Cả ngành thể thao nên học cách của ông Đoàn Nguyên Đức
Trao đổi với NTNN sáng 6.10 xung quanh việc Thể thao Việt Nam (TTVN) không hoàn thành mục tiêu tại ASIAD 2014, GS Dương Nghiệp Chí phê phán thẳng: “Theo tôi, thất bại này là thất bại của tư duy làm thể thao. Cả ngành thể thao nên học cách mà anh Đoàn Nguyên Đức đã và đang làm cùng lứa U19”…
* Việc đoàn TTVN chỉ giành được 1 Huy chương Vàng (HCV) tại ASIAD 2014 - nhiều người coi là một thất bại, còn ông?
Nếu nói là thất bại thì hơi nặng nề. Phải nhấn mạnh, đoàn TTVN đã không đạt chỉ tiêu, không xứng với sự mong đợi của nhân dân, 1 HCV là yếu quá.
Trong số những HCB, HCĐ mà chúng ta giành được ở các môn thể thao Olympic, cũng chỉ có rất ít vận động viên (VĐV) còn hy vọng hướng tới ASIAD, Olympic trong tương lai. Ví dụ như ở môn cử tạ (Thạch Kim Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn), bơi lội (Ánh Viên), điền kinh (Bùi Thị Thu Thảo, nhảy xa nữ).
Thể thao trường học cần được đầu tư phát triển, tạo nền tảng cho thể thao đỉnh cao
* Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn tới thất bại của TTVN tại ASIAD 2014?
Quan điểm của GS Dương Nghiệp Chí. Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục Thể thao: ''Vận động viên bỏ nghề, không muốn theo nghề vì nghề thiếu văn hóa, giáo dục. Nếu thể thao tiếp tục nằm ngoài hệ thống văn hóa, giáo dục thì sẽ bại. Nếu tiếp tục làm thế này thì càng ngày càng bại...'' |
Các nước trên thế giới, châu lục và ngay ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia… ít nhất cũng phải mất 20-30 năm phát triển thể thao trường học. Thể thao trường học tạo một nền thể lực chung cho thiếu niên, nhi đồng.
Tiếp theo, điều đó tạo ra sự hứng thú cho các em nhỏ đối với thể thao. Bao năm qua, chúng ta không đi theo con đường mà cả thế giới đã đi, mà chỉ cố gắng nhặt nhạnh, không muốn mất công gì cả mà vẫn tìm ra tài năng. Đây là một điều rất phi lý.
Cần nhớ, hầu hết các VĐV là con nhà nghèo, thiếu dinh dưỡng từ trong bụng mẹ. Lớn lên không được chơi thể thao trong trường học mà chỉ tự chơi. Chúng ta đã có Đề án tổng thể “Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030” được Chính phủ phê duyệt từ tháng 4.2011.
Trong đề án này có nói rất rõ về việc phát triển thể thao trường học, nhưng không ai làm. Tại sao vậy? Chúng ta phải làm thể thao học đường thật tốt, dù khó đến đâu cũng phải kiên quyết làm, không còn cách nào khác. Nguy cơ thể thao thành tích cao Việt Nam ngày càng lùi so quốc tế tại các kỳ ASIAD, Olympic do không chịu tập trung vào thể thao trường học là quá rõ rồi.
* Lãnh đạo đoàn TTVN tại ASIAD 2014 có đưa ra nguyên nhân dẫn tới thất bại là do vấn đề kinh tế. Ông nghĩ sao?
Không đúng. Vấn đề kinh tế đúng là có quyết định đến sự phát triển của thể thao thật nhưng không phải chỉ có vậy. Thử nhìn xem, Myanmar, Indonesia… kinh tế có hơn Việt Nam đâu nhưng sao họ vẫn đạt được những thành tích tốt ở ASIAD? Ngay như Campuchia người ta cũng có HCV ASIAD 2014.
Tôi chưa biết Campuchia làm thể thao trường học đến đâu, nhưng tôi chắc chắn là Lào còn coi trọng thể thao trường học hơn ta. Các nước làm thể thao trường học tốt nên họ dễ dàng chọn lựa tài năng để kế thừa từ rất nhiều nguồn.
Trong khi đó, TTVN làm việc cứ như là “bắt cóc” vậy. Sau Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng (điền kinh), Nguyễn Hoàng Ngân, Vũ Thị Nguyệt Ánh (karatedo)… là chẳng còn ai!
Đã không làm thể thao trường học thì đương nhiên sẽ bỏ sót rất nhiều tài năng. Các em học sinh hiện nay có hứng thú với thể thao đâu? Thiếu niên nhi đồng thiếu thể thao nguy cơ hư hỏng nhiều. Trước đây, chúng ta còn chú trọng thể thao trường học nhiều hơn, chứ không như bây giờ những người làm thể thao gần như bỏ thể thao trường học.
* Khi ông còn lãnh đạo ngành TDTT, về thể thao học đường được quan tâm thế nào?
Khi còn lãnh đạo Cục TDTT, tôi và anh Lê Bửu – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT xuống các trường để thực tế, rồi đề nghị thành lập Trường Thể thao thiếu niên 10-10 để các cháu có chỗ chơi thể thao. Thế hệ chúng tôi năm nào cũng xuống các trường học như vậy, tại sao giờ các anh bỏ? Ngày xưa chúng tôi nghèo, khổ hơn nhiều làm gì đủ ăn như bây giờ mà vẫn quan tâm thể thao trường học.
* Vậy đâu là giải pháp thiết thực nhất để nâng tầm TTVN trong điều kiện hiện nay?
Phải thay đổi tư duy thể thao, làm thể thao thành tích cao không thể tách rời giáo dục, văn hóa được. Cần phải thấy rõ cái nền để các nước có thể phát triển thể thao chính là hệ thống thể thao- văn hóa-giáo dục. Mà hiện nay, tôi có thể nói TTVN tách rời hoàn toàn khỏi hệ thống giáo dục. Đào tạo một tài năng thể thao không có văn hóa, không có giáo dục, làm sao thành tài năng được?
Một điểm nữa cần phải đề cập tới là tôi nhận thấy một số môn thay HLV nội bằng chuyên gia ngoại là không đúng. Ví dụ ở môn karatedo, tôi biết anh Lê Công – người tham dự lớp đào tạo HLV đầu tiên những năm 90 thế kỷ trước do chuyên gia Nhật Bản đứng lớp.
HLV Lê Công cùng một số HLV khác là người đã có công giúp karatedo Việt Nam giành 2 HCV ASIAD 2002 (Busan, Hàn Quốc). Khi ấy các nước khác còn ngỡ ngàng bởi tại sao TTVN lại đào tạo giỏi thế cơ mà!
* Cụ thể hơn, TTVN phải gắn với giáo dục như thế nào?
Theo tôi, trong thời gian tới phải đẩy mạnh đầu tư thể thao trường học. Cùng với đó, chịu khó đi tìm kiếm, nhặt nhạnh, đưa những HLV giỏi, nhiều tâm huyết như anh Lê Công để làm lại từ lứa nhỏ. Lớp lớn hiện chỉ còn lại rất ít người có thể trông mong có huy chương ASIAD, Olympic.
Tôi cho rằng việc Trường Đại học Sư phạm TDTT TP.HCM nhận U19 vào học là hướng tốt. Hệ thống của Bộ GDĐT phải là chính, hệ thống bên TDTT hỗ trợ về mặt chuyên môn. Theo tôi, nếu rời bỏ hệ thống giáo dục đào tạo, VĐV không còn tương lai.
Anh Đoàn Nguyên Đức là người làm đầu tiên với tư duy gắn liền thể thao với giáo dục, văn hóa. Tôi rất ủng hộ tư duy của anh Đức. Tất cả những người trong ngành thể thao hiện nay không có tư duy ấy. Vì thế, chẳng nên bàn nhiều chuyện ASIAD thất bại hay không nữa.
Đây là thất bại của cả hệ thống, thất bại của tư duy làm thể thao. Lứa U19 có thể không đạt được thành công gì quá ấn tượng nhưng tư duy của anh Đức rất đáng học hỏi. Trong Tổng cục TDTT cũng cần phải có Vụ Thể thao trường học. Phải quyết liệt làm thì dân mới thấy tin, mới cho con em họ theo nghiệp thể thao.
* Xin cảm ơn ông!
Nghị quyết T.Ư 9 khóa XI năm 2014 mới đây đã nói rất rõ: “Nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam. Gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo, có đường lối rõ ràng nhưng ngành thể thao lại làm sai, chỉ chạy theo thể thao thành tích cao. |
Nghệ sĩ Đức Trung - Chủ tịch Hội CĐV Việt Nam: Tạo “chân đế” phát triển bền vững Mà như vậy thì thứ hạng trong bảng tổng sắp huy chương toàn đoàn đã khác rồi”. Theo nghệ sĩ Đức Trung, các VĐV của chúng ta cũng đã chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo với quyết tâm mang vinh quang về cho Tổ quốc. Vấn đề còn lại nằm ở tư duy, cách làm, chiến lược dài hạn của những nhà quản lý TTVN mà thôi: “Chúng tôi không trách gì các VĐV cả. Họ đã làm tất cả những gì có thể rồi. Thậm chí, có những VĐV còn nỗ lực với trên 100% sức lực, như các VĐV môn võ karatedo, các cầu thủ đội bóng đá Olympic nam, đội tuyển bóng đá nữ. Phía trước, chúng ta phải làm sao để TTVN tạo được “chân đế” phát triển bền vững, có chiều sâu, chứ đừng nghĩ chuyện mới đầu tư vài năm mà đã mong “gặt” lớn. Tôi biết, Nhật Bản, Hàn Quốc là những nước làm thể thao trường học rất tốt và chúng ta cần học hỏi họ” - nghệ sĩ Đức Trung chốt lại. Tuệ Minh (ghi) |