Bàn chân "dị biệt" và quyết định giúp Nadal trở thành "bá chủ" tennis
(Tin thể thao, tin tennis) Nếu như có một bàn chân bình thường, Rafael Nadal sẽ còn vĩ đại hơn thời điểm hiện tại.
Video Nadal đấu Ruud, chung kết Roland Garros 2022
Năm 2021 do tình trạng chấn thương bàn chân gần như mãn tính Rafael Nadal đã phải bỏ dở phần lớn mùa giải. Quay lại thi đấu mùa 2022 với một cơ thể chưa thực sự hoàn hảo, "Bò tót" Nadal lại thi đấu rất thành công với danh hiệu Australian Open, sau đó chiến thắng ở Acapulco và vào chung kết ở Indian Wells.
Nadal bị chấn thương dai dẳng vẫn giành được Roland Garros thứ 14
Ở Rome Masters, Nadal lại khiến người hâm mộ cảm thấy lo lắng khi anh để thua Denis Shapovalov và rời sân với những bước chân tập tễnh. Tới Roland Garros 2022 với nhiều hoài nghi, "Bò tót" tiếp tục khiến người hâm mộ phải thấp thỏm vì anh liên tục nói về chấn thương bàn chân trong thời gian tham dự giải.
Cuối cùng nghị lực "Bò tót" Nadal đã khuất phục tất cả, với liệu pháp tiêm thuốc giảm đau, khiến chân trái của anh gần như mất cảm giác. Tay vợt Tây Ban Nha vượt qua tất cả các đối thủ để giành danh hiệu Roland Garros thứ 14, chạm tới 22 chức vô địch Grand Slam.
Trên thực tế, Nadal đã phải vật lộn với cấu tạo dị biệt bàn chân trái suốt sự nghiệp. Chân trái của Rafa mắc hội chứng Muller-Weiss, xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2004. Thời điểm đó Nadal phải chống nạng di chuyển, thậm chí tay vợt này còn nghĩ tới chuyện giải nghệ.
Đây là một căn bệnh hiếm gặp liên quan đến việc biến dạng một phần xương nhỏ giữa mu bàn chân. Nó khiến người bệnh khó vận động, tạo ra cơn đau dai dẳng, nhiều lúc gần như không thể chịu đựng được. Jesus Vila Rico, giám đốc tạp chí Hiệp hội phẫu thuật chỉnh hình và chấn thương Tây Ban Nha, từng nói với giới truyền thông: “Đây là căn bệnh hình thành từ thời thơ ấu, bắt đầu phát triển các triệu chứng ở tuổi 20, thậm chí 30 tuổi. Hội chứng này ảnh hưởng đến những người có bàn chân bẹt. Đó là do bẩm sinh".
Trong trường hợp của Nadal, do hoạt động với cường độ mạnh thường xuyên, đã góp phần khiến bệnh xuất hiện sớm hơn. Khi phần xương đặc biệt này phải chịu quá nhiều áp lực trong thời gian dài, những cơn đau càng trở nên trầm trọng hơn.
Khi được chẩn đoán bệnh, Nadal được thiết kế một đôi giày đặc biệt, với phần lót phù hợp với hình dạng của bàn chân anh. Bác sĩ cho biết: “Chúng thay đổi áp lực, giảm bớt áp lực từ bên ngoài và điều chỉnh xu hướng của bàn chân".
Chiếc giày được thiết kế riêng biệt đã giúp Nadal thi đấu thoải mái và trở thành tượng đài tennis, tuy nhiên trong vài năm gần đây nó không còn giúp anh đỡ đau nữa. Để triệt tiêu những cơn đau mãn tính nơi bàn chân trái khi thi đấu, Nadal phải sử dụng liệu pháp tiêm giảm đau. Những mũi tiêm tác động trực tiếp tới dây thần kinh, khiến "Bò tót" mất cảm giác đau, nhưng chân của anh cũng gần như mất sạch cảm giác.
Nadal gặp hội chứng Muller-Weiss
Thi đấu với một đôi chân "vô cảm" có thể gây ra những chấn thương ngoài mong muốn, Rafa biết nhưng vẫn chấp nhận. Quyết định táo bạo này giúp anh nỗ lực chơi trong các trận đấu, để rồi giành được chức vô địch Roland Garros 2022. Tuy nhiên, "Bò tót" có lẽ không muốn mạo hiểm nữa.
Nadal đang hướng tới ca phẫu thuật, chuyên gia chấn thương Diego Garcia-German giải thích: "Ca phẫu thuật biến một khớp thành một khối xương. Rõ ràng điều này khiến cơn đau giảm đi, cử động không còn tạo ra cơn đau nhưng có thể để lại hậu quả vì làm giảm khả năng vận động".
Ngoài ra, việc phục hồi sau phẫu thuật sẽ mất nhiều thời gian và không dám chắc VĐV có thể tiếp tục hoạt động với cường độ cao. Nadal muốn phẫn thuật để cơn đau không còn hành hạ, tuy nhiên nó có thể khiến anh sớm phải từ giã sự nghiệp thi đấu tennis đỉnh cao.
(Tin thể thao, tin tennis) Nadal hiện đang là tay vợt giành nhiều Grand Slam nhất, xứng đáng là tay vợt vĩ đại nhất mọi thời đại nhưng anh không quan trọng vấn đề này.
Nguồn: [Link nguồn]