Cầu mây "cứu tinh" cho thể thao Việt Nam ở ASIAD 19?
17 năm trước, các tuyển thủ Cầu mây đã đóng vai người hùng giúp thể thao Việt Nam hoàn tất chỉ tiêu giành HCV ở Á vận hội Doha. Điều đó có thể sẽ lại diễn ra, trong bối cảnh cơ hội giành 3-5 HCV ASIAD 19 của thể thao Việt Nam được đánh giá sẽ rất khó khăn.
Ký ức khó quên
Với Nguyễn Đức Thu Hiền, Lưu Thị Thanh, Nguyễn Hải Thảo và nhiều thành viên khác của Đội tuyển Cầu mây Việt Nam, ký ức về Á vận hội Doha 2006 hẳn vẫn rõ ràng như mới xảy ra ngày hôm qua. Chỉ 1 năm sau khi giành 2 HCB SEA Games, họ đã đánh bại chính những cường quốc cầu mây trong khu vực Đông Nam Á để đứng đầu châu lục.
Cầu mây Việt Nam từng giành 2 HCV Á vận hội 2006.
Từ lâu, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có đội tuyển cầu mây mạnh. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để các tuyển thủ cầu mây Việt Nam có thể sòng phẳng cạnh tranh HCV với Thái Lan, Trung Quốc hay Myanmar. Đó là những quốc gia vốn sở hữu nhiều VĐV đá cầu mây thành thạo như đá bóng.
Chỉ có nỗ lực, cố gắng và một chút may mắn đã giúp cầu mây Việt Nam làm nên phép màu 17 năm trước. Các tuyển thủ không chỉ mang về 1, mà tới 2 HCV cùng 1 HCB. Đáng chú ý hơn, ở phần lớn trận đấu tại Á vận hội năm đó, đội tuyển Cầu mây Việt Nam thường đánh bại đối thủ trong cảnh thắng ngược.
Kỳ tích cầu mây Việt Nam làm được tại ASIAD Doha là một trong những sự kiện thể thao tiêu biểu nhất của năm 2006. Chính những quan chức thể thao cũng thừa nhận, cầu mây chính là bộ môn giúp đoàn Việt Nam đạt chỉ tiêu giành 3 HCV đã đặt ra. Có thể ví Cầu mây chính là vị cứu tinh cho thể thao Việt Nam thời điểm ấy.
Thú vị hơn, tại ASIAD Doha 2006, cầu mây là một trong những môn cuối cùng khép lại chương trình thi đấu. Đoàn thể thao Việt Nam đã phải nín thở theo dõi từng chuyển động của Đội tuyển Cầu mây trong từng trận. Chỉ đến khi Thu Hiền, Hải Thảo và Lưu Thị Thanh giành HCV nội dung đôi nữ, mọi người mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
Trước ngày chung kết lịch sử của môn cầu mây, thể thao Việt Nam đã chứng kiến hàng loạt niềm hy vọng vàng khép lại hành trình với tấm HCB. Hàng loạt gương mặt ở các môn thế mạnh như cử tạ, cờ vua, bắn súng, thể hình, billiards, taekwondo, wushu... ra sân thi đấu nhưng thành tích không như kỳ vọng.
Bên cạnh Cầu mây, đội tuyển duy nhất đạt chỉ tiêu giành HCV ASIAD như đã đăng ký là Karate. Dưới thời HLV Lê Công, Karate Việt Nam luôn đảm bảo có 1-2 HCV tại các kỳ Á vận hội. Năm đó, võ sĩ Việt Nam bước lên bục cao nhất là Vũ Thị Nguyệt Ánh. Cô đã đánh bại tất cả những võ sĩ hàng đầu châu lục để giành HCV hạng cân 48kg nữ.
Kỳ tích không thường xuyên diễn ra trong thể thao, và điều đó cũng đúng với cầu mây. Sau Doha 2006, Cầu mây nam và nữ Việt Nam vẫn có lớp VĐV kế thừa tốt. Họ đã lọt vào nhiều trận chung kết SEA Games và ASIAD, nhưng những tấm HCV không còn nữa. Phải đến SEA Games 32 vừa qua, một nhà vô địch Việt Nam mới lại xuất hiện.
Đảm nhiệm mục tiêu lớn
Kỳ SEA Games 31 tổ chức trên sân nhà dường như chỉ là màn thử nghiệm của cầu mây Việt Nam trước khi hướng đến những đấu trường lớn hơn. Sau 1 năm, Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Nguyễn Thị Yến và Trần Thị Ngọc Yến đã thi đấu với phong độ hoàn toàn khác. Họ là những VĐV nòng cốt mang về HCB nội dung đồng đội 4 người, sau đó bất ngờ giành HCV SEA Games.
Trên hành trình tiến đến trận cuối cùng nội dung đôi nữ Cầu mây SEA Games 32, các tuyển thủ Việt Nam đã đánh bại hàng loạt đối thủ mạnh. May mắn phần nào đã đến khi chúng ta có thành tích 3 thắng, 1 thua, xếp trên Indonesia và Myanmar do hơn chỉ số phụ. Nhưng đáng chú ý hơn, cầu mây Việt Nam tiếp tục có thành tích tốt ở giải vô địch châu Á.
Diễn ra từ ngày 19 đến 24/6, Giải vô địch Cầu mây châu Á 2023 được tổ chức tại Trung Quốc. Đây cũng là nơi các Đội tuyển Cầu mây hàng đầu châu Á quy tụ nhằm kiểm tra phong độ của VĐV, đồng thời tiếp nhận thêm thông tin về đối thủ. Giữa muôn trùng khó khăn, một lần nữa, Đội tuyển Cầu mây Việt Nam khẳng định ưu thế bằng 2 HCV.
Cú đúp HCV của Cầu mây Việt Nam tại giải vô địch châu Á cho thấy, sau 17 năm, một lần nữa môn thể thao này có khả năng trở thành niềm hy vọng vàng. Đó cũng là lý do biến Cầu mây được xếp vào một trong những môn nhận chỉ tiêu giành HCV tại Á vận hội tới, bên cạnh Xe đạp, Bắn súng, Boxing và Bơi.
5 năm trước, tại Indonesia, đoàn thể thao Việt Nam đã giành được 5 HCV. Tuy nhiên, 2 trong số đó đến từ Pencak Silat, môn võ sẽ không xuất hiện tại Hàng Châu tháng 9 tới. 2 HCV điền kinh của Quách Thị Lan và Bùi Thị Thu Thảo cũng được xem như kỳ tích khó có thể xuất hiện lần thứ hai. Vì thế, thể thao Việt Nam một lần nữa đặt chỉ tiêu khiêm tốn tại ASIAD 2023 khi cố gắng giành 3-5 HCV.
Trên thực tế, mục tiêu 3 HCV đã là con số rất khó khăn cho thể thao Việt Nam vào thời điểm này. Đấu trường ASIAD rất khác SEA Games, nơi Việt Nam vừa xuất sắc giành vị trí nhất toàn đoàn ngay trên đất bạn. Số VĐV Việt Nam đạt đẳng cấp châu Á lúc này chỉ có một vài người như Nguyễn Huy Hoàng (Bơi), Nguyễn Thị Tâm (Boxing) và Nguyễn Thị Thật (Xe đạp).
Giữa hàng loạt khó khăn của thể thao Việt Nam khi bước ra đấu trường châu Á, Cầu mây một lần nữa lại trở thành niềm hy vọng vàng. Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Nguyễn Thị Yến và Trần Thị Ngọc Yến hẳn đang mang trên mình áp lực không kém những đàn chị 17 năm trước, nhưng họ đang trên đà thuận lợi để hướng đến những kỳ tích mới.
Thành công nhờ đoàn kết
Sau 17 năm, cầu mây Việt Nam một lần nữa đứng trước cơ hội giành HCV ASIAD. Bộ ba VĐV mang về HCV cho Đội tuyển Cầu mây Việt Nam tại SEA Games 32 đến từ 3 đơn vị khác nhau: Hà Nội, Công an Nhân dân và Đồng Tháp. Sự ăn ý của nhóm VĐV này đến từ việc họ được tập trung tại đội tuyển quốc gia và thường xuyên tập luyện, phối hợp cùng nhau. Tinh thần đoàn kết chính là lý do giúp cho các đội tuyển cầu mây Việt Nam đạt được thành công ngoài mong đợi. Bên cạnh Cầu mây, Taekwondo cũng là một trong những môn thể thao có tập thể đoàn kết, từ địa phương đến đội tuyển quốc gia. Tại SEA Games 32, mỗi trận đấu VĐV Việt Nam tham dự đều có sự góp mặt, cổ vũ của toàn bộ đội tuyển trên khán đài. Mọi người chỉ ra về khi ngày thi đấu của đội tuyển khép lại và không còn nội dung nào tranh tài nữa. Tại ASIAD tới, Taekwondo Việt Nam chỉ đăng ký chỉ tiêu giành 1 HCĐ ở nội dung võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền (đối kháng 49kg nữ) góp mặt. Trên thực tế, đây cũng là mục tiêu khó của Kim Tuyền khi cô phải cạnh tranh với nhiều VĐV rất mạnh trong khu vực, bao gồm cả đương kim vô địch Olympic người Thái Lan Panipak Wongpattanakit. |
Nguồn: [Link nguồn]
(Tin thể thao, Tin bóng chuyền) ĐT nữ Việt Nam đã trải qua những thời khắc khó khăn trước khi bùng nổ để gieo sầu cho đội chủ nhà Indonesia và chính thức vô địch AVC Challenge...