Bất ngờ sau những tấm huy chương: Nhà nghèo vẫn tiêu hoang
Sau tấm HCB nhảy xa nữ của “cánh chim lạ” Bùi Thị Thu Thảo ngày 29.9 tại ASIAD 2014, điều khiến nhiều người băn khoăn là không biết Thể thao Việt Nam đã vô tình (hoặc hữu ý) bỏ sót bao nhiêu tài năng nữa?
Trăm sự tại... thầy
Trên đất Hàn Quốc, tấm HCB nhảy xa nữ của Bùi Thị Thu Thảo (thành tích 6,44m) được coi là kỳ lạ. Đơn giản, trước khi ASIAD khởi tranh 2 tháng, chị còn không có tên trong danh sách đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) dự Á vận hội.
Trở lại thời điểm cuối tháng 7.2014, sau khi bất ngờ tỏa sáng, giành HCV giải điền kinh quốc tế TP.HCM với thông số 6,46m, Thu Thảo mới có tên trong thành phần đoàn TTVN dự ASIAD 2014.
Cần nhớ, thành tích này vượt xa tới 0,32m so với thông số 6,14m giúp Thảo giành HCĐ SEA Games 2013. Còn lạ lùng hơn nữa nếu biết rằng khoảng thời gian đầu năm nay, Thảo đã có dấu hiệu chán nản, thờ ơ tập luyện và đã làm đơn xin nghỉ theo lời “bật mí” của bà Trần Thanh Vân – nguyên Trưởng bộ môn điền kinh Sở VHTTDL Hà Nội. Và nếu các thầy cô ở bộ môn điền kinh Hà Nội không có tâm huyết, động viên Thảo kịp thời thì TTVN đã mất đi một tấm huy chương quý giá.
HCB của "cánh chim lạ" Bùi Thị Thu Thảo
Đến giờ, câu hỏi đặt ra là, trong thực tế, TTVN còn bỏ sót bao nhiêu “Thu Thảo” nữa? Trao đổi với NTNN sáng qua (30.9) về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT nói: “Theo tôi, còn không ít vận động viên (VĐV) đầy tiềm năng nhưng chưa có cơ hội phát lộ vì nhiều lý do. Trong đó, quan trọng nhất vẫn phụ thuộc vào cách nhìn nhận của các HLV từ cấp cơ sở đến đội tuyển”.
Khổ vì “quân anh, quân tôi”
Theo ông Minh, những VĐV tài năng của TTVN lúc này như Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ), Thạch Kim Tuấn (cử tạ) đều được phát hiện, bồi dưỡng bởi những người thầy có tài và đầy tâm huyết như HLV Hoàng Bảo (Hải Phòng), HLV Huỳnh Hữu Chí (đến giờ vẫn luôn sát cánh bên Thạch Kim Tuấn).
“Từ cách đây 20-30 năm, chúng ta cũng đã tổng kết, đúc rút, học hỏi những kinh nghiệm từ các nước phát triển về các tiêu chí tuyển chọn VĐV. Sau đó, tất cả những lý thuyết này đã được truyền đạt cho lớp lớp HLV. Vấn đề là TTVN chưa có một giải pháp tiến hành đồng bộ, tuân thủ quy trình nghiêm ngặt từ lúc phát hiện VĐV, rồi theo dõi những bước tiến của họ. Ở đây, cần có sự vào cuộc của khoa học. VĐV phải được đo các chỉ số về máu, xương, lượng vận động, thành tích… theo định kỳ” - ông Minh bày tỏ.
Tài năng của Phan Thị Hà Thanh được phát lộ là nhờ được dẫn dắt bởi những thầy cô đầy tâm huyết.
Chính vì sự nhìn nhận mang theo nhiều cảm tính của các HLV khiến TTVN bỏ sót nhiều tài năng. Theo ông Minh: “Trong thể thao, không phải VĐV cứ phát triển đều đều năm này qua năm khác, mà có trường hợp chững lại một vài năm, sau đó có bước tiến vượt bậc. Nếu HLV không hiểu rõ điều đó, không có sự tham chiếu từ các thông số khoa học mà vội vàng kết luận VĐV đã tới ngưỡng không phát triển được nữa mà bỏ bê đầu tư thì VĐV sẽ bị thui chột mất”.
Trước câu hỏi của NTNN - Dân Việt liên quan tới chuyện “quân anh, quân tôi”, ông Minh thừa nhận: “Chuyện này đã tồn tại từ lâu rồi mà đến nay vẫn còn, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức mạnh của TTVN. Theo tôi, khi tuyển chọn HLV đội tuyển quốc gia, nên ưu tiên chọn HLV trung gian. Bởi nếu chọn HLV của địa phương có VĐV trọng điểm trên tuyển, thì HLV này khó tránh khỏi việc ưu ái quân mình, không chăm chút cho VĐV địa phương khác”.
Đó là chưa kể tới việc nếu sai lầm trong việc “chọn mặt gửi vàng”, HLV trên tuyển thay vì đặt niềm tin vào những gương mặt ưu tú nhất, lại chủ động trao cơ hội nhiều hơn cho quân mình thì càng lãng phí!