Báo động thể thao Việt Nam nhìn từ thất bại của Hoàng Xuân Vinh

Thể thao Việt Nam cho thấy sự bất cập lớn trong công tác đào tạo trẻ, dẫn tới thiếu nguồn vận động viên đỉnh cao.

Thất bại của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Tokyo 2020 là điều đã được dự báo trước. Nó cũng cho thấy công tác tìm kiếm, bồi dưỡng tài năng thể thao Việt Nam sau nhiều năm vẫn rất bất cập.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thất bại ở Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Getty

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thất bại ở Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Getty

Lão tướng chùn chân

Tại Olympic Tokyo 2020, bắn súng Việt Nam có duy nhất một suất tham dự là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở nội dung 10m súng ngắn hơi. Đây chính là nội dung từng giúp tay súng quân đội giành HCV tại Olympic Rio 2016. Bởi vậy, dù không còn ở đỉnh cao phong độ, nhà vô địch Hoàng Xuân Vinh vẫn được kỳ vọng sẽ tạo nên kỳ tích tiếp theo.

Nhưng với những người thực tế, họ không cho rằng xạ thủ gốc Hà Tĩnh có thể bước lên bục giành huy chương. Quả đúng như vậy, dù thi đấu đầy nỗ lực nhưng Xuân Vinh phải dừng bước ở vòng loại khi đứng thứ 22/36 với 573 điểm.

Thất bại này không hề bất ngờ, có lẽ với ngay cả những người trong cuộc. Huyền thoại thể thao Việt Nam khởi đầu không quá tệ, bắn tốt ở ba lượt đấu đầu (mỗi lượt 10 viên đạn) nhưng lại hụt hơi ở hai lượt tiếp theo. Dù đã bứt lên ở lượt cuối nhưng chừng đó là chưa đủ để Xuân Vinh có vé vào chung kết.

Nguyên nhân thất bại của Hoàng Xuân Vinh đương nhiên được mổ xẻ nhiều nhưng nguyên nhân chính tới từ việc tay súng này đã lớn tuổi. Ở tuổi 46, sức mạnh thể chất và tinh thần không còn đủ giúp anh thi đấu tập trung trong khoảng thời gian dài tới hơn một giờ đồng hồ mà các đối thủ so kè nhau từng điểm.

Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, Ủy ban Thể dục thể thao (nay là Tổng cục TDTT) cho rằng, người hâm mộ, giới chuyên môn không nên trách Hoàng Xuân Vinh bởi anh cả đời cống hiến cho bắn súng, mang về rất nhiều vinh quang và tới thời điểm đáng nhẽ cần nghỉ ngơi, chuyển sang huấn luyện thì vẫn phải gánh trọng trách.

“Bắn súng có ai đẳng cấp để thay Vinh đâu. Vinh đến Olympic thì chúng ta đã nhìn trước được rồi, khó cạnh tranh lắm. Cùng lứa với Vinh, các tay súng hàng đầu thế giới cũng đều đã xuống dốc hết”, ông Minh nói.

Thực tế, ở vòng loại 10m súng ngắn hơi nam, tay súng về nhất là Saurabh Chaudhary (Ấn Độ) mới 19 tuổi. Zang Bowmen của Trung Quốc (25 tuổi) về thứ 2 và Reitz Christian (Đức, 34 tuổi) về thứ 3. Người lớn tuổi nhất trong số này cũng kém nhà cựu vô địch Hoàng Xuân Vinh tới 12 tuổi. Nó cho thấy ưu thế của tuổi trẻ trong thi đấu thể thao, ngay cả ở môn ưu tiên kinh nghiệm như bắn súng.

Nhìn rộng hơn, thành phần Đoàn Thể thao Việt Nam dự Olympic lần này không chỉ mình Xuân Vinh luống tuổi. Tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh cũng đã 38 tuổi. Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên tuy mới 24 nhưng đây là độ tuổi được cho là “già” với môn bơi. Tương tự, Lê Thanh Tùng và Đinh Phương Thành (cùng 25 tuổi) cũng không còn ở giai đoạn sung sức nhất của Thể dục dụng cụ.

Đầu tư đúng nhưng không hợp quy luật

“Quanh đi quẩn lại những năm qua vẫn chỉ những con người này thi đấu hết SEA Games tới ASIAD rồi Olympic. Đơn cử như Thạch Kim Tuấn vốn bị đánh giá yếu tâm lý nhưng vẫn là niềm hi vọng số 1 của cử tạ để rồi nhiều lần gây thất vọng. Thể thao không có lực lượng kế cận thường xuyên, xuất sắc nên cạnh tranh tại SEA Games thì được, ASIAD cũng tạm ổn nhưng xa hơn là Olympic thì đuối trông thấy”, chuyên gia Đặng Việt Cường đánh giá.

Cũng theo ông Cường, sở dĩ thể thao Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu hụt vận động viên đỉnh cao, đủ tầm Olympic là do cách làm, chuẩn bị vẫn theo chu kỳ 2 năm của SEA Games.

“Hiện nay, quy trình tập huấn, tập luyện, đào tạo đều nhằm mục đích phục vụ cho SEA Games. Với ASIAD và Olympic đương nhiên Thể thao Việt Nam vẫn có sự chuẩn bị nhưng dừng lại ở mức thời vụ, thiếu chiến lược cụ thể. Bởi vậy, số lượng vận động viên Việt Nam dự Olympic chỉ loanh quanh 18 - 20 người, không thể bứt lên”, ông Cường dẫn chứng.

Ở góc nhìn tổng quát hơn, ông Nguyễn Hồng Minh đánh giá, sở dĩ thể thao Việt Nam thiếu tài năng là do đào tạo trẻ không đúng quy luật. “Nếu chia quãng đường của một vận động viên đỉnh cao thành 5 phần thì có tới 3 - 4 phần là đào tạo, bồi dưỡng, 1 - 2 phần còn lại là thi đấu.

Nếu muốn có thành tích cao thì anh phải đầu tư ít nhất 6 - 8 năm, thậm chí 10 năm rồi mới hái quả. Nhưng ở Việt Nam thì gần như chỉ tập trung vào phần hái quả”, ông Minh chia sẻ.

Ông Minh cho rằng, điều này xuất phát từ điều kiện của thể thao Việt Nam. Thiếu kinh phí để đầu tư rộng, sâu và chuyên biệt nên chúng ta chỉ đầu tư theo kiểu mũi nhọn, nhặt những cái tên tốt để tập trung đào tạo.

Số được đào tạo bài bản từ nhỏ là rất hiếm, chỉ tới khi phát lộ tài năng mới được đầu tư. Cách làm này đúng trong điều kiện của chúng ta nhưng để nền thể thao phát triển thì rất khó.

“Năm 2019, 2020, nhiều địa phương và ngay cả ngành thể thao đã giải tán các đội trẻ vì thiếu kinh phí. Đào tạo trẻ ở ta vốn đã yếu và thiếu, nay lại dừng thì tương lai thể thao Việt Nam chắc chắn sẽ rất khó khăn”, ông Minh nêu dẫn chứng.

Về mặt giải pháp, cả chuyên gia Đặng Việt Cường và ông Nguyễn Hồng Minh đều có chung quan điểm, cần xã hội hóa mạnh hơn nữa thể thao. Không thể trông chờ vào kinh phí Nhà nước mỗi năm vài chục tỷ đồng, chia nhỏ cho hàng trăm môn thi đấu, hàng nghìn vận động viên.

“Ở các nước thể thao phát triển, Chính phủ đâu phải bỏ tiền phát triển thể thao. Các liên đoàn, hiệp hội đầu tư và Chính phủ chỉ cấp kinh phí khi đi thi đấu quốc tế. Tại Việt Nam, ngoài bóng đá thì các môn còn lại xã hội hóa tuy đã làm nhưng vẫn rất manh mún, kém hiệu quả”, ông Cường phân tích thêm.

VĐV Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh sòng phẳng tại Olympic

Tham dự Olympic Tokyo 2020, đoàn Việt Nam bao gồm 43 thành viên, trong đó có 18 VĐV, riêng môn bắn súng có duy nhất VĐV Hoàng Xuân Vinh.

Theo chuyên gia Đặng Việt Cường, dù Đoàn Thể thao Việt Nam có giành được huy chương thì cũng không thể coi là thành tích đáng tự hào. “Công bằng mà nói, khoảng một thập kỷ qua, chỉ duy nhất đô cử Hoàng Anh Tuấn là xác định đi Olympic sẽ có huy chương, còn lại những niềm hy vọng của chúng ta đều mờ nhạt, chưa đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ. Ngay cả Hoàng Xuân Vinh năm 2016 cũng chỉ là xuất thần”, ông Cường nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Đoàn Việt Nam đứng thứ mấy bảng xếp hạng Olympic Tokyo, đua Thái Lan được không?

(Tin thể thao, bảng xếp hạng huy chương Olympic Tokyo 2021) Khác với Olympic Rio cách đây 5 năm, kỳ Thế vận hội mùa Hè tại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Hiệp ([Tên nguồn])
Olympic mùa hè Paris 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN