Bóng chuyền nữ Việt Nam: Mùa vắng những ngôi sao
Cảnh khán đài đìu hiu, thưa thớt người xem tại Giải vô địch quốc gia 2020, một phần vì tình hình dịch bệnh Covid-19, nhưng nguyên nhân quan trọng chính là sự kỳ vọng của người hâm mộ dành cho bóng chuyền nữ đã nhạt phai rất nhiều.
Từ hơn chục năm về trước, mỗi khi giải bóng chuyền quốc gia khởi tranh, người hâm mộ lại háo hức trông chờ màn trình diễn đỉnh cao của những tên tuổi hàng đầu như Phạm Thị Yến, Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Phạm Kim Huệ, Bùi Thị Huệ…, cũng chính là trụ cột của nhóm "tứ đại tỷ" – Thông tin LV Post Bank, VTV Bình Điền Long An, Ngân hàng Công Thương, Thái Bình – thay nhau thống trị làng bóng chuyền nữ Việt Nam.
Ngọc Hoa, Đỗ Minh, Bùi Huệ, Kim Huệ, Hà Hoa, Nguyễn Thị Xuân và Phạm Thị Yến
Những ngôi sao ngày đó của bóng chuyền nữ in đậm dấu ấn trong lòng người hâm mộ, hầu hết đều bằng trình độ chuyên môn thuộc tốp dẫn đầu châu Á. Nguyễn Thị Ngọc Hoa với tầm ảnh hưởng quan trọng của mình và thành công vang dội khi xuất ngoại đánh thuê ở Thái Lan đã đưa khán giả Việt đến trực tiếp nhà thi đấu hoặc dán mắt không rời màn ảnh nhỏ để theo dõi những cuộc thư hùng của VTV Bình Điền Long An cũng như đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia. Nói không quá lời, thành công của hai giải quốc tế đỉnh cao Cúp VTV Bình Điền và VTV Cup gắn với giai đoạn hoàng kim của Ngọc Hoa, "người truyền giáo cuối cùng" của thế hệ vàng thập niên 2000.
Nguyễn Thị Ngọc Hoa tung hoành các giải đấu hơn 10 năm trước
Nếu như mỗi khi nhắc tới Ngọc Hoa, người hâm mộ nhớ ngay đến đội bóng chủ quản của cô là VTV Bình Điền Long An thì câu chuyện tương tự cũng được thấy với Bùi Thị Huệ của Thái Bình, Phạm Kim Huệ của Thông tin LV Post Bank và Ngân hàng Công Thương, Phạm Thị Yến với Thông tin LV Post Bank….
Phạm Kim Huệ tại Cúp VTV Bình Điền 2019
Phạm Kim Huệ nếu không vướng một số thủ tục với ngành Quân đội chắc chắn cũng đã xuất ngoại và gặt hái nhiều thành công không kém đồng đội đàn em Nguyễn Thị Ngọc Hoa. Phạm Thị Yến chỉ cần tung hoành tại các sân chơi trong nước cũng đã đủ thành danh với vai trò tượng đài số 1 của Thông tin LV PostBank. Trong khi đó, dù không thuận lợi như các đồng nghiệp khi đội bóng chủ quản Thái Bình luôn phải lo lắng chuyện "cơm áo gạo tiền" để trụ hạng, Bùi Thị Huệ cũng chưa bao giờ bị người hâm mộ lãng quên, nhất là khi cô chủ công "búa máy" tái xuất vài năm trở lại đây với mục tiêu đưa đội bóng quê lúa trở lại đấu trường đỉnh cao.
Bùi Thị Huệ tái xuất sàn đấu đỉnh cao
Sức hút của những VĐV bóng chuyền nữ ngày ấy mang lại cho người hâm mộ niềm đam mê và tự biến mình thành tín đồ của bóng chuyền một cách tự nhiên. Giai đoạn sau này, nhờ sự bùng nổ của công nghệ, người hâm mộ được giải tỏa "cơn khát" bóng chuyền thông qua các fanpage, diễn đàn mọc lên như nấm và cũng chính các phương tiện truyền thông đại chúng này đã biến các gương mặt trẻ trung như Trần Thị Thanh Thúy, Nguyễn Thị Linh Chi, Nguyễn Thu Hoài, Đặng Thị Kim Thanh, Bùi Thị Ngà, Đinh Thị Thúy… trở thành những chiến binh mới trên sàn đấu trong cũng như ngoài nước.
Những gương mặt sáng giá nhất hiện nay của bóng chuyền nữ
Trong dòng chảy thời đại, công nghệ luôn có hai mặt và những ngôi sao mới một khi bị thất sủng hẳn hiểu rõ hơn ai hết nỗi đau bị chính các phương tiện truyền thông mạng quay lưng, chê cười, nhất là khi khả năng chuyên môn "lép vế" hẳn so với các thế hệ đàn chị. Chuyện đi-ở của Thanh Tuyền, Đinh Thị Thúy, Tú Linh (Ngân hàng Công Thương), Bích Tuyền (Truyền hình Vĩnh Long) dù có những nỗi niềm riêng khó tỏ bày nhưng tất cả đều trở thành đề tài đàm tiếu của dư luận.
Bích Tuyền làm dậy sóng bóng chuyền nữ những ngày đầu năm 2021
Chuyện nhận mức lương 50 triệu đồng/tháng của Bích Tuyền có gì đáng chê trách khi cô là trụ cột của đội bóng Vĩnh Long, một mình "gánh" cả tập thể èo uột này vượt qua dòng xoáy của cuộc đua trụ hạng? Chuyện cô rời khỏi đội bóng quê hương để mơ tiến thân trong một môi trường mới phù hợp hơn liệu có là điều gì đó "sai sai" khi Vĩnh Long không thể cưu mang ngôi sao trẻ này lâu dài, chưa kể khả năng kềm hãm sự phát triển đầy hứa hẹn của mũi chủ công từng được một đội bóng sinh viên hàng đầu của Mỹ theo đuổi?
Đinh Thị Thúy trong màu áo mới Kinh Bắc Bắc Ninh
Tương tự là câu chuyện cũ của Đinh Thị Thúy khi cô kiên quyết rời bỏ Ngân hàng Công Thương dù phải "hy sinh" một kỳ SEA Games không thể sát cánh cùng đội tuyển quốc gia. Nhiều điều bí ẩn đằng sau cuộc ra đi này vẫn chưa được công bố nhưng trong thực tế, Thúy "Đinh" nhận khá nhiều chỉ trích không đáng có. Cùng với Đinh Thị Thúy, đồng đội cùng trang lứa thuở còn ở Ngân hàng Công Thương là Đoàn Thị Xuân cũng có cảnh chia tay rồi tái hợp khá lạ lùng trước khi dứt áo ra đi thẳng thắn sau mùa giải 2020.
Nhiều ý kiến lý giải đưa vào yếu tố sắc đẹp như một trong những thành tố tạo nên sự cuốn hút của bóng chuyền nữ. Điều này không sai nhưng chẳng phải là cốt yếu, bởi khi thi đấu trên sân, liệu có cầu thủ nào còn thời gian để chăm lo cho bản thân hay phải thi đấu lăn xả, nhiều khi phải đổ cả máu vì thành công của đội nhà. Khán giả xem ra cũng chẳng mấy quan tâm đến nhan sắc của các cầu thủ bởi khi ra sân, tất cả đều như nhau cho đến khi họ xuất hiện trên những trang mạng chuyên "săn" hoa khôi, hoa hậu sàn đấu cùng vô số các câu chuyện hậu trường nhằm "câu" view, "hút" like…
Chuyền hai Nguyễn Thu Hoài (20)
Được mệnh danh là ngọc nữ mới của bóng chuyền như Thu Hoài, Thu Huyền nhưng năng lực của họ ra sao? Ngân hàng Công Thương vắng hai tay đập chủ lực Nguyễn Thị Xuân, Tú Linh lập tức đánh mất chính mình, suýt văng khỏi Top 4 quốc gia mà chuyền hai Thu Hoài chắc không thể một mình choàng gánh. Thu Huyền cũng tương tự bởi đội bóng mượn cô cũng phải đi tranh suất trụ hạng thay vì làm nên chuyện tại bảng đấu trên sân nhà.
VTV Bình Điền Long An - khoảng trống lực lượng khi không còn Ngọc Hoa
Bóng chuyền nữ Việt Nam đang mất dần khán giả của chính mình khi năng lực chỉ sàn sàn, nhiều trụ cột sa sút phong độ, các gương mặt trẻ trưởng thành không theo kịp đòi hỏi của thực tiễn. Cảnh Trần Thị Thanh Thúy một mình choàng gánh vô vọng đội hình VTV Bình Điền Long An tại hai mùa giải gần nhất trong bối cảnh đồng đội Đặng Thị Kim Thanh không vượt lên nổi chính mình, libero đàn chị Nguyễn Thị Kim Liên mất phong độ còn dàn "sao mai" như Quý Uyên, Mỹ Tiên, Khánh Vy, Khánh Đang… trầy trật khẳng định mình cũng là chuyện có thể thấy ở tất cả các đội bóng nữ hiện nay.
Cám cảnh và lo lắng cho bóng chuyền nữ Việt Nam thời vắng bóng những ngôi sao đích thực.
Nguồn: [Link nguồn]
(Tin thể thao - Tin bóng chuyền) Sở hữu sự nghiệp mà nhiều đồng nghiệp phải mơ ước, nhưng hoa khôi bóng chuyền Việt Nam...