Chấn thương có phá hủy Nadal?
Có phải rằng Nadal, dù trẻ hơn tới 5 tuổi, sẽ phải gác vợt sớm hơn Federer?
* Năm nào cũng chấn thương
Masters 1000 ở Cincinnati (Ohio, Mỹ) đang diễn ra mà không có Nadal. Đó là giải đấu lớn thứ ba liên tiếp Nadal rút lui, sau Olympic ở London và Rogers Cup ở Canada.
Nếu như Nadal có kịp trở lại ở US Open 2012, thì đợt dưỡng thương này cũng kéo dài tới hai tháng - lâu nhất kể từ năm 2009.
Chấn thương đầu gối của Nadal là căn bệnh kinh niên
Và đây là lần thứ năm trong 6 năm, đầu gối của Nadal bộc lộ và tái phát chấn thương. Lần đầu tiên anh phát hiện chấn thương gân ở đầu gối là từ trận chung kết Wimbledon 2007, và sau đó đã tác động mạnh tới trận thua của anh ở US Open cùng năm trước David Ferrer ở vòng 4. Lần thứ hai là ở cuối năm 2008 lịch sử (lần đầu vô địch Wimbledon, lên ngôi số 1 TG và vô địch Olympic), chấn thương đầu gối đã ngăn Nadal không thể tham dự Masters Cup (ATP World Tour) ở Thượng Hải. Lần thứ ba là sau Roland Garros 2009, anh nghỉ liền ba tháng, cho tới Rogers Cup mới trở lại. Lần thứ tư là ở Australian Open, khiến anh phải bỏ cuộc ở tứ kết khi mới thi đấu tới đầu set thứ ba với Andy Murray.
Nhưng Nadal không chỉ gặp mỗi chấn thương về đầu gối. Năm 2011, anh thua David Ferrer ở tứ kết Australian Open trong hoàn cảnh bị rách cơ bụng. HLV và là chú của anh, ông Toni Nadal đã muốn anh bỏ cuộc giữa trận đấu ấy, nhưng Nadal từ chối vì không muốn một hai năm liên tiếp kết thúc giải đấu ấy với một trận đấu bỏ dở.
Năm 2004, khi mới 18 tuổi, Nadal lần đầu tiên phải phẫu thuật, với một vết gãy ở xương bàn chân trái. Chấn thương này tái phát trong năm 2005, tới mức Toni Nadal bảo nó có thể đe dọa sự nghiệp cháu ông. Sự thực là bàn chân trái của Nadal giờ đây đã ổn, nhưng anh đã phải vắng mặt ở Masters Cup 2005 và cả Australian Open 2006.
Không ai trong số các tay vợt hàng đầu của tennis đương đại có một hồ sơ bệnh án khủng khiếp như Nadal. Federer chưa phải bỏ qua một Grand Slam nào kể từ khi anh vô địch Wimbledon 2003. Djokovic cũng chưa từng vắng mặt ở một giải đấu lớn nào kể từ khi anh bắt đầu đánh giải Grand Slam năm 2005. Andy Murray, người có vẻ kém may mắn hơn hai cái tên nói trên, cũng chỉ phải vắng mặt ở Roland Garros và Wimbledon 2007 do chấn thương cổ tay.
Lối chơi thiên về thể lực khó có thể duy trì
* Đúng, Nadal đã là lão tướng!
Sức mạnh của Nadal là thể lực. Sức mạnh ấy rõ ràng được xây dựng nhờ chế độ tập luyện có khối lượng và cường độ cực lớn lẫn một nền tảng mang tính di truyền là sinh ra trong gia đình có truyền thống thể thao (có hai người chú là cầu thủ bóng đá và HLV tennis). Mặt trái của chế độ tập luyện kinh khủng và lối đánh xả thân cho từng đường bóng của anh là những chấn thương luôn rình rập (và đã xuất hiện như đã thống kê ở trên).
Nhưng, Nadal không còn mạnh mẽ về mặt thể lực như đã bộc lộ hơn một năm qua, và nếu phong độ anh trong thời gian tới đây sa sút, thì nó cũng còn là vấn đề mang tính quy luật giống như bất cứ các tay vợt tennis nói riêng hay VĐV thể thao nói chung nào khác: Tuổi thọ nghề nghiệp. Mà đôi khi, tuổi thọ nghề nghiệp còn khắc nghiệt và ít có tính ngoại lệ như tuổi thọ tự nhiên của mỗi con người.
Nadal bắt đầu chuyển sang chuyên nghiệp từ năm 16 tuổi nếu coi chiến thắng đầu tiên ở một giải ATP Tour năm 2002 là cột mốc. Từ đó tới nay đã 11 năm, với 8 năm liên tiếp anh giành được ít nhất một Grand Slam (2005-2012). Ngần ấy thời gian xem ra cũng đủ để coi anh là một lão tướng.
Chúng ta hãy làm một phép so sánh. Pete Sampras huyền thoại vĩ đại người Mỹ có 15 năm chơi chuyên nghiệp, trong đó có 8 năm liên tiếp giành Grand Slam (1993-2000), rồi anh mất hai năm trắng tay trước khi chói sáng một lần cuối vào năm 2002. Jim Courier, một tên tuổi lớn của tennis Mỹ và thế giới với bốn lần vô địch Grand Slam có sự nghiệp kéo dài 13 năm và chu kỳ thành công của anh cũng chỉ diễn ra trong ba năm.
Andrea Agassi chơi chuyên nghiệp tới 20 năm và giành Grand Slam cuối cùng vào năm thứ 18 của sự nghiệp được coi là một ngoại lệ. Nhưng người từng 8 lần vô địch Grand Slam này cũng vắng mặt tới 20 giải Grand Slam khác nhau, trong đó có 8 kỳ Australian Open liên tiếp với một phần lý do chính yếu là chấn thương. Và Agassi cũng chỉ có thể duy trì thành tích năm nào cũng giành Grand Slam trong một giai đoạn tối đa là 3 năm (1999-2001).
Có một so sánh khá phổ biến nữa hay nói đúng hơn, mang tính vĩ đại, ấy là đặt Nadal bên cạnh Federer với một luận điểm hay được nhắc tới: Nadal sẽ không thể giành nổi Grand Slam một khi anh bước sang tuổi 30.
Có thể lắm! Vì chưa chắc Nadal vẫn còn chơi tennis đỉnh cao khi thế giới bước sang năm 2016. Còn nếu tiếp tục, đó là lúc anh chơi mùa thứ 15 của sự nghiệp chuyên nghiệp (trong quãng thời gian 25 năm cầm vợt và tập luyện), giống như Federer ở tuổi 31 hiện tại.
Nhưng bản thân Federer cũng chỉ có thể giành được Grand Slam trong tám năm liên tiếp (2003 - 2010) rồi phải "nằm thở" dưới sự thống trị của chính Nadal và Djokovic tới 26 tháng trước khi vô địch trở lại, dù cho thiên tài người Thụy Sĩ chỉ đôi lúc bị ốm vặt như bất cứ ai trong số chúng ta.
Federer cũng cần phải có một nền tảng thể lực mạnh mẽ và bền bỉ để thi triển thứ tennis nghệ thuật tới mức có những lầm tưởng là anh chẳng cần phải dùng sức (mà chỉ cần cái đầu và đôi tay mềm mại) là chiến thắng. Trái lại là đằng khác, Federer là một VĐV thực thụ nhờ tố chất bẩm sinh và một chế độ tập luyện chuyên nghiệp. Federer hơn một thập kỷ qua chỉ làm việc với một HLV thể lực là Pierre Paganini. Mỗi năm, Paganini lại theo sát Federer 5 tháng với bốn giai đoạn chuẩn bị thể lực chuyên biệt phân bổ vào tháng 12, cuối tháng 2, tháng 7 và tháng 9. Những lúc đó, Federer tập thể lực từ 4-5 tiếng mỗi ngày. Và giữa các giai đoạn chuẩn bị nói trên là các giáo án tập để duy trì thể lực. Giữa hai giải đấu, Federer thường về Dubai, nơi anh có nhà và sân tập (hoặc tập ở một khách sạn nào đó) trong khoảng 5 tiếng mỗi ngày trong đó là 4 tiếng trên sân.
Video Federer tập luyện lúc trẻ
Và Federer cũng gặp vấn đề về thể lực (như đã nói ở trên) khi quãng thời gian anh mất ngôi số 1 TG và tay trắng ở chín giải Grand Slam liên tiếp rơi đúng vào thời điểm anh ngấp nghé và bước sang tuổi 30. Lối đánh tấn công của Federer là tiết kiệm sức hơn, nhưng cũng đòi hỏi anh phải nhanh, mạnh và chính xác tới mức gần như tuyệt đối. Nếu chỉ chậm một cái nháy mắt, điểm tiếp bóng của cú bung trái sẽ là vào cạnh vợt và bóng bay lên trời. Nếu anh né trái đánh phải hụt vài cm, anh may ra chỉ có thể đánh chéo sân chứ khó lòng đánh dọc dây. Và nếu anh chậm một bước chân, anh chỉ có thể demi-volley đầy may rủi chứ không thể phủ kín lưới mà volley "giết" bóng ngay.
* Khi Nadal trở lại, sẽ mạnh mẽ hơn?
Nadal dĩ nhiên tập nặng hơn Federer, mà chỉ riêng việc anh có ba chuyên gia thể lực và phục hồi đã nói lên tất cả. Và phần thưởng của nó là, dù cho anh bị chấn thương hành hạ liên miên, Nadal vẫn đứng trước một cơ hội: nếu tiếp tục giành được Grand Slam trong năm 2013, anh sẽ trở thành người đầu tiên (và có thể là duy nhất?) ở kỷ nguyên Mở (từ 1968) của môn thể thao này vô địch một giải đấu lớn trong chín năm liên tục!
Chỉ là dự báo chủ quan, nhưng xin khẳng định là Nadal có thể làm được điều đó. Nadal có cả một bộ "sơ yếu" với thành tích vượt khó và trỗi dậy mạnh mẽ: Sau chấn thương đầu gối năm 2009 và đầu năm 2010 là cú ăn ba vĩ đại ở Roland Garros, Wimbledon và US Open 2010. Sau chấn thương cơ ở đầu năm 2011 là lần lên ngôi ở Roland Garros. Sau khi tỏ ra yếu hơn Djokovic về mặt thể lực cũng như sự tựu tin ở Australian Open 2012 là kỷ lục bảy lần thắng Roland Garros. Đó là còn chưa kể tới khả năng Nadal có thể điều chỉnh lịch thi đấu, giảm bớt sự xuất hiện các giải đấu nhỏ, để giúp khả năng phục hồi được đảm bảo.
Hẳn là tất cả những ngôi sao hàng đầu, từ Murray, Del Potro cho tới Djokovic và Federer cũng dè chừng một điều: Lần trở lại nào, Nadal cũng đạt được nhiều thành công hơn.
Ngày 6-8, Nadal mới bắt đầu sờ vào quả bóng tennis. Tức là hơn 1 tháng sau trận thua Lukas Rosol ở vòng 2 Wimbledon, anh mới cầm đến vợt. Nadal sẽ chỉ có đúng 3 tuần tập với bóng trước khi bước vào trận đầu tiên ở US Open 2012, nơi anh nhiều khả năng sẽ là hạt giống số 3. |
PHẠM TẤN