Cầu lông Việt Nam trình làng hoa khôi mới

Sự kiện: Muôn màu thể thao

Sau Vũ Thị Trang, cầu lông Việt Nam tiếp tục “sản sinh” một tay vợt nữ đầy triển vọng Nguyễn Thùy Linh.

Đến với cầu lông nhờ ông ngoại

Thùy Linh sinh ra trong một gia đình không có ai theo nghiệp thể thao. Tuy nhiên, ông ngoại cô lại rất đam mê cầu lông. Ngay từ khi học tiểu học, cô thường được ông cho em đi xem các cụ hưu trí đánh cầu lông ở nhà văn hóa. Cũng chính nhờ những buổi theo ông xem đánh cầu lông, cô bé đã yêu môn thể thao này.

Cầu lông Việt Nam trình làng hoa khôi mới - 1

Thùy Linh bên chiếc cúp vô địch giành được tại Nepal (Ảnh do nhân vật cung cấp)

“Hồi đó, tôi còn nhỏ nhưng khi nhìn mọi người đánh cầu lông tôi rất thích, ngày nào tôi cũng mượn vợt của ông đứng một góc tự tâng cầu lông. Khi nhà trường và thành phố tổ chức đánh giải, tôi tham gia và đoạt giải nhất. Thấy tôi có năng khiếu, ông ngoại đã hướng cho theo con đường này”, tay vợt 19 tuổi kể.

Do Phú Thọ không có hệ thống đào tạo VĐV tốt nên khi Linh lên 10 tuổi, ông ngoại quyết định đưa cô xuống Hà Nội xin vào tập ở lớp năng khiếu của HLV Dương Thị Liên. Ông còn liên hệ với gia đình một người thân ngay sát nhà thi đấu Cầu Giấy, xin cho Linh ở nhờ, rồi thuê một người chăm lo riêng để giúp cháu yên tâm tập luyện.

Được huấn luyện bài bản, cô gái trẻ quê Phú Thọ tiến bộ nhanh chóng và liên tiếp đạt thành tích cao tại các giải thiếu niên, nhi đồng. Con đường theo thể thao chuyên nghiệp của Linh bị gián đoạn khi bố mẹ sợ con gái vất vả nên thuyết phục ông cho cô trở về nhà. Rời Thủ đô, Linh vẫn không xa được cầu lông. Sau mỗi giờ học văn hóa ở trường, ông ngoại lại đón cô đi tập ở trường năng khiếu tỉnh Phú Thọ.

“Đây là quãng thời gian tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi thực sự muốn theo nghiệp cầu lông và đã thuyết phục mẹ cho tôi tiếp tục theo đuổi con đường thể thao của mình, tôi sẽ phấn đấu không làm mẹ thất vọng. Thương tôi nên mẹ đồng ý để ông đưa tôi vào Đà Nẵng nhằm có được điều kiện tốt nhất phát triển sự nghiệp”, Thùy Linh nhớ lại.

Chấn thương vẫn vô địch giải quốc tế

Cầu lông Việt Nam trình làng hoa khôi mới - 2

Nguyễn Thùy Linh

Dù được đánh giá là một VĐV đầy tiềm năng, tên tuổi của Linh chỉ được biết đến từ sau khi cô vô địch giải cầu lông quốc tế Nepal diễn ra hồi đầu tháng 12. Cộng thêm khuôn mặt khả ái, nước da trắng ngần, tay vợt sinh ra ở vùng đất Tổ càng được yêu mến. Dẫu vậy, ít người biết rằng, để có được danh hiệu quốc tế đầu tiên trong sự nghiệp, Linh đã phải nỗ lực nhiều đến nhường nào.

Thùy Linh cho biết, từ đầu năm cho tới khi kết thúc giải Nepal là khoảng thời gian cô tập luyện rất khắc nghiệt với lịch thi đấu và tập huấn dày đặc. Thậm chí, có thời gian tập trung cho giải trong nước và tăng khối lượng tập khiến Linh gặp chấn thương ở đầu gối. Các HLV khuyên Linh nên tạm nghỉ ngơi một thời gian nhưng cô vẫn kiên quyết xin ra sân, vừa tập vừa tiến hành các biện pháp chữa trị chấn thương.

Trước ngày lên đường sang Nepal tranh tài, đầu gối của Linh đã hết đau. Thế nhưng, đến trận chung kết, cô lại cảm thấy có chút gì đó không ổn. Chính vì vậy, cô gái SN 1997 thi đấu có thời điểm dưới sức. Rất may, nỗ lực phi thường cộng khát khao cháy bỏng đã giúp Linh đứng vững, đánh bại đối thủ Indonesia và lên ngôi vô địch.

Là con gái, lại được gia đình yêu chiều từ nhỏ nhưng thay vì chọn một con đường dễ dàng, Linh lại lấy thể thao làm cái nghiệp lập thân. “Toàn bộ thời gian hiện tại tôi đều dành cho tập luyện và thi đấu. Tôi quan niệm rằng, mình còn trẻ, cần cố gắng hơn nữa bởi đây là giai đoạn tạo dựng nền tảng cho sự nghiệp. Những cung bậc cảm xúc khác nhau trên quãng đường đã qua tôi sẽ không bao giờ quên”, Linh nói với ánh mắt đầy lạc quan.

Hỏi có khi nào cảm thấy mệt mỏi và muốn từ bỏ, cô lắc đầu ngay tắp lự. “Nếu tôi từ bỏ, tôi sẽ có lỗi với gia đình, các thầy cô, những người luôn tin tưởng tôi tuyệt đối. Thế nên, sau mỗi thất bại, tôi lại lao vào tập luyện nhiều hơn và hướng tới mục tiêu mới”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hà ([Tên nguồn])
Muôn màu thể thao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN