Lưu bài Bỏ lưu bài
Chia sẻ

Vì sao chưa có tên tuổi nào trong nhóm Next Gen (các tay vợt thế hệ tương lai) bước lên đỉnh cao ở Grand Slam có lẽ là bí ẩn lớn nhất của tennis hiện đại.

Ba trong số 4 trận chung kết Grand Slam gần đây nhất có sự góp mặt của một tay vợt nằm ngoài Big 3, hoặc những nhà vô địch thuộc thế hệ cũ (Old Gen), hoặc thế hệ thống trị (Dominators) nếu muốn gọi như vậy.

Ba lần đó thực ra là hai, một tay vợt đích thực thuộc thế hệ tương lai (Next Gen) là Danill Medvedev ở US Open, và một người xuất hiện trước thế hệ này, Dominic Thiem ở Roland Garros và Australian Open.

Bí ẩn “vĩ đại” của tennis: Tại sao nhóm Next Gen thất bại? - 2

* Từ Thế hệ lạc lối tới Thế hệ tương lai

Next Gen là một thương hiệu được người ta đặt từ đầu năm 2017 cho một thế hệ các tay vợt trẻ khi ấy ngấp nghé, hoặc vừa vượt qua ngưỡng 20 tuổi. Sự xuất hiện này đến cùng với một giải đấu được khai sinh cuối năm 2017: Next Gen Finals, hay còn gọi là Tám tay vợt trẻ xuất sắc.

Giải đấu đó có Rublev, Khachanov, Shapovalov, Chung Hyeon, Coric, Donaldson, Medvedev. Zverev vì đã đủ điểm để đánh ATP Finals nên nhường lại suất đó cho tay vợt chủ nhà của Ý là Quinzi. Hai tay vợt dự bị la Tiafoe và Tsitsipas.

Có một thế hệ nữa, với một tên gọi không chính thống, nhưng phản ánh toàn bộ bản chất xoay quanh họ, từ sự kỳ vọng cho tới thất vọng: Thế hệ lạc lối (Lost Gen) với Dimitrov, Raonic, Tomic, Sock, Janowicz.

Giữa hai thế hệ này là một tập hợp các tay vợt tài năng khác, như Kyrgios (sinh năm 1995), Thiem (1993).

Ngoài Thiem và Medvedev, mới chỉ có Raonic lọt vào tới chung kết một giải Grand Slam (thua Murray ở Wimbledon 2016).

Nó trái ngược hoàn toàn với sự áp đảo của Big 3 với 56 Grand Slam sau 17 năm. Kể từ 2005 tới nay là 15 năm, với 61 giải trong hệ thống Grand Slam tổ chức cũng mới chỉ có đúng 3 lần chung kết không có sự góp mặt của bất cứ tay vợt nào trong Big 3.

Big 3 thay nhau thống trị một cách bền bỉ là một thực tế, nhưng nó không phải là nguyên nhân duy nhất.

Sự trồi sụt của họ vì chấn thương, quá tải sau một giai đoạn liên tục thi đấu ở trình độ cao đã xảy ra, thậm chí với Nadal là thường xuyên.

Federer đơn giản là không thể cưỡng lại được vấn đề của tuổi tác. Nhưng Federer hay bị loại bởi những tay vợt “đứng tuổi”, chứ không phải những ngôi sao trẻ được kỳ vọng. 

Tứ kết Australian Open vừa rồi là lần đầu tiên Thiem đánh bại được Nadal sau 6 lần họ gặp nhau ở ở một giải Grand Slam kể từ 2014.
 

Bí ẩn “vĩ đại” của tennis: Tại sao nhóm Next Gen thất bại? - 4

* Khi không ai trong số họ hoàn hảo

Bí quyết làm nên chiến thắng ấy, cũng như việc Thiem lần đầu tiên có mặt ở chung kết Grand Slam trên sân cứng là nhờ sự xuất hiện của HLV Nicola Massu.

Công việc Massu đã tập trung suốt kể từ tháng 3/2019, và trở nên rõ rệt hơn kể từ mùa sân cứng cuối năm là ông thay đổi kỹ thuật mở vợt đánh cú thuận tay cho Thiem.

Thiem từ chỗ mở vợt cực rộng, đã thu lại trở nên gọn gàng và tốn ít thời gian hơn, và cho phép bản thân anh được ôm sân gần hơn so với trước kia.

Thiem từ chỗ chỉ là một chuyên gia sân đất nện, đã lọt vào tới chung kết của 2 giải sân cứng lớn nhất (ATP Finals và Australian Open).

Từ kết quả của sự thay đổi này có nên cho rằng Thiem đã phải trả giá cho những kỹ thuật mà anh đã học hỏi và rèn luyện suốt từ thời còn là một tay vợt trẻ?

Có nhiều lý do để tin rằng Thiem chịu ảnh hưởng của Nadal. Khi tay vợt Tây Ban Nha vô địch Grand Slam lần đầu tiên là năm 2005, Thiem lúc ấy 12 tuổi, nhưng Thiem lại không thể sao chép một cách hoàn chỉnh những nét đặc trưng của Nadal, không có những phẩm chất siêu việt khác của Nadal, và không có một HLV tầm cỡ dẫn dắt ngay từ đầu, như ông Toni Nadal.

Massu đã thay đổi Thiem một cách mạnh mẽ với kỹ thuật thực hiện cú thuận tay như vậy, nhưng rõ ràng là chưa đủ để tạo nên một nhà vô địch Grand Slam khi phải đối đầu với Nadal rồi Djokovic.

Hạn chế lớn nhất của Thiem trong trận chung kết là cú trái một tay liên tục đánh hỏng.

Một chuyên gia đất nện nhưng lại chơi trái 1 tay cho thấy Thiem khi học hỏi và định hình phong cách đã đầy mâu thuẫn.

Bí ẩn “vĩ đại” của tennis: Tại sao nhóm Next Gen thất bại? - 5 Bí ẩn “vĩ đại” của tennis: Tại sao nhóm Next Gen thất bại? - 6

* Vai trò của các siêu HLV

Để có mặt trong trận chung kết Australian Open 2020, Thiem đã đánh bại Zverev sau bốn set.

Bán kết là thành tích tốt nhất của Zverev ở các giải Grand Slam trong sự nghiệp của tay vợt đã giành tới 3 giải Masters 1000, được coi là tay vợt nhiều tiềm năng nhất trong số những gương mặt trẻ, từng lọt vào tới Top 4 thế giới.

Nhưng Zverev liên tục thất bại ngay từ tuần đầu tiên của các giải Grand Slam mà ban đầu người ta nghĩ nguyên nhân là vì anh không có một HLV hàng đầu (Zverev vẫn nhờ cha làm HLV và dùng anh trai làm người đối luyện).

Zverev thuê siêu HLV Ivan Lendl về làm HLV từ giữa 2018 để giải quyết hạn chế đó. Nhưng Ivan Lendl, người giúp Andy Murray 3 lần vô địch Grand Slam (chỉ với Lendl thì Murray mới có Grand Slam và giành HCV Olympic) không nâng tầm được tay vợt người Đức gốc Nga.

12 tháng Ivan Lendl huấn luyện Zverev, dấu ấn lớn nhất là chức vô địch ở ATP Finals. Và sự thay đổi rõ rệt nhất là Zverev ôm sân để tấn công, tận dụng chiều cao lý tưởng của mình để đè bóng.

Bí ẩn “vĩ đại” của tennis: Tại sao nhóm Next Gen thất bại? - 7

Nhưng sau thành công ấy Zverev tiếp tục chỉ tiến tới vòng 4 của Australian Open 2019.

Sự đầu tư vào một ê kíp huấn luyện thể lực trong đó có Jez Green, một chuyên gia từng làm việc với Murray cũng không thể tạo nên sự khác biệt.

Zverev đã từng có cơ hội để có thêm một siêu HLV nữa, Boris Becker, một người đã là HLV khi Djokovic giành 6 Grand Slam, nhưng có lẽ sự kết hợp này sẽ không xảy ra trong tương lai gần.

Vấn đề của Zverev là bộ chân di chuyển và điểm yếu chí mạng về tâm lý, thường thất bại trong các trận đấu có thể thức 5 set.

Số lượng siêu HLV của Zverev vẫn chưa thấm thía so với Grigor Dimitrov điển hình của Thế hệ Lạc lối (Lost Gen).

Dimitrov trong giai đoạn trưởng thành đã sử dụng ba huấn luyện viên từng dẫn dắt ít nhất một tay vợt vô địch Grand Slam: Roger Rasheed (từng dẫn dắt Hewitt), Franco Davin (Del Potro) và Valverdu (Murray).

Cũng như Zverev, bán kết Grand Slam (ba lần) và vô địch ATP Finals (2017) là những thành tích tốt nhất của Dimitrov.

Bí ẩn “vĩ đại” của tennis: Tại sao nhóm Next Gen thất bại? - 8

Sự dẫn dắt của các HLV nói trên giải quyết vấn đề về tâm lý, tiếp cận với phương cách chuẩn bị cho những trận đấu quyết định, nhưng không thể nâng cấp được cú trái một tay và cả thuận tay thiếu khả năng sát thương.

Milos Raonic cũng sử dụng các siêu HLV trong khoảng 5 năm qua, từ Carlos Moya, John McEnroe, Ivan Ljubicic tới Goran Ivanisevic, và cũng không thể trở thành nhà vô địch Grand Slam sau một lần vào tới chung kết Wimbledon 2016 (thua Murray).

Ba trong số bốn HLV của Raonic sau đó đều thành công với cả Big 3 liệu có phải là sự ngẫu nhiên? Ljubicic gia nhập đội ngũ HLV của Federer – giành thêm 2 Grand Slam. Carlos Moya thay thế Toni Nadal làm HLV của Nadal – tạo nên sự hồi sinh kỳ diệu. Ivanisevic gia nhập ê kíp của Djokovic – lập tức thành công với Australian Open 2020.

Tại sao Ljubicic không thể chữa điểm yếu chí mạng là cú trái tay của Raonic, nhưng Federer với sự có mặt của HLV người Croatia này lại làm cả thế giới kinh ngạc với sự biến chuyển của cú trái nửa nảy đã hạ Nadal trong trận chung kết Australian Open 2017 kinh điển?

Tại sao Carlos Moya không thể nâng tầm hơn nữa kỹ năng tấn công của Raonic – người có cú giao bóng và thuận tay là “vũ khí”, lại có thể biến Nadal từ một người chơi lùi sâu trở nên ôm sân hơn, đánh ít xoáy hơn (bị Thiem soán ngôi số 1 thế giới về độ xoáy trung bình) để trở lại với thành công trên sân cứng mà vẫn thống trị đất nện?

Nadal vô địch Grand Slam ở tuổi 19. Djokovic là 21 tuổi. Còn Federer là 23 tuổi. Khi họ vô địch, thế giới đã ghi nhận họ ở những kỹ năng sở trường siêu việt, những điểm mạnh vượt trội so với mặt bằng của thế giới lúc đó vẫn còn hàng loạt những tên tuổi của thế hệ trước đó, từ Pete Sampras tới Agassi, từ Roddick tới Hewitt, Safin…

Tức là thành công của họ, sự thống trị hôm nay của họ được vun đắp và quyết định từ cách nay những 20 năm trước, khi lựa chọn phong cách, xây dựng kỹ chiến thuật chứ không chỉ là những phẩm chất thuộc về thiên bẩm.

Thứ Sáu, ngày 21/02/2020 10:12 AM (GMT+7)
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN