Chỉ tiêu vé dự Olympic Tokyo 2020 - Đường xa hun hút
Khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến thời hạn chốt danh sách VĐV các đoàn tham dự Olympic Tokyo 2020, thể thao Việt Nam càng cảm nhận rõ về việc khó hoàn thành chỉ tiêu giành 20 vé trực tiếp tham dự.
Như Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn báo cáo trong cuộc làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng với Tổng cục TDTT vào ngày 20/5 vừa qua thì vô cùng khó khăn để hoàn thành chỉ tiêu về vé tham dự Olympic Tokyo 2020 trong điều kiện hiện nay. Con đường hoàn thành chỉ tiêu về vé trực tiếp dự Olympic 2020 đúng là đường xa hun hút!
Võ sĩ taekwondo Trương Thị Kim Tuyền (cầm huy chương) tại vòng loại Olympic Tokyo 2020 khu vực châu Á
Mới được hơn 1/3 chỉ tiêu
Tại Olympic Rio 2016 ở Brazil, thể thao Việt Nam giành tới 22 vé tham dự trực tiếp với 23 VĐV. Đó cũng là kỳ Olympic có nhiều VĐV Việt Nam giành vé trực tiếp tham dự nhất và đương nhiên mang đến niềm tự hào cho những nhà quản lý.
Về mặt nào đó, đây được xem là bước tiến lớn của thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic – sân chơi đỉnh cao của thể thao thế giới. Bởi bên cạnh tấm huy chương thì số lượng VĐV giành vé trực tiếp tham dự Olympic cũng được xem là tiêu chí đánh giá về sự phát triển của một nền thể thao.
Sau kỳ Olympic 2016 thành công vang dội với việc lần đầu tiên có nhiều VĐV giành vé trực tiếp tham dự nhất, rồi lần đầu tiên giành 1 HCV, 1 HCB, thể thao Việt Nam cân đo đong đếm lực lượng rồi cũng đặt chỉ tiêu giành 20 vé trực tiếp tham dự Olympic Tokyo 2020.
Đấy là mục tiêu không thể khác với một nền thể thao đang trên đà khởi sắc. Nhưng rồi dịch COVID-19 xảy ra mang đến nhiều hệ lụy. Từ gần 1 năm rưỡi qua, những hệ lụy đã được nhắc đến nhiều lần trong đó rõ nhất là các giải đấu quốc tế tính điểm để xét vé dự Olympic Tokyo bị hoãn hủy, nhiều giải đấu quốc tế khác cũng không thể diễn ra, rồi việc đi lại quốc tế trở nên cực kỳ khó khăn.
Điều đó khiến các VĐV Việt Nam mất nhiều cơ hội cọ xát, tích lũy điểm hoặc trực tiếp giành vé dự Olympic Tokyo 2020. Ngay việc tưởng như đơn giản là tìm chuyến bay từ nước diễn ra giải đấu về Việt Nam cũng khó, khiến nhiều đội tuyển, trong đó có vật, điền kinh, judo, kiếm quốc tế… lỡ cơ hội thi đấu.
Vì thế, đến lúc này, thể thao Việt Nam mới chỉ giành 8 vé trực tiếp với 9 VĐV tham dự Olympic Tokyo 2020. Chủ nhân 8 vé trực tiếp gồm Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Lê Thanh Tùng, Đinh Phương Thành (thể dục dụng cụ), Nguyễn Văn Đương (boxing), Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung), Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo (nội dung đôi nữ, rowing), Trương Thị Kim Tuyền (taekwondo).
Gần đây nhất, ngày 21/5, võ sĩ taekwondo Trương Thị Kim Tuyền (hạng 49kg nữ) đã giành tấm vé thứ 8 trực tiếp tham dự Olympic Tokyo 2020 cho thể thao Việt Nam. Trước đó, ngày 8/5, bộ đôi VĐV rowing Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo đã giành tấm vé thứ 7.
Nếu so với kỳ Olympic trước, đến lúc này, một số môn đã không thể nối mạch dự Olympic trong đó có vật, kiếm quốc tế, điền kinh, judo… Trong số này, tiếc nhất là đội tuyển kiếm quốc tế khi từng ở rất gần tấm vé tham dự Olympic Tokyo.
Nhưng chỉ vì không thể tham dự đủ các giải đấu tích điểm trên bảng xếp hạng thế giới do các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính hoặc không tìm được vé về Việt Nam từ nước đăng cai giải đấu do dịch COVID-19 mà đội đấu kiếm, cụ thể là kiếm thủ Vũ Thành An, mất cơ hội dự Olympic Tokyo 2020.
Đến khi phải tham dự vòng loại Olympic khu vực châu Á – Thái Bình Dương thì đội không thể làm chủ cơ hội của mình. Điều đó dẫn đến việc đấu kiếm Việt Nam không thể giành vé dự Olympic 2020.
Ngoài đấu kiếm, điền kinh đã hết cơ hội giành vé trực tiếp khi không thể dự giải các nội dung tiếp sức thế giới tại Ba Lan vào đầu tháng 5 này vì không thể thu xếp được chuyến bay về Việt Nam từ Ba Lan.
Nếu dự giải này, có thể đội tiếp sức hỗn hợp nam nữ (2 nam, 2 nữ) nội dung 4x400m sẽ cải thiện được thứ hạng thế giới để được vào nhóm giành vé trực tiếp dự Olympic 2020.
Tương tự, đội judo, vật cũng không thể ra nước ngoài thi đấu tranh vé dự Olympic 2020 vì phía Tổng cục TDTT không thể tìm được chuyến bay về Việt Nam từ địa điểm thi đấu cho đội tuyển.
Nếu các đội tuyển trên không thể giành vé vì gặp khó khăn trong di chuyển khi tham dự các giải đấu tranh vé thì trường hợp của đội taekwondo lại đáng để tham khảo.
Đội có một kế hoạch dài hơi, với việc đi tập huấn ở Uzbekistan trong hơn 1 tháng trước khi di chuyển tới địa điểm thi đấu ở Jordan. Việc này đương nhiên tốn kém nhưng đổi lại là chắc chắn mang đến cơ hội thi đấu cho VĐV và thực tế đã giành vé dự Olympic Tokyo 2020. Trong khi đó, một số môn khác lại không thực hiện được việc này và đó mới là vấn đề đáng suy nghĩ.
Chỉ khả thi với việc hoàn thành một nửa chỉ tiêu
Thực tế, rất khó để thể thao Việt Nam hoàn thành mục tiêu giành 20 suất trực tiếp tham dự Olympic Tokyo 2020, nhưng để giành 10-12 suất là hoàn toàn khả thi. Hiện tại, cử tạ đang được trông chờ sẽ giành ít nhất 2 suất trực tiếp.
2 cái tên của cử tạ Việt Nam đang được kỳ vọng giành vé là Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên. Trên bảng xếp hạng thế giới hiện tại, cả hai đều đang trong diện giành vé. Dự kiến, đến 31/5, Liên đoàn Cử tạ thế giới sẽ công bố chủ nhân các vé tham dự trực tiếp Olympic Tokyo 2020 thông qua bảng xếp hạng cử tạ thế giới.
Trong khi đó, ở môn cầu lông, Nguyễn Tiến Minh và Nguyễn Thùy Linh đang có nhiều cơ hội tham dự Olympic Tokyo 2020. Dù vậy, họ vẫn phải đợi đến khi Liên đoàn Cầu lông thế giới công bố mới rõ có giành được vé dự Olympic Tokyo 2020 hay không.
Còn ở môn bơi, các kình ngư nước ta sẽ tranh suất trực tiếp dự Olympic Tokyo ngay tại giải bơi các nhóm tuổi quốc gia năm 2021 ở thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Kỳ vọng giành vé đang được đặt vào kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên.
Giờ thì chỉ mong giải đấu không bị hủy bởi dịch COVID-19 và diễn ra trong tháng 6 bởi cuối tháng này cũng là thời hạn cuối để chốt danh sách VĐV bơi tham dự Olympic Tokyo 2020. Riêng boxing nữ lại chông chênh cơ hội dự Olympic do có những thay đổi về cách xếp hạng thế giới của các võ sĩ, vốn được xem là tiêu chí để chọn VĐV dự Olympic tới.
Theo HLV trưởng đội tuyển boxing nữ Việt Nam Nguyễn Như Cường, với cách xếp hạng mới, võ sĩ Nguyễn Thị Tâm (hạng 51kg nữ) ít có cơ hội dự Olympic Tokyo 2020.
Trong khi đó, vòng loại thế giới Olympic Tokyo 2020 tại Pháp vào tháng 5 này đã không thể diễn ra do dịch COVID-19. Nếu dự giải này, cơ hội giành vé đến Nhật Bản của Nguyễn Thị Tâm còn cao hơn so với việc trông vào vị trí trên bảng xếp hạng thế giới hiện tại để hy vọng đoạt vé dự Olympic Tokyo 2020.
Đến lúc này, khả năng giành 20 vé trực tiếp dự Olympic của thể thao Việt Nam khó xảy ra, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vấn đề hiện tại của thể thao Việt Nam giờ lại ở việc đầu tư cho những VĐV đã giành vé để hy vọng họ có thể mang về ít nhất 1 HCĐ tại kỳ Olympic tới.
Võ sĩ Taekwondo Trương Thị Kim Tuyền đã mang về cho thể thao Việt Nam tấm vé thứ 8 dự Olympic Tokyo.
Nguồn: [Link nguồn]