Bóng chuyền nữ Việt Nam bao giờ vô địch SEA Games?

Chúng ta vẫn thường tự động gắn mác "ao làng" cho những giải đấu thể thao ở cấp độ khu vực, nhưng hóa ra việc trở thành quán quân Đông Nam Á đã là điều vô cùng khó khăn. Câu chuyện của bóng chuyền nữ Việt Nam, với cá nhân nổi bật Trần Thị Thanh Thúy là minh chứng rõ nhất cho chuyện đó.

Cô đơn đi ngược dòng

Có thể nói Thanh Thúy là ngoại lệ vô cùng đặc biệt của bóng chuyền nữ Việt Nam. Sở hữu chiều cao 1,93m cùng tầm đánh 3,2m, tầm chắn 3,1m, Thanh Thúy có thể bật nhảy đánh trên chắn mọi đội bóng chuyền trong khu vực Đông Nam Á. Đặt lên bàn cân so sánh, đội tuyển bóng chuyền nữ Thái Lan thời điểm hiện tại cũng chỉ có 2 tay đập sở hữu tầm đánh lên tới 3m, và không có ai trong số họ đạt đến tầm chắn 3m cả.

Thanh Thúy cao nổi bật ngay cả với những VĐV Nhật Bản.

Thanh Thúy cao nổi bật ngay cả với những VĐV Nhật Bản.

Thể chất khác biệt ở tầm cỡ quốc tế giúp Thanh Thúy sớm có cơ hội xuất ngoại, với hàng loạt lời mời đến khi cô chưa đầy 20 tuổi. Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng thời gian cô thi đấu chuyên nghiệp ở nước ngoài có vẻ như đã vượt qua số năm khoác áo đội bóng chủ quản Bình Điền Long An. Trong lúc các VĐV Việt Nam coi Thái Lan là điểm đến hàng đầu để ra nước ngoài thi đấu, Thanh Thúy đã có cơ hội chinh phạt ở Nhật Bản.

Từ Denso Airybees đến PFU BlueCats, Thanh Thúy đã cho thấy sự trưởng thành vượt bậc trong 2 năm thi đấu bóng chuyền ở xứ sở mặt trời mọc. Từ vị trí chủ công, tay đập người Bình Dương được kéo vào thi đấu phụ công ở mùa giải năm nay và nhanh chóng trở thành gương mặt chắc suất thi đấu chính thức. Chiều cao cùng sự linh hoạt trong thi đấu giúp Thanh Thúy nhanh chóng làm quen với vị trí mới và trở thành gương mặt được yêu thích tại BlueCats.

Thanh Thúy là VĐV hàng đầu châu Á, nhưng điều đó chưa đủ giúp Việt Nam vô địch SEA Games.

Thanh Thúy là VĐV hàng đầu châu Á, nhưng điều đó chưa đủ giúp Việt Nam vô địch SEA Games.

Giải bóng chuyền nữ vô địch Nhật Bản mùa giải năm nay có 6 ngoại binh đến từ Đông Nam Á, và 4 trong số họ là các VĐV Thái Lan. Sau khi chia tay Thanh Thúy, CLB Denso Airybees đã chiêu mộ cựu binh của đội tuyển nữ Thái Lan là Jarasporn Bundasak. Nhưng trái với kỳ vọng của ban huấn luyện Airybees, Bundasak không thể hiện được nhiều trong vị trí phụ công. Những VĐV Đông Nam Á còn lại cũng không có nhiều cơ hội thi đấu như Thanh Thúy.

Từ những dẫn chứng phía trên, chúng ta có thể khẳng định Thanh Thúy là VĐV bóng chuyền số 1 Đông Nam Á ở thời điểm hiện tại. Nhưng vì sao đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam không thể vô địch SEA Games, không thể vượt mặt Thái Lan bất chấp việc sở hữu một tay đập đặc biệt như vậy?

Thái Lan quá mạnh

Câu chuyện Thanh Thúy cô đơn trên hành trình đánh bại Thái Lan của bóng chuyền nữ Việt Nam là minh chứng rõ nhất cho câu nói "Một cánh én không làm nên mùa xuân". Ngoài Thanh Thúy, bóng chuyền nữ Việt Nam thời điểm hiện tại có không ít tay đập sở hữu tầm đánh trên 3m như Kiều Trinh, Bích Thủy, Bùi Thị Ngà... Nói cách khác, so về thể chất, các VĐV Việt Nam thời điểm hiện tại còn tốt hơn cả Thái Lan. Thứ chúng ta thua kém họ là nền tảng kinh nghiệm thi đấu và trải nghiệm môi trường đỉnh cao.

Nếu như đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam chưa bao giờ vượt qua vòng loại các kỳ Giải bóng chuyền nữ thế giới được tổ chức, Thái Lan đã là khách mời quen thuộc từ lâu. Vào giai đoạn của thế hệ vàng 2010-2015, tuyển bóng chuyền nữ Thái Lan từng xếp hạng 4 thế giới tại giải World Grand Prix 2012. Trong 2 kỳ ASIAD gần nhất, họ thậm chí đã vượt mặt các cường quốc bóng chuyền như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bóng chuyền Việt Nam cần có thêm nhiều Thanh Thúy.

Bóng chuyền Việt Nam cần có thêm nhiều Thanh Thúy.

Tấm huy chương bạc ASIAD 2018 của bóng chuyền Thái Lan cho thấy khoảng cách giữa họ và Việt Nam vẫn còn rất lớn. Không thể phủ nhận việc chúng ta đã tiến bộ vượt bậc thời gian gần đây, nhưng Thái Lan đã tiến nhanh và tiến xa hơn rất nhiều. Câu chuyện của bóng chuyền nữ Việt Nam có phần nào giống với đội tuyển futsal nam, khi các cầu thủ của chúng ta vươn ra thế giới nhưng vẫn chưa thể vô địch SEA Games dưới cái bóng quá lớn của Thái Lan.

Vậy người Thái đã làm gì để xây dựng một đội tuyển mạnh mẽ và vươn tầm tới đẳng cấp thế giới như vậy? Họ dĩ nhiên không thực hiện điều đó chỉ trong một sớm một chiều. Người Thái thực hiện phát triển bóng chuyền theo hướng xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa. Giải vô địch bóng chuyền nữ Thái Lan được đánh giá có chất lượng chuyên môn nằm trong nhóm đầu châu Á, nên họ quy tụ được những tay đập hàng đầu đến thi đấu.

Trải nghiệm chơi cùng, và chống lại những VĐV đến từ châu Âu hoặc Trung Mỹ với thể chất vượt trội giúp các tuyển thủ bóng chuyền nữ Thái Lan cứng cáp hơn theo thời gian. Mặt khác, những gương mặt hàng đầu được CLB chủ quản tạo điều kiện xuất ngoại thi đấu. Ngoài Nhật Bản, các VĐV Thái Lan giờ đã xuất hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và nhiều giải đấu bóng chuyền quốc tế hàng đầu thế giới khác.

Nói cách khác, bóng chuyền Thái Lan có thể không sở hữu một tuyển thủ điểm 10 như Thanh Thúy, nhưng những người đạt được 8, 9 phần như Thanh Thúy thì họ có rất nhiều. Sự đồng đều cùng kinh nghiệm dày dạn, quen chinh chiến với những đối thủ mạnh hơn, cao to hơn mình mới là nhân tố giúp bóng chuyền nữ Thái Lan vươn tầm quốc tế.

 Bao nhiêu Thanh Thúy đang ẩn mình?

Trước Thanh Thúy, bóng chuyền nữ Việt Nam từng chứng kiến một VĐV khác xuất ngoại và thi đấu rất thành công là Ngọc Hoa. Người đàn chị của Thanh Thúy ở Bình Điền Long An từng là tay đập chính của CLB Thái Lan Bangkok Glass, nhưng điều đáng tiếc nhất trong sự nghiệp Ngọc Hoa là cô xuất ngoại quá muộn, khi tuổi đã ngoài 30 Ngọc Hoa mới được tạo điều kiện đem chuông đi đánh xứ người.

Nếu Ngọc Hoa vẫn thi đấu tốt như vậy trong môi trường bóng chuyền Thái Lan ngay cả khi bước sang sườn dốc sự nghiệp, vậy cô sẽ tiến bộ đến mức nào nếu như xuất ngoại ở tuổi mười chín đôi mươi? Ngọc Hoa vẫn có trải nghiệm cơ hội chơi bóng chuyền nơi xứ người, còn đàn chị Kim Huệ của cô lại không may mắn như thế.

Được ví như một trong những phụ công hay nhất lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam, Kim Huệ ghi dấu ấn rất nhanh ở cấp độ giải trẻ. Chiều cao khác biệt so với những VĐV cùng lứa (1,85m) cùng khả năng di chuyển linh hoạt, cùng lực đập đáng nể giúp Kim Huệ sớm được đôn lên tuyển quốc gia. Ở các giải bóng chuyền nữ quốc tế giai đoạn 2005-2010, Kim Huệ thi đấu tốt và lọt vào mắt xanh nhiều CLB nước ngoài.

Đáng tiếc là sau mỗi lần được đánh tiếng xuất ngoại, ước mơ thi đấu nơi xứ người của Kim Huệ chưa bao giờ trở thành hiện thực. Đến đầu năm nay, cô còn gặp rắc rối hợp đồng với CLB chủ quản vì muốn chuyển đơn vị công tác nhưng không thành công. Câu chuyện của Kim Huệ cho thấy sau bóng đá, bóng chuyền Việt Nam vẫn cách rất xa con đường lên sân chơi chuyên nghiệp khi VĐV vẫn còn chịu rất nhiều ràng buộc bủa vây.

Từ một đối chuyền, Thanh Thúy đang dần làm quen với vị trí phụ công.

Từ một đối chuyền, Thanh Thúy đang dần làm quen với vị trí phụ công.

Một nhân tố khác khiến các VĐV bóng chuyền nữ Việt Nam không thể thi đấu lâu dài ở nước ngoài (trừ Ngọc Hoa và Thanh Thúy) là sự thiếu kiên định. Khác biệt môi trường, ngôn ngữ và văn hóa là nguyên nhân chính khiến các VĐV Việt Nam khó hòa nhập, dẫn tới kết quả không như ý và sớm phải hồi hương. Chính Thanh Thúy cũng từng có giai đoạn khó khăn trong màu áo Denso Airybees trước đây.

May mắn cho bóng chuyền nữ Việt Nam là chúng ta vẫn có những bước tiến vững chắc trên con đường phát triển. Các CLB trong nước hiện cạnh tranh nhau rất gắt gao ở giải vô địch quốc gia, đồng thời chuyên nghiệp hóa mô hình phát hiện VĐV, đào tạo trẻ... như một đội bóng nước ngoài. Đó mới chính là tiền đề sinh ra những Ngọc Hoa, Thanh Thúy mới trên con đường lật đổ ngôi hậu của Thái Lan.

Tại sao Thanh Thúy phải chơi phụ công?

Vốn là một chủ công - đối chuyền ở CLB Bình Điền Long An và đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, Thanh Thúy bất ngờ được giao làm phụ công tại PFU BlueCats. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định này của đội bóng Nhật Bản. Thứ nhất, họ đã có một ngoại binh khác thi đấu rất xuất sắc ở vị trí chủ công là Melissa Valdes, tay đập người Cuba. So với Thanh Thúy thì Valdes vượt trội hơn về khả năng di chuyển, sức bật, lại dễ liên lạc hơn với các đồng đội vì biết tiếng Nhật.

Thứ hai, ở PFU BlueCats thời điểm hiện tại không có VĐV nào sở hữu tầm chắn tốt hơn Thanh Thúy. Khác với Denso Airybees, một CLB hàng đầu Nhật Bản với nhiều VĐV trong đội hình là tuyển thủ quốc gia, PFU BlueCats có lực lượng tương đối mỏng và mục tiêu thường xuyên của họ chỉ là trụ hạng. Đó là lý do giải thích vì sao đội bóng này muốn tạo một đội hình chắc chắn, với những VĐV mạnh được điều phối sao cho cân bằng giữa tấn công và phòng ngự.

Nếu như Valdes đã đảm trách tốt phần việc tấn công, Thanh Thúy giống như một tấm khiên chắn bóng trước lưới. Ý đồ này của ban huấn luyện PFU BlueCats đã trở thành hiện thực, khi đội bóng liên tiếp giành những thắng lợi thời gian gần đây kể từ lúc Thanh Thúy đến đầu quân. Đến thời điểm hiện tại, PFU BlueCats đang đứng ở vị trí thứ 6, và nhiều khả năng sẽ tiếp tục thăng hoa với lá chắn bất khả xâm phạm mang tên Thanh Thúy.

Ở một góc độ nào đó, việc Thanh Thúy tập làm phụ công cũng có lợi cho đội tuyển Việt Nam. Chúng ta hiện tại vẫn khá yếu ở khả năng bám chắn cũng như đỡ bước 1, và điều đó sẽ được cải thiện lên rất nhiều với Thanh Thúy ở vị trí mới.

Nguồn: [Link nguồn]

Thanh Thúy 1m93 khuynh đảo giải bóng chuyền Nhật, chân dài cao 2m06 chỉ biết ”ước”

(Tin thể thao, tin bóng chuyền) Sau 8 trận đấu đã qua tại giải bóng chuyền nữ VĐQG Nhật Bản, Thanh Thúy là một trong những...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đơn Ca ([Tên nguồn])
Trần Thị Thanh Thúy Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN