"Bắt cá mập ở Asian Games 2019"
Giành quyền đăng cai Asian Games 18 năm 2019 là một sự kiện trọng đại đồng thời cũng là một thách thức lớn không chỉ đối với thể thao Việt Nam. Từ nay tới đó sẽ có nhiều việc phải bàn, phải làm. Câu chuyện đầu năm với một trong những nhân vật chính của cuộc vận động giành quyền đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất khu vực, ông Hoàng Vĩnh Giang, hiện là Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic quốc gia, dĩ nhiên không nằm ngoài mối quan tâm này.
* Nghe nói, quá trình vận động đăng cai Asian Games 18 năm 2019 có nhiều thời điểm gay cấn lắm. Giờ ông tiết lộ được không?
- Đó là thời điểm bỏ phiếu bầu chọn, tôi nhận được thông tin cho dù Việt Nam chắc thắng tới 90% rồi nhưng có người vì muốn Indonesia đỡ mất mặt nên rỉ tai một số đại biểu bỏ thêm phiếu cho nước này. Đoàn ta khi ấy có cả Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc rất lo. Hơn nữa, trong phần trình bày của “đội bạn” tại phiên họp Hội đồng Ủy ban Olympic châu Á hôm đó đích thân Tổng thống đương nhiệm của Indonesia Bambang Yudhoyono đã có bài phát biểu dài tới 4 phút, hứa hẹn sẽ đầu tư mạnh cho Surabaya nếu thành phố này giành được quyền đăng cai Asian Games, tức là... trọng lượng ghê quá.
Từ chỗ là người tự tin nhất tôi cũng bắt đầu thấy lo… Kiểm phiếu xong rồi kết quả vẫn chưa được công bố, tôi lo quá chạy tới chỗ ông Tổng giám đốc Ủy ban Olympic châu Á bảo: Tôi rất tin tưởng sự quan tâm của OCA (Ủy ban Olympic châu Á) và tôi cũng biết cơ hội của Việt Nam giành chiến thắng là rất lớn vì rất nhiều nước ủng hộ Việt Nam, tôi chắc chắn đấy. Việc san sẻ phiếu cho những nơi khác tôi cũng đành bó tay thôi. Bộ truởng, Chủ tịch VOC (Ủy ban Olympic Việt Nam) đang rất không tán thành... Nếu Việt Nam vì thế mà thất bại thì ông sẽ nói với đoàn Việt Nam thế nào? Ông ấy trả lời: Yên tâm đi, sẽ không có gì thiệt cho Việt Nam đâu...
Tôi lúc đó chỉ vào một cây cột xi măng ở cách đó chừng 10m, nói với ông ấy rằng Việt Nam đến Macau lần này rất kỳ vọng, đã tốn rất nhiều công sức để xây dựng bản đề án vận động xin đăng cai, đã họp với phái đoàn Ủy ban Olympic châu Á rất nhiều lần, được Chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á đánh giá cao, giờ nếu Việt Nam thua tôi sẽ vĩnh biệt ông, tôi sẽ đâm đầu vào đó và ôm mối hận xuống cửu tuyền..., ông có tin tôi nói nghiêm túc không?
Cuối cùng thì Chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á công bố Hà Nội là chủ nhân của Asian Games 18 năm 2019. Sau đó được biết Việt Nam giành 29 phiếu, Indonesia được 14 thôi.
Sân Mỹ Đình sẽ là địa điểm thi đấu chính của Asiad 18
* Trong quá trình Việt Nam vận động xin đăng cai Asian Games 18 năm 2019 đã có nhiều luồng ý kiến của các chuyên gia, người hâm mộ thể thao trong nước bày tỏ mối lo ngại về khả năng tổ chức của chúng ta, đặc biệt là số tiền 150 triệu USD. Dựa vào cơ sở nào để các ông quyết tâm giành quyền đăng cai sự kiện này về Việt Nam?
- Khi chúng tôi đưa ra con số kinh phí dự kiến là 150 triệu USD, đấy chỉ là kinh phí xây dựng một vài cơ sở chúng ta bắt buộc phải xây như sân bóng chày, bóng bầu dục, hockey sân cỏ, nơi tổ chức môn đua ngựa, sân xe đạp lòng chảo, trong đó cũng bao gồm cả 15 triệu USD đóng cho Ủy ban Olympic châu Á, ngoài ra còn có kinh phí nâng cấp sửa chữa một số công trình rồi phí tổ chức...
Nhiều người nói trong thời điểm kinh tế khó khăn, người dân Việt Nam còn nghèo mà đầu tư nhiều tiền bạc để đăng cai Asian Games là lãng phí. Điều đó tôi không thể phủ nhận nhưng tôi rất muốn chia sẻ rằng, chính việc đăng cai Asian Games có thể sẽ làm nhân dân bớt khó khăn hơn vì chúng ta sẽ có một cơ hội làm cho kinh tế phát triển, vai trò vị thế của mình được nâng cao, quảng bá đất nước, con người thuận lợi hơn, mở ra nhiều cơ hội đầu tư hơn, du lịch thêm phát triển, nhờ đó ngành TDTT cũng sẽ có thêm cơ hội lột xác. Việc đầu tư cho một kỳ Asian Games với chi phí rất vừa phải có thể coi như bỏ con săn sắt bắt con cá mập, cá voi chứ chẳng phải chỉ là con cá rô nữa.
Khoản kinh phí 150 triệu USD tôi cho rằng không là quá lớn cho một sự kiện trọng đại như vậy. Từ nay đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho Thủ đô Hà Nội được đầu tư 20,4 tỷ USD riêng cho giao thông thôi, chưa nói đến việc đầu tư cho khu Xuân Trạch, Cổ Loa, Đông Anh, từ 2021 đến 2030 vào quãng 12,9 tỷ USD nữa.
Từ nay đến năm 2020 đầu tư cho Hà Nội lớn như vậy, quy hoạch Hà Nội và các tỉnh thành vệ tinh càng hoành tráng thì đề án đăng cai Asian Games sẽ càng được hưởng lợi. Không có Asian Games Hà Nội vẫn đầu tư như vậy cơ mà. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cho quy hoạch chung của thủ đô trong đó có quy hoạch cho thể thao từ nay đến 2020 là rất lớn. Khu Hòa Lạc, Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Phú Xuyên đều có mỗi nơi từ 20 đến 245ha dành cho thể thao.
Trung tướng Arif Hasan, Trưởng đoàn kiểm tra của Ủy ban Olympic châu Á, còn nói nếu Việt Nam nhận được quyền đăng cai thì Asian Games chính là động lực cực kỳ hiệu quả tác động ngược lại để thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn quy hoạch của Hà Nội - Việt Nam. Phó chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á cũng khẳng định lý do nhiều phiếu chọn Việt Nam đăng cai Asian Games 18 năm 2019 là bởi họ được biết về quy hoạch của Chính phủ cho Thủ đô Hà Nội trong những năm tới. Nói cách khác, Asian Games chỉ “ăn theo” quy hoạch Thủ đô Hà Nội thôi.
Cho đến giờ phút này tôi đánh giá 85% cơ sở vật chất chúng ta đã có (nhờ SEA Games 22, AIG 3 và sự tự thân vận động của các địa phương...). Chính Chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á cũng đánh giá chúng ta có thừa tiêu chuẩn tổ chức Asian Games rồi. Riêng về giao thông từ nay đến 2020 Hà Nội sẽ có 7 đường cao tốc, có 13 cầu qua sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, các hệ thống đường cao tốc, tàu điện trên không… Quy hoạch này quá hoành tráng, tôi nghĩ không có gì là lo lắng cả.
* Còn chất lượng thi đấu của chủ nhà thì sao? Mục tiêu thể thao VN có từ 10 đến 15 HCV tại Asian Games 2019 có khả thi?
- Đó còn là mục tiêu khiêm tốn đấy. Tôi nghĩ khả năng chúng ta còn tự tin có được nhiều hơn. Theo tính toán, có khoảng 15 đến 17 môn thể thao chúng ta có khả năng đoạt HCV nhưng nói bây giờ hơi sớm vì còn 7 năm nữa. Wushu, đá cầu, vật, cử tạ, boxing, điền kinh, taekwondo, karatedo, bắn súng, bơi, rowing, TDDC, cầu mây, cờ vua, cờ tướng, xe đạp, bơi lội… chúng ta đều có thể giành HCV nếu có quyết tâm, kèm theo những sự đầu tư tương xứng.
Bây giờ sẽ khó có được chương trình mục tiêu quốc gia cho việc đào tạo VĐV nhưng chúng ta vẫn có những chương trình hành động để chuẩn bị cho 3 kỳ SEA Games, 2 kỳ Asian Games rồi Olympic. Những người làm công tác chuyên môn chúng tôi đã tính toán kỹ về tính khả thi của chỉ tiêu 10-15 HCV, xin người hâm mộ hãy tin rằng, lịch sử cho thấy dân tộc Việt Nam đã làm được những việc còn khó gấp vạn lần chứ đâu chỉ là tổ chức một kỳ Asian Games với 10 HCV, trong khi có nước láng giềng chúng ta đã tổ chức đến 4, 5 lần.
* Xin cảm ơn ông!