Boxing Việt Nam và cuộc "tổng tiến công" hướng tới SEA Games 31
Để chuẩn bị cho kỳ SEA Games diễn ra trên sân nhà, bộ môn boxing đã vào cuộc quyết liệt từ rất sớm. Bên cạnh việc Tổng cục Thể dục thể thao triệu tập võ sĩ nhà nghề lên đội tuyển quốc gia, Liên đoàn Quyền Anh Việt Nam (VBF) cũng trao mức thưởng không nhỏ với những VĐV giành huy chương ở giải đấu lần này.
Vô địch thế giới đấu SEA Games
Tại SEA Games 30 diễn ra trên đất Philippines, boxing Việt Nam khép lại giải đấu ở vị trí thứ 3 với 1 HCV, 5 HCB và 2 HCĐ. Thành tích đó kém khá xa so với 2 đội tuyển Philippines (7 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ) và Thái Lan (5 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ). Trong quá khứ, thành tích tốt nhất của boxing Việt Nam ở các kỳ SEA Games chỉ là vị trí thứ 2 toàn đoàn hồi năm 2015. Ở SEA Games 22 tổ chức trên sân nhà 19 năm trước, Việt Nam không có HCV nào.
Thu Nhi đã vô địch thế giới nhưng vẫn dự SEA Games vì nghĩa vụ quốc gia
Trên thực tế, kỳ SEA Games năm 2003 chính là cơ hội để hồi sinh bộ môn boxing tại Việt Nam. Kể từ đó đến nay, chúng ta không chỉ ghi danh ở đấu trường SEA Games hay Olympic, mà còn đào tạo được một số vận động viên đủ trình độ bước lên sàn đấu nhà nghề. Nổi bật nhất trong số họ là Nguyễn Thị Thu Nhi, người hiện nắm giữ đai vô địch hạng 48kg nữ của Tổ chức Boxing Thế giới (WBO). Cô cũng là võ sĩ Việt Nam đầu tiên làm được điều này.
Theo thông lệ thế giới, việc giành huy chương ở đấu trường châu lục hoặc Olympic sẽ tạo tiền đề cho những tay đấm boxing bước lên sàn đấu nhà nghề. Amir Khan hay Anthony Joshua là những VĐV điển hình theo đuổi con đường đó, khi họ đều giành huy chương Thế vận hội trước khi chuyển sang đấu chuyên nghiệp và giành đai vô địch thế giới. Nhưng với Thu Nhi, cô lại chọn con đường ngược lại. Nhà vô địch WBO giờ đây đang tập trung cùng đội tuyển quốc gia để chuẩn bị cho SEA Games.
"Tôi đang trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quốc gia và luôn sẵn lòng thực hiện điều này", Thu Nhi tâm sự. Cô là một trong 6 vận động viên boxing nữ được triệu tập ở khu vực phía Nam để tập huấn trước thềm SEA Games. Nếu như tay đấm nhà nghề phải quen với việc tập luyện một thầy một trò, việc tập trung cùng đội tuyển quốc gia giúp Nhi trở lại trải nghiệm lúc mới tập boxing, nơi có nhiều VĐV đàn em, đàn chị bên cạnh.
Ngoài Thu Nhi, một tay đấm khác của đội tuyển boxing Việt Nam cũng tạm gác thi đấu nhà nghề để trở lại đấu SEA Games là Trương Đình Hoàng. Nhà vô địch SEA Games 2015 từng gây chú ý bằng trận thắng tranh đai WBA Đông Á. Nhưng khi đội tuyển quốc gia cần Hoàng góp mặt, anh đã nhận lời. Ở tuổi ngoài 30, đây có thể là lần cuối cùng Trương Đình Hoàng xuất hiện ở một kỳ SEA Games trước khi toàn tâm toàn ý thi đấu boxing nhà nghề.
Người có số phận long đong hơn cả trong số các võ sĩ boxing nhà nghề Việt Nam dự SEA Games là Trần Văn Thảo. Nhà vô địch WBC châu Á không có tên trong danh sách tập trung đội tuyển boxing nam Việt Nam trước thềm SEA Games 31, dù anh không ít lần thể hiện khao khát muốn cống hiến cho đội tuyển quốc gia. Rất may cho Thảo là sau đó anh vẫn có tên trong đợt triệu tập bổ sung. Hiện tại Thảo cùng các đồng đội đang tập huấn ở Phan Thiết.
Động viên bằng tiền thưởng đậm
Theo quy định hiện hành, những vận động viên giành thành tích cao ở SEA Games sẽ được thưởng 45 triệu đồng nếu giành HCV, 25 triệu đồng cho HCB, và 20 triệu đồng cho HCĐ. Những ai phá kỷ lục quốc gia sẽ được thưởng thêm 20 triệu đồng nữa. Quy định đó giúp VĐV có thêm nhiều động lực thi đấu, nhưng ở những bộ môn đối kháng như boxing, nó lại ẩn chứa ít nhiều bất cập.
Trần Văn Thảo thừa nhận phần lớn võ sĩ boxing xuất thân nghèo khó
Thứ nhất, boxing thi đấu theo thể thức tính điểm loại trực tiếp nên VĐV không thể phá kỷ lục giống như bơi hay cử tạ. Thứ hai, khác với điền kinh, nơi một VĐV có thể thi đấu ở nhiều nội dung, mỗi VĐV boxing chỉ có thể tranh tài tại một hạng cân họ đăng ký. Việc này giới hạn phần nào mức khen thưởng với những tay đấm có cơ hội giành huy chương. Nhưng giới hạn đó mới đây đã được gỡ bỏ khi Liên đoàn Quyền Anh Việt Nam (VBF) vào cuộc.
Theo thông báo mới nhất được VBF đưa ra, họ đã vận động được một vài nguồn lực xã hội hóa để treo thưởng thêm cho những võ sĩ boxing tranh tài ở SEA Games tới. Ngoài mức thưởng hiện hành theo quy định của Nhà nước, nhà vô địch SEA Games của Việt Nam sẽ được VBF thưởng nóng 100 triệu đồng. Trong trường hợp chỉ giành HCB hay HCĐ, họ cũng có phần thưởng lần lượt là 50 và 30 triệu đồng. Đây là con số rất đáng khích lệ với những VĐV trước thềm SEA Games, bởi phần đông họ đều có gia cảnh không mấy dư dả.
"Phần lớn VĐV boxing có gia cảnh nghèo khó, bởi võ thuật là con đường duy nhất có thể giúp họ thoát nghèo", võ sĩ Trần Văn Thảo tâm sự. Tay đấm sinh năm 1992 từng vô địch quốc gia 8 lần trước khi lên sàn đấu nhà nghề, và anh hiểu rõ hơn ai hết về gia cảnh của những người tập luyện boxing bên cạnh mình. Thảo cũng thừa nhận so với võ sĩ Việt Nam, những tay đấm đến từ Philippines hay Thái Lan vượt trội hơn hẳn vì họ vốn có xuất thân... nghèo hơn.
Hướng đi sau SEA Games
Mỗi kết quả luôn là tiền đề hướng đến những mục tiêu tiếp theo. Tại SEA Games 22 diễn ra 19 năm trước, việc tổ chức môn boxing trong hệ thống thi đấu của giải đã tạo tiền đề cho môn võ này trở lại Việt Nam và phát triển. Vì thế, người hâm mộ và những nhà quản lý có quyền hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho boxing sau kỳ SEA Games 31 tới. Nhiều khả năng đây sẽ là bàn đạp cho boxing Việt Nam vươn xa hơn nữa, với đích đến là những giải đấu nhà nghề.
Trần Văn Thảo và Bùi Trọng Thái có nhiều ân oán trong quá khứ
Với những phòng tập, CLB đào tạo võ sĩ boxing nhà nghề, họ cũng xác định SEA Games là cơ hội tốt để quảng bá tên tuổi "gà nhà" đến với công chúng. Những CLB có đại bản doanh đặt tại TP Hồ Chí Minh như SSC, Trigger... đều có đại diện góp mặt tại đội tuyển Việt Nam. Một trận thắng, một tấm huy chương của họ tại SEA Games sẽ giúp người hâm mộ biết đến CLB và tìm tới tập luyện. Đó chính là nguồn để tìm ra những võ sĩ trong tương lai, với tiềm năng và đam mê tiếp nối những người đàn anh.
Ngoài việc đào tạo ra thế hệ VĐV trẻ, boxing Việt Nam còn hướng đến một mục tiêu mới sau khi SEA Games 31 khép lại: Đào tạo thêm một vài nhà vô địch thế giới. Chúng ta đã có Thu Nhi giữ đai vô địch WBO, và có không ít tay đấm khác muốn nối bước cô đi theo con đường của một võ sĩ nhà nghề. Đó là con đường "đầy rẫy khó khăn và sự cô đơn" như lời Nhi nói, nhưng vô cùng đáng giá với những ai có đủ đam mê để theo đuổi nó.
Trước ngày hành quân cùng đội tuyển quốc gia vào Phan Thiết để tập huấn trước thềm SEA Games, Trần Văn Thảo khẳng định anh đã có mục tiêu cho bản thân sau khi kết thúc nghĩa vụ ở đội tuyển quốc gia. Võ sĩ sinh năm 1992 xác định anh sẽ tiếp tục hành trình chinh phục đai vô địch thế giới bằng việc thách đấu những đối thủ xếp hạng trên mình, qua đó liên tục tăng hạng. Để hiện thực hóa điều đó, Thảo cùng HLV Trịnh Văn Trí đã lên kế hoạch chi tiết trong thời gian tới.
Giống như Trần Văn Thảo, võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi cũng có kế hoạch cho riêng mình bên cạnh lịch tập huấn, thi đấu tại SEA Games. Trên cương vị một nhà vô địch WBO, cô cần thượng đài tranh đai trong thời gian nhất định nếu không muốn vinh quang rơi vào tay võ sĩ khác. Đối thủ thi đấu trong trận bảo vệ đai của Thu Nhi đã được xác định, nhưng đôi bên vẫn chưa chốt được thời gian tổ chức để tránh xung khắc với lịch SEA Games. Do đó, trận bảo vệ đai của Nhi dự kiến diễn ra trong tháng 3 có thể được lùi lại khá xa.
Boxing Việt Nam đấu chọn đội tuyển trong tháng 3 Không lâu sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc, VBF thông báo giải boxing các đội mạnh toàn quốc 2022 sẽ tổ chức từ ngày 22 đến hết 31-3 tại Tiền Giang. Đây được xem là giải đấu nhằm chọn lọc những thành phần ưu tú nhất tham dự đội tuyển boxing quốc gia để chuẩn bị cho SEA Games 31. Việc này xuất phát từ nguyên nhân tại một hạng cân tranh tài ở SEA Games, mỗi quốc gia chỉ có thể cử 1 đại diện tham dự. Việc này gây khó khăn khá nhiều cho boxing Việt Nam bởi chúng ta có khá nhiều tay đấm giỏi. Ở hạng cân của Trần Văn Thảo, ở đợt tập trung đội tuyển boxing quốc gia lần này còn có một gương mặt khác tham dự là Bùi Trọng Thái. Kể từ khi Thảo chuyển sang thi đấu nhà nghề, Thái thường xuyên nắm giữ vị trí tay đấm mạnh nhất Việt Nam ở hạng cân 52kg. Việc Thái được gọi lên đội tuyển quốc gia trước Thảo cũng xuất phát từ việc võ sĩ này đang là nhà đương kim vô địch quốc gia. Một điều thú vị khác là Thái và Thảo từng có khá nhiều "ân oán" với nhau trong quá khứ. Năm 2016, tại sự kiện Đấu trường thép, Bùi Trọng Thái và Trần Văn Thảo từng đối đầu với nhau ở một trận đấu thuộc vòng ngoài. Thái xông lên tấn công ngay từ đầu bằng những đòn đấm đầy uy lực, nhưng Thảo lại khôn ngoan chọn chiến thuật tránh né, đồng thời phản đòn mỗi khi đối thủ sơ hở. Chiến thắng chung cuộc thuộc về Thảo với tỷ số cách biệt 3-0 khiến Thái không phục. Sau trận đấu, Thái lên mạng xã hội tuyên bố: "Món nợ này phải trả". |
(Tin thể thao, tin SEA Games) Lần thứ 2 nhận trọng trách đăng cai SEA Games, Việt Nam hướng tới mục tiêu giành ngôi dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương.
Nguồn: [Link nguồn]