Cam chịu dưới gót giày Serena

Những khác biệt Serena Williams tạo ra khó có thể dẫn tới một cuộc cách mạng cho làng banh nỉ nữ.

Một Super Serena

Jelena Jankovic, người đang chơi hay hơn cả so với thời cô leo lên ngôi số 1 thế giới, cũng chỉ có thể tung ra vài đường bóng phòng thủ siêu hạng, chứ không thể ngăn cản Serena Williams giành danh hiệu WTA Premier (tương tự như Masters 1000 của nam) cuối cùng trong năm vừa tổ chức ở Bắc Kinh.

Tỉ số 6-2 và 6-2 nghiêng về Serena - bằng chứng của sự chênh lệch - không phải là điều hiếm khi xảy ra trong các trận đấu có tay vợt da màu hiện đang là số 1 thế giới.

Cũng ở giải đấu đó, Wozniacki sau khi đấu với Serena đã chia sẻ cảm xúc của cô trên mạng xã hội rằng cô vô cùng tự hào với cách cô chiến đấu trong set thứ hai. Wozniacki đã thắng Serena set thứ hai? Không, số 1 thế giới trong năm 2010 chỉ ăn được bốn game, và đó là sự tiến bộ so với set đầu tiên cô thua 1-6.

Sharapova, người đã vô địch bốn Grand Slam khác nhau, một cựu số 1 khác, và hiện vẫn trong top 5 thế giới thường chỉ giành được của Serena vài ba game mỗi trận. Hoặc khi trận đấu kéo dài sang set thứ ba đã được coi là thua trong thế ngẩng cao đầu với Sharapova.

Cam chịu dưới gót giày Serena - 1

Serena đang thống trị WTA

Chỉ có Azarenka, số 2 thế giới, là có thể khiến Serena vất vả hơn, hoặc đã thắng trong những trận chung kết quan trọng. Nhưng Azarenka chưa thể thắng Serena ở đấu trường Grand Slam.

Hoặc thất bại của Serena ở Grand Slam được xem như là những tai nạn, như cách cô bị loại sớm ở Roland Garros năm ngoái, hay bị Lisicki đánh bại tại tứ kết Wimbledon 2013.

Thứ tennis của Serena phô diễn hiện nay là vượt trội so với phần còn lại của tennis nữ thế giới vốn không sản sinh ra những tài năng kiệt xuất trong khoảng nửa thập kỷ qua.

Và nếu nhìn suốt cả chặng đường dài của lịch sử tennis nữ với các thế hệ tinh hoa khác của tennis hiện đại (từ thời của Steffi Graf), Serena cũng đã tự đặt cô lên một bậc cao hơn ở góc độ thể lực, tốc độ và kỹ thuật của cú giao bóng.

Trước các quý cô giậm chân tại chỗ

Khi nước mắt tuôn dài trên gò má của Serena trong game thứ ba của set thứ hai vì cái lưng đau hành hạ cô, người ta tưởng cô sẽ phải bỏ cuộc. Nhưng thật ngạc nhiên, sau khi bẻ được chính game đấu đó của Serena, Jankovic đã phải  xin trọng tài cho nhân viên y tế vào chăm sóc chấn thương hông. Khi trận đấu trở lại, Jankovic đã thua liền năm game.

Đã không còn nhiều nghi ngờ như ngày trước, rằng Serena giả chấn thương để đánh lạc hướng đối thủ nữa, đó là bằng chứng cho thấy sự tiến bộ và khả năng chịu đựng của Jankovic khá đáng kể, nhưng chỉ là cái móng tay so với Serena.

Cụ thể, Jankovic gần đây đã quyết tâm ghê gớm, từ việc đánh đôi nhiều hơn để cải thiện về cảm giác bóng và vị trí trên sân, tới việc chú ý đến kỹ thuật di chuyển nhiều hơn. Nhưng Jankovic chưa thay đổi nhiều về nền tảng thể lực.

Cũng ở trận đấu ấy, Jankovic bất lực trong việc hóa giải cú giao bóng của Serena: Đứng lùi lại để đối phó với tốc độ bóng nhanh thì lại bị Serena giao bóng rộng ra mang, đẩy cô rời sân quá xa và hầu như thất thế khi đón đường bóng tiếp theo.

Cam chịu dưới gót giày Serena - 2

Cô em nhà Williams ngày càng hoàn thiện

Sự bất lực của Jankovic cũng chính là sự bất lực chung của hầu hết các tay vợt còn lại trong thế giới WTA.

Sự trở lại đầy mạnh mẽ của Serena bắt đầu từ cuối năm 2011 (vào chung kết US Open) tới nay đã gần hai năm nhưng trong giai đoạn này không thấy các tay vợt cho thấy họ đã nâng cấp mình để theo kịp thứ tennis của Serena.

Sharapova vẫn thế, giao bóng thiếu ổn định và chiều dài của đôi chân không tỉ lệ thuận với tốc độ di chuyển. Mà khi đấu với Serena, chỉ có thể tung đòn sát thủ khi được đứng một chỗ thì không có nhiều cơ hội.

Samantha Stosur, người duy nhất có thể tiệm cận với Serena về sức mạnh cơ bắp, nhưng kể từ sau khi vô địch US Open 2011, đã không cải thiện thêm về kỹ thuật: vẫn yếu trái và serve bóng một còn hiền hơn cả bóng hai.

Kvitova là tay vợt có lối chơi hiện đại, giàu ý chí tấn công, nhưng bộ chân cũng chậm và nặng nề. Đấy cũng chính là hạn chế đã bộc lộ ngay từ khi cô vô địch Wimbledon 2011, và cũng không thấy có sự cải thiện trong hai năm qua.

Kuznetsova, người có thể chơi sòng phẳng với Serena ở bất cứ đâu, thật tiếc lại thiếu sự ổn định để đi tới những trận đấu cuối cùng của các giải đấu.

Li Na đã đụng trần, còn Schiavone đã bắt đầu nghĩ tới chuyện gác vợt do tuổi tác và thể lực không thuận cho lối chơi cực kỳ tốn sức của cô.

Vậy là không giống như làng tennis nam, các tay vợt gia nhập một cuộc cách mạng về mặt thể lực, nhìn nhận tầm quan trọng của độ xoáy trong cú thuận tay khi chứng kiến sự lên ngôi của Nadal trong giai năm 2008 và 2010, ở đây, các đối thủ của Serena đã cam chịu sự thống trị, coi thất bại trước cô là điều đương nhiên, nên đã không có một Murray của nữ với hai năm tập luyện khủng khiếp để nâng cấp thể lực.

Cam chịu dưới gót giày Serena - 3

Các tay vợt nữ khác có vẻ như thiếu động lực để cải thiện bản thân mình

Cần một thôi thúc khác

Nếu Grand Slam với tennis nam không phải là năm set thắng ba, Murray và Djokovic có lẽ đã không phải cải thiện mạnh mẽ về mặt thể lực, hoàn thiện các kỹ năng để đánh bại Nadal và Federer.

Nói cách khác, chính thể thức năm set thắng ba đã tạo ra môi trường để phân biệt giữa các tài năng với tài năng xuất chúng, để rồi tennis nam được nâng lên một tầm cao mới trong giai đoạn hơn nửa thập kỷ vừa qua.

Grand Slam với nữ cho tới lúc này chỉ khác biệt so với các giải đấu khác về số lượng tiền thưởng, vinh quang chứ không không bao gồm thử thách về mặt thể lực lẫn ý chí như thế.

Việc vẫn áp dụng thể thức thi đấu ba set thắng hai với nữ ở các giải Grand Slam từ khi các giải đấu này ra đời cho thấy tennis nữ đã không đặt vấn nâng cao chất lượng như là một mục tiêu.

Có thể tin rằng nếu nội dung đơn nữ ở Grand Slam cũng thi đấu năm set như nam, Serena sẽ còn chiếm ưu thế lớn hơn nữa nhờ ưu thế thể lực lúc ấy càng trở nên rõ nét. Nhưng một sự điều chỉnh nếu có sẽ buộc các tay vợt nữ phải thay đổi, nâng cao và hoàn thiện để thích ứng với thử thách.

Nó cũng có thể mở ra một giai đoạn mới cho tennis nữ thời hậu Serena, sẽ trở nên hấp dẫn hơn như một nguyên lý đơn giản là thử thách càng cao, thành công càng giá trị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN