Bí ẩn mặt sân Roland Garros

Sự kiện: Roland Garros 2024

Trong các loại sân thì chỉ có mặt sân màu son là trái banh nỉ có thể để lại dấu ấn rõ nét nhất, khiến Roland Garros lâu nay trở thành giải đấu của sự khác biệt, một sự khác biệt làm say đắm lòng người hâm mộ.

Sự sáng tạo tình cờ

Có lẽ anh em nhà Renshaw – William và Ernest - Những nhà vô địch người Anh của những giải Wimbledon đầu tiên không thể ngờ được rằng họ lại trở thành cha đẻ của một mặt sân quần vợt độc đáo ngay chính trên đất Pháp. Chỉ vì đam mê quần vợt, họ đã từ giã nước Anh mù sương để chuyển tới thành phố Cannes rực rỡ ánh nắng miền Nam nước Pháp, thế nhưng cái nắng, cái gió miền Địa Trung Hải mà họ yêu mến lại chính là thủ phạm tiêu diệt mặt sân cỏ truyền thống mà họ mang theo từ nước Anh, nhất là vào dịp cuối hè, đầu thu.

Vào cái năm 1880, họ nảy ra sáng kiến phủ lên mặt sân trụi cỏ một lớp bột nghiền từ các mảnh vỡ của các chiếc lọ, bình bằng đất nung được sản xuất từ vùng phụ cận Paris, Vaullauris và thật không ngờ, họ cảm thấy rất ổn mỗi khi chơi bóng trên mặt sân này bởi nó khá “êm”, không kém gì mặt sân cỏ và sân đất nện đã tình cờ… chào đời như thế! Cũng từ đó trở đi, những người Anh trên đất Pháp không còn phải dùng đến phân bón và cũng chẳng cần các dụng cụ cắt xén để chăm sóc mặt cỏ nữa.

Bí ẩn mặt sân Roland Garros - 1

Anh em nhà Renshaw là những người đầu tiên sáng tạo ra sân đất nện

Cái tên “đất nện”

Sau phát minh của anh em Renshaw, sân đất nện đã nhanh chóng được người chơi chấp nhận và ngay tại Cannes, đã có đến 104 sân được xây dựng gần như ngay sau đó, chỉ có điều người Pháp đã phủ lên mặt sân một lớp bột nghiền từ gạch đất nung màu nâu đỏ. Gọi là “đất nện” cũng không sai bởi phần lớn các vật liệu dùng để xây dựng sân đều xuất phát từ lòng đất, được lựa chọn tùy theo đặc tính của từng lớp, rồi được lu, lèn, được “dán chặt”, được “nện chặt” với nhau để trái banh có thể nảy cao trên mặt sân, nhưng vẫn phải bảo đảm việc ngấm thoát nước hai chiều (ngang, dọc).

Lớp trên cùng mang màu son đỏ đặc trưng của sân đất nện Pháp thực ra chỉ dày 1cm và chỉ là chiếc áo mang lại cái tên gọi “sân đất” vì có màu nâu đỏ của đất, nhằm tạo độ tương phản với màu vàng trái banh và tạo mặt sân êm cho những cú trượt đồng thời nó giúp lưu giữ dấu vết của trái banh. Bí quyết nằm ở lớp thứ hai, dày từ 5 đến 7cm, được làm từ bột đá vôi sản xuất từ Saint-Maximin miền Nam nước Pháp, với đặc tính hút ẩm tốt và khả năng đông kết nhưng vẫn thấm nước hai chiều, mới là vật liệu chủ yếu và quan trọng để tạo nên một mặt sân vừa “đanh cứng” đối với trái banh, vừa êm dịu đối với bước chân di chuyển của các tay vợt, khiến ta có thể nói rằng, ngoài việc trượt tuyết, trượt sóng thì người ta còn có thể chơi tennis và trượt… trên các sân đất nện.

Bí ẩn mặt sân Roland Garros - 2

Không sợ nước, chỉ sợ… mưa

Lớp thứ ba bằng xỉ than dày từ 7 đến 10cm chính là phần “kho” giữ độ ẩm cho mặt sân đất nện. Nước được tưới ngập để “bảo quản” sân hàng ngày và có thể thoát đi nhanh chóng theo chiều dọc qua 3 lớp trên, chảy xuống lớp thứ tư được làm bằng đá cuội đã được rửa sạch nên giống như một chiếc máy lọc nước, khiến cho nước trở nên trong, trước khi dồn xuống lớp vải địa kỹ thuật lót dưới cùng và được thu về ống để bơm thoát ra ngoài. Phần nước và hơi nước còn đọng lại trong lớp thứ tư sẽ được lớp xỉ than hút ngược trở lại mặt sân nhờ chênh lệch nhiệt độ khi có ánh nắng mặt trời vào ban ngày, khiến cho mặt sân luôn giữ được độ ẩm cần thiết và trở nên “êm ái” như nhung, như lụa.

Chính vì thế, tại 20 sân đấu của Roland Garros, có tới 99 nhân viên kỹ thuật chuyên trách bảo dưỡng mặt sân và làm việc liên tục trong 15 ngày diễn ra giải đấu, với nhiệm vụ chủ yếu phun ngập nước bảo dưỡng và chuẩn bị sân đấu cho ngày thi đấu tiếp theo, trái ngược với hình ảnh những tấm bạt khổng lồ được kéo ra khẩn cấp để che mặt sân mỗi khi cơn mưa ập đến.

Mặt sân yêu thích

Cho dù nước Pháp là nơi sản sinh ra sân đất nện nhưng vì nằm ở vùng khí hậu ôn đới với độ ẩm thấp, ít mưa nên châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng không phải là “đất sống” của sân đất nện. Do khá “khô hạn” và băng giá vào mùa đông nên lớp bột đá vôi thường bị đóng cứng và phải được thay mới hàng năm với chi phí 3000 euro/sân khiến nhiều câu lạc bộ tại Pháp đã chọn sân bê-tông mỗi khi quyết định xây mới.

Cũng giống như mặt sân cỏ dịu êm của người Anh, sân đất nện Pháp luôn là một mặt sân quyến rũ và độc đáo. Độc đáo ở chỗ mặt sân này có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên và rất êm để có thể “bảo vệ” xương khớp của bạn nhất là đối với những người đã qua tuổi 40, khi phải di chuyển nhiều trên mặt sân. Dân chuyên cũng mê đất nện, khi trái banh nảy cao hơn nên trở thành “chậm” để có thêm thời gian chuẩn bị cho cú đánh hoàn hảo hơn, nhất là đối với các tay vợt bước vào chuyên nghiệp từ tuổi teen có điều kiện rèn luyện các kỹ thuật cơ bản của quần vợt, để rồi dần dần thích ứng được các mặt sân khác khi trái banh tăng tốc.

Nhưng cũng phải trở nên “rắn như đất nện” về thể lực và tinh thần như Nadal, mới có thể trở thành “Vua”, để rồi bước ra chinh phục các mặt sân khác, vì hơn bất cứ ai, anh đã trụ vững và tỉnh táo kết thúc những loạt rally rất dài trên mặt sân tung bụi đất son .

Một số loại sân đất nện khác

Sân đất nện khác ở châu Âu: Không có lớp bột đá vôi mà chỉ có lớp bột gạch màu đỏ thường thấy ở sân đất nện “đặc sản” của Pháp. Kích cỡ hạt nhỏ dần đều từ lớp dưới lên mặt sân và màu sắc có vẻ đậm hơn sân Pháp.

Sân đất nện Mỹ: Có tên gọi là “Har-tru” bởi màu xanh ghi, vật liệu được nghiền từ một loại đá dạng granit có nhiều trong các dãy núi bang Virginia, cỡ hạt cũng được sắp xếp theo thứ tự nhỏ dần đều. Mặt sân cứng hơn và không trơn trượt như sân Pháp và có thể chơi gần như bất kỳ thời điểm nào trong năm nhưng bị người pháp chê là…xấu. Giải US Open các năm từ 1975 -1977 tại Forest - Hills đã từng diễn ra trên “Har-tru”, hiện tại Mỹ, chỉ còn giải Family Circle Cup (WTA) diễn ra vào đầu tháng 4 hàng năm trên mặt sân này.

Sân đất nện nhân tạo: Để tránh những phiền toái do phải bảo dưỡng thường xuyên bằng việc tưới nước các sân trong nhà, người ta đã thay thế lớp bột gạch bằng một lớp nhựa tổng hợp màu đỏ hoặc thay lớp bột đá vôi bằng một lớp nhựa đường, trên cùng vẫn phủ một lớp bột gạch. Một loại sân đất nện nhân tạo khác còn được phủ bằng…cỏ nhân tạo, nhưng được “dính” cát màu đỏ và vẫn được ITF công nhận là “clay” hoặc “terre battue” khiến người Pháp không khỏi chạnh lòng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Hải ([Tên nguồn])
Roland Garros 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN