Bài học từ Vietnam Open

Không chỉ các thành viên tham gia mà cả khán giả cũng có không ít bài học bổ ích từ Giải Quần vợt Việt Nam mở rộng (Vietnam Open) 2015, vừa kết thúc chiều tối 18-10 tại TP HCM.

Mười năm sau lần đầu tiên TP HCM đăng cai một giải đấu thuộc hệ thống Challenger Tour của quần vợt nam nhà nghề thế giới, BTC lẫn các tay vợt chủ nhà, khán giả đều có được nhiều cảm xúc khó quên.

Việc không được dự khán các giải quốc tế, còn các giải đấu trong nước không thu hút được khán giả khiến nhiều người gần như quên hẳn các quy tắc khi xem bộ môn này. Họ thường xuyên di chuyển, cổ vũ lớn tiếng trong lúc trận đấu đang diễn ra. Điều này khiến BTC và cả trọng tài đôi khi phải ngừng trận đấu để nhắc nhở, ảnh hưởng ít nhiều đến sự tập trung của các tay vợt.

Theo một thành viên BTC, chỉ cần tổ chức thêm một hay hai mùa nữa, chắc chắn khán giả Việt Nam sẽ cổ vũ chuyên nghiệp hơn. Đây chính là một trong những thành công của BTC khi kéo được một lượng lớn khán giả đến sân khi các hoạt động thể thao khác như bóng đá, điền kinh tại TP HCM ngày càng vắng người xem.

Bài học từ Vietnam Open - 1

Tay vợt Ấn Độ Saketh Myneni với cúp vô địch đơn nam

Hoàng Nam, Hoàng Thiên, Minh Tuấn không đạt kết quả tốt ở giải đấu tầm cỡ diễn ra trên sân nhà song đây là điều không ai bất ngờ bởi những đối thủ của họ quá đẳng cấp. Việt Nam cần có những giải đấu tương tự để nâng tầm cho quần vợt nước nhà, hướng đến những giải đấu ATP 250 và đặc biệt giúp các tay vợt Việt Nam có cơ hội cọ xát, học hỏi kinh nghiệm trước những tay vợt hàng đầu thế giới.

Sau gần 2 năm vắng bóng ở các giải đấu trong nước, Lý Hoàng Nam trở lại mang theo sự kỳ vọng lớn từ người hâm mộ. Tay vợt quê Tây Ninh này chính là một trong những “chất xúc tác” mang tới sự thành công cho giải ATP Challenger thứ hai diễn ra tại Việt Nam. Theo Hoàng Nam, giải đấu giúp anh nhiều cơ hội tiếp xúc với các tay vợt đẳng cấp khi được ăn và tập luyện chung với họ.

“Tôi học được khá nhiều điều chuyên nghiệp từ những tay vợt đàn anh, ngay cả trong sinh hoạt hằng ngày. Điển hình như ngay sát ngày thi đấu, dù BTC mời dự tiệc nhưng họ vẫn chỉ dùng nước trái cây để giữ sức” - Hoàng Nam nói. Ngoài ra, với sức hút của giải, các tay vợt gốc Việt như Daniel Nguyễn, Athem Vũ hay Lê Minh đã có cơ hội “về nguồn”.

Không có được ngôi vô địch nhưng hạt giống số 1 Marcel Granollers (Tây Ban Nha) vẫn dành nhiều điều ngợi khen chủ nhà: “Tôi đang tận hưởng giải đấu này một cách đầy thích thú khi BTC đã cố gắng hết mình. Các tay vợt khác cũng nói với tôi rằng Vietnam Open được tổ chức tốt hơn so với các giải khác. Tôi hy vọng sớm được trở lại Việt Nam ở các giải đấu tiếp theo. Điều quan trọng nhất chính là Việt Nam đã có tên trong danh sách du lịch của chúng tôi”.

Chức vô địch đơn nam cùng tiền thưởng 7.200 USD thuộc về tay vợt Ấn Độ Saketh Myneni, người thắng Jordan Thompson của Úc 7-5, 6-3 ở chung kết. Tuy nhiên, Myneni và đồng hương Sanam Singh thua ở chung kết đôi trước Tristan Lamasine (Pháp) - Nils Langer (Đức) 1-6, 6-3, 8-10.

Hoàng Nam bỏ giải Ấn Độ Challenger

Giám đốc điều hành CLB Quần vợt Becamex Bình Dương, ông Lê Việt Cường, tối 18-10 khẳng định: “Lý Hoàng Nam chính thức xin rút lui khỏi giải Challenger Ấn Độ vì chúng tôi nhận thấy anh chưa đủ trình độ để tham dự các giải đấu quá tầm như thế. Chúng tôi sẽ gửi thư xin lỗi Liên đoàn Quần vợt Ấn Độ về sự việc này”.

Ban huấn luyện của Hoàng Nam cho biết thời điểm này, anh cần nâng cao nền tảng thể hình, sức mạnh hơn là việc cố theo đuổi điểm số trên bảng xếp hạng. Để đạt được mục tiêu lọt vào tốp 800 thế giới năm sau, Hoàng Nam cần được đi từ sân chơi nhỏ hơn: Men’s Futures.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Liêm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN