp đồng. Câu đầu tiên người ta đã hỏi HLV huyền thoại người Mỹ là tại sao ông lại phá lệ, ký kết với một tay vợt trẻ như thế?
Bollettieri chỉ ra nguyên nhân là Chung Hyeon đã vô địch Eddie Herr và Orange Bowl, hai trong số những giải đấu trẻ có tính cạnh tranh cao nhất, có thể được coi là giải đấu của những huyền thoại thế giới trong tương lai. Những Roddick, Del Potro… đều đã từng vô địch ở đây khi còn trẻ. Vô địch ở đây cũng giống như vô địch Grand Slam trẻ.
Nhưng không phải cứ ai vô địch Orange Bowl sau này cũng đều trở thành ngôi sao hàng đầu thế giới. Như Hoàng Thiên, khi 16 tuổi cũng đã vô địch U16 Orange Bowl nhưng nay thì phải cần tới “wild card” (suất đặc cách) mới có thể tham dự giải đấu Challengers ở TP HCM tới đây nhờ Việt Nam là chủ nhà và Liên đoàn quần vợt VN có quyền chọn đặc cách.
Còn tiềm năng hơn cả Nishikori
Ở Chung Hyeon có những phẩm chất đặc biệt mà HLV huyền thoại Bollettieri nhận ra. Ông đã từng huấn luyện cả thảy 10 tay vợt nam nữ khác nhau từng đứng ở vị trí số 1 thế giới, trong đó có Agassi, Sharapova. Ông cũng chính là người đã giúp Nishikori trở thành tay vợt xuất sắc nhất trong lịch sử tennis nam châu Á nhờ vươn lên vị trí số 4 thế giới và lọt vào tới trận chung kết US Open 2014 (thua Cilic).
Tài năng quần vợt của Chung Hyeon đã được phát hiện từ khá sớm
Nếu xét về tiềm năng, dường như Chung Hyeon có những điểm hơn cả Nishikori, người Nhật Bản từng tới học viện IMG nhờ quỹ đào tạo tennis của một tỷ phú người Nhật bỏ ra chứ không phải đã được học viện lừng danh nói trên chủ động chọn.
Khi còn trẻ, thành tích tốt nhất ở các giải Grand Slam trẻ của Nishikori là lọt vào tới tứ kết Australian Open và Roland Garros. Chung Hyeon đi xa hơn thế, khi lọt vào tới trận chung kết Wimbledon đơn nam trẻ 2013 sau khi đã đánh bại Kyrgios và Coric.
Chung kém hơn Nishikori ở những bước đầu chập chững tham dự các giải ATP. Nếu như ở tuổi 19, Nishikori làm nên chiến tích vang dội, vô địch Delray Beach Championships thì Chung mới chỉ vô địch các giải ở hệ thống Challenger từ năm 2014.
Nhưng, ở tuổi 19, cả hai cùng bắt đầu lọt vào Top 100 ATP, nếu thứ hạng cao nhất của Nishikori (sinh năm 1989) vào năm 2008 là 61 thì hiện Chung Hyeon đang đứng thứ 58.
Chung có thành tích tốt nhất ở các giải Grand Slam khi 19 tuổi là vào tới vòng 2 US Open (thua sau cả 3 set đều thi đấu tie-break) với Wawrinka, thì Nishikori ở tuổi này vào tới vòng 4 US Open 2008.
Nhưng Chung lại được kỳ vọng nhờ có một thể hình cực kỳ lý tưởng, đã cao ngang độ chuẩn mực 1m85-1m88 như Federer, Nadal, Djokovic trong khi không tỏ ra quá cồng kềnh như nhiều người Đông Á cao lớn khác khi chơi thể thao.
Thể hình đó (1m85) có thể giúp Chung Hyeon sẽ không phải tập vượt ngưỡng quá nhiều và tránh bị chấn thương từ rất sớm như câu chuyện của Nishikori, người mà bắt đầu sang năm 20 tuổi đã bị chấn thương hành hạ từ năm này qua năm khác.
Những ưu điểm đầu tiên được Chung Hyeon phát huy, đó là cú giao bóng nhỉnh hơn so với cú giao bóng của Nishikori. Ở US Open, khi thua Wawrinka, tốc độ trung bình cú giao bóng 1 của Chung là 115 dặm/giờ, chỉ kém 1 dặm so với Wawrinka. Tốc độ giao bóng nhanh nhất của Chung ở trận đấu ấy là 126 dặm/giờ, khoảng 203 km/h.
Nhưng Chung giao bóng hai mới thực xuất sắc, khi tốc độ trung bình khoảng 150 km/h. Các chỉ số tương tự của Nishikori ở US Open 2015 là 198 km/h (giao bóng 1), 175 km/h (giao bóng 1 trung bình) và 138 km/h (giao bóng 2).