Lưu bài Bỏ lưu bài

F1 trong thập niên 2010 này đã thu hút được thêm rất nhiều khán giả mới quan tâm, theo dõi và hâm mộ giải đua xe 4 bánh hấp dẫn nhất hành tinh này. Tuy nhiên có một phần đáng tiếc cho những khán giả mới trong 10 năm qua là họ chỉ được chứng kiến sự thống trị của 2 đội đua Red Bull và Mercedes cũng như 2 cá nhân xuất sắc đầu quân cho đội ở thời điểm đó, là Sebastian Vettel và Lewis Hamilton. Sự thống trị của họ phần nào khiến cho các đội đua giàu truyền thống của F1 bị lu mờ.

Ferrari, McLaren và Williams

Xét về thành tích đội đua trong lịch sử, họ vẫn chưa thể so sánh với những cái tên đã gắn bó với giải đấu ít nhất 40 năm qua. Scuderia Ferrari đã gắn bó với F1 kể từ cuộc đua đầu tiên tại Silverstone năm 1950 và sau 1018 chặng đua tính tới hết năm 2019, họ đã góp mặt trong 993 chặng và xuất phát 991 chặng. Từ đó, đội đua sẽ có chặng thứ 1000 xuất phát của riêng mình dự kiến tại Canadian GP 2020 vào tháng 6 năm sau. Đội đua nước Ý đứng đầu lịch sử về số chức vô địch (16), chiến thắng chặng (238), chiến thắng 1-2 (84), podium (770), vòng chạy nhanh nhất (254) cùng nhiều kỷ lục khác.

Các "đế chế" đua xe F1: Tự hào "ông trùm" Ferrari, 2 phiên bản Renault lịch sử - 2

McLaren là đội đua có nhiều ‘kinh nghiệm’ thứ 2 khi được Bruce McLaren thành lập vào năm 1966 và như 1 điều hiển nhiên, họ thường xếp thứ 2 sau Ferrari trên các bảng thành tích. Kết quả nổi bật nhất mà họ từng đạt được là số chặng chiến thắng liên tiếp nhiều nhất với 11 chặng, thiết lập năm 1988 (từ chặng đầu tiên tại Brazil đến Belgian GP). Thực tế, họ chỉ để tuột chiến thắng 1 chặng duy nhất trong số 16 chặng năm đó, trùng hợp thay đó lại là Italian GP với người chiến thắng là Gerhard Berger và Ferrari.

Williams ra mắt muộn hơn McLaren 11 năm, nhưng đã có khoảng thời gian thập niên 80 và 90 huy hoàng với nhiều chức vô địch liên tiếp. Họ đã giành được 9 danh hiệu đội đua chỉ sau 20 năm đầu tiên nhờ vào những tên tuổi huyền thoại như Nelson Piquet, Alain Prost hay Nigel Mansell. Đội đua nước Anh vẫn đang nắm giữ kỷ lục 24 poles liên tiếp (1992-1993) và có 62 lần xuất phát 1-2. Đây cũng là đội đua duy nhất đã duy trì 1 cách đặt tên cho chiếc xe hàng năm của mình, khi lấy chữ cái đầu tên của người sáng lập đội đua, ngài Frank Williams, cộng thêm con số tăng dần theo từng năm (năm nay chiếc xe của họ là FW42).

Red Bull

Câu chuyện của Red Bull bắt đầu phức tạp dần. “Bò húc” có khởi nguồn từ Stewart Grand Prix, đội đua được thành lập bởi huyền thoại Sir Jackie Stewart và con trai Paul năm 1996. Stewart GP chỉ hoạt động trong 3 mùa giải (1997-99) với tư cách đội vệ tinh của Ford, có được 1 pole (Rubens Barrichello – French GP) và 1 chiến thắng (Johnny Herbert – Nurburgring 1999) trước khi bị Ford mua lại và đổi tên thành Jaguar Racing.

Các "đế chế" đua xe F1: Tự hào "ông trùm" Ferrari, 2 phiên bản Renault lịch sử - 3

Đến năm 2004, Ford Motor không còn tham vọng đầu tư F1 nữa và đã bán lại cho thương hiệu nước tăng lực Red Bull và trở thành Red Bull Racing từ 2005 đến nay. Red Bull quyết tâm đặt mục tiêu thành công với Formula 1 nên họ đã mua không chỉ 1 mà là 2 đội đua ở thời điểm đó. Minardi là một đội đua có tuổi đời tại F1 lên tới 20 năm và họ cũng có một lượng fan đông đảo. Tuy nhiên đội đua đến từ Italia lại nằm trong danh sách các đội đua có thành tích yếu kém nhất khi chưa từng 1 lần bước lên bục podium và chỉ có 3 lần từng cán đích hạng 4. Ông chủ đội đua, Paul Stoddart cho biết ông đã nhận được 41 lời đề nghị mua lại Minardi, nhưng ông vẫn chờ đợi một cái tên có thể thay đổi ‘diện mạo’ đội đua và quan trọng hơn là duy trì đại bản doanh cũ đặt tại vùng Faenza, Italia.

Và Red Bull đã đáp ứng nguyện vọng đó, với điều khoản duy trì đại bản doanh ít nhất cho đến mùa giải 2007. Ngoài ra, họ cũng quyết định sử dụng tiếng Ý cho tên đội đua để duy trì di sản Italia của đội đua. Cái tên ban đầu được tính đến là ‘Squadra Toro Rosso’ (đội Red Bull trong tiếng Ý) nhưng đã được đổi thành Scuderia Toro Rosso bởi từ ‘Squadra’ thiên về đội bóng đá còn ‘Scuderia’ ám chỉ ‘chuồng’ đặc biệt dành riêng cho ngựa đua, thường thấy ở các đội đua xe của Italia như Ferrari. Đến năm 2019, nhằm quảng bá rộng rãi thương hiệu thời trang của Red Bull, Toro Rosso sẽ đổi tên thành AlphaTauri từ mùa giải 2020.

Renault

Renault có lẽ là đội đua có lịch sử phức tạp và khó hiểu nhất trong số 10 đội đua. Khởi nguồn từ năm 1981 với Toleman Motorsport (Oxford, Anh), kéo dài 5 năm với tay lái nổi bật nhất là Ayrton Senna năm 1984, mùa giải ra mắt của huyền thoại Brazil (mang về cho đội đua 3 podiums). Sau đó, gia đình Benetton mua lại đội năm 1985 và có khoảng thời gian tương đối thành công, đặc biệt là khi Flavio Briatore lên nắm quyền trưởng đội đua và chiêu mộ thành công tài năng trẻ Michael Schumacher (giành chức vô địch năm 1994-95).

Các "đế chế" đua xe F1: Tự hào "ông trùm" Ferrari, 2 phiên bản Renault lịch sử - 4

Renault tiếp quản đội đua từ năm 2000 nhưng vẫn sử dụng cái tên Benetton trong 2 mùa giải đầu tiên. Họ chính thức trở lại F1 với tư cách nhà cung cấp động cơ từ 2001 và trở thành đội đua nhà máy năm 2002. Những năm tháng tiếp theo tên tuổi của họ gắn liền với những thành công vang dội của Fernando Alonso trước sức mạnh của những ‘ông lớn’ Ferrari và McLaren. Cuối năm 2010, họ lại rút lui trở lại vị trí nhà cung cấp động cơ, đổi tên thành Lotus Renault GP (2011) rồi Lotus F1 từ 2012. Dù vậy chỉ 4 năm sau, đội đua nước Pháp một lần nữa trở lại ‘’bản đồ’’ F1 với tư cách đội đua nhà máy Renault Sport F1, từ 2016 tới nay.

Tuy nhiên trong lịch sử F1 còn ghi nhận sự góp mặt của 1 đội đua Renault ‘khác’ trong giai đoạn 1977-85. Équipe Renault Elf lần đầu góp mặt ở giai đoạn sau mùa giải 1977, lẽ ra họ đã có thể ra mắt F1 ở chặng đua sân nhà – French GP, tại trường đua Dijon-Prenois. Dù vậy họ đã không chuẩn bị chiếc xe sẵn sàng và phải đẩy ngày ra mắt sang British GP 2 tuần sau đó. Nhưng Renault lại có chiến thắng đầu tiên ý nghĩa tại French GP năm 1979, thậm chí cả 2 tay đua của họ đều góp mặt trên podium, đó là Jean-Pierre Jabouille (về nhất) và René Arnoux (thứ 3).

Giai đoạn 1980-83 là khoảng thời gian đỉnh cao nhất của đội đua với những chiến thắng liên tiếp. Thậm chí họ còn suýt chút nữa thâu tóm cả 2 danh hiệu cá nhân với Alain Prost (chỉ kém Nelson Piquet 2 điểm) và đội đua (xếp hạng 2 và thua Ferrari 10 điểm) vào năm 1983. Sau thời hoàng kim đó, hai năm tiếp theo của họ lại chỉ dành được kết quả khá khiêm tốn với một số podium trước khi rút lui thành chỉ là nhà cung cấp động cơ năm 1986 rồi từ đó rút hoàn toàn từ 1987. Bởi thế từ năm 1981 đến năm 1985, tình huống bất ngờ xảy ra khi Renault ‘’sơ khai’’ đã có cuộc cạnh tranh trực tiếp với đội… nguồn gốc của Renault bây giờ.

Thứ Bảy, ngày 11/01/2020 00:29 AM (GMT+7)
Theo Roger Bui ([Tên nguồn])