Australian Open 2016: Tìm đối thủ ngăn được Djokovic

(Australian Open 2016, 18-31/1) Australian Open được Djokovic biến thành nơi gây dựng đế chế của anh, và năm nay, nếu anh thất bại sẽ là bất ngờ rất lớn.

Lẽ thường, một người vừa có năm thi đấu cực kỳ thành công thường sa sút ở năm tiếp theo. Trước kia, chỉ có Federer mới tạo ra ngoại lệ khi có hai năm 2006 và 2007 đều giành được mỗi năm ba Grand Slam. Còn Nadal sau 2010 rồi 2013 thành công đều là những năm mà kết quả từ không như ý cho tới mức tệ hại. Bản thân Djokovic cũng thế, năm 2012 chật vật sau năm 2011 thăng hoa.

Nhưng Djokovic là biểu tượng của sự vận động không ngừng nghỉ để vượt qua những quy luật thông thường và chinh phục những giới hạn.

Thể lực vẫn là số 1

Hãy nói lại một chút dù đã nhiều lần từng đề cập, từ cuối 2010 cho tới hết mùa 2015, Djokovic đã thực hiện biết bao thay đổi, điều chỉnh, bổ sung: Thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc biệt và sử dụng công nghệ hồi phục cho mùa 2011, thuê chuyên gia cố vấn ở US Open 2013, bổ nhiệm HLV Becker ở cuối mùa 2013.

Khi vừa kết thúc mùa giải 2015 vĩ đại (vô địch 11 giải, trong đó có 3 Grand Slam, 6 Masters 1000), Djokovic đã thuê thêm một chuyên gi trị liệu thể lực nữa để bổ sung vào ê kíp của anh: Stefan Dull, một chuyên gia thể lực người Đức.

Australian Open 2016: Tìm đối thủ ngăn được Djokovic - 1

Không mấy thành công trong năm 2012 nhưng Djokovic vẫn vô địch Australia Open

Đó có thể là một sự chữa cháy cho Miljan Amanovic, chuyên gia thể lực đã gắn bó với Djokovic suốt chín năm ròng rã, nay sẽ phải dành thời gian cho gia đình nhiều hơn. Nhưng cũng như khi Djokovic quyết định mời Boris Becker để HLV Marian Vajda được giải quyết chuyện gia đình riêng của ông, chúng ta đã thấy một Djokovic cực kỳ hợp lý về mặt chiến thuật khi chọn giải, chọn trận và hóa giải các thách thức. Sự tư vấn từ xa và tại chỗ khi ăn ý với nhau rõ ràng đã dẫn đến những kết quả mĩ mãn.

Thế nên, sự bổ sung Stefan Dull trong khi vẫn còn Miljan Amanovic có thể trở thành sự đảm bảo cho vấn đề thể lực của Djokovic khi bản thân tay vợt này đã vượt qua hai cuộc sát hạch một cách hoàn hảo: Cuộc đầu ở ATP World Tour Finals, thời điểm tưởng chừng như Djokovic đã rất mệt mỏi sau bốn chức vô địch liên tiếp trước đó nhưng anh chỉ lộ sự mệt mỏi khi gặp Federer ở vòng bảng rồi sau đó hồi phục cực tốt.

Boris Becker sau giải tiết lộ rằng ông đã hoang mang khi xem Djokovic thua ở trận đấu đó và kinh ngạc với khả năng hồi phục ở các trận tiếp theo, đặc biệt là khi đánh bại Nadal ở bán kết. Cuộc thứ hai là ở Doha ATP 250 mới đây khi Djokovic có một giải đấu xuất sắc và thêm một lần vùi dập Nadal với tỉ số 6-1 6-2 ở chung kết.

Tâm lý là số 1

Trận thắng Nadal đấy ít ai chú ý nhưng là một cột mốc quan trọng: Lần đầu tiên trong sự nghiệp đối đầu chẵn chục năm qua (từ R.G 2006), Djokovic vượt lên trên Nadal về chỉ số đối đầu. Djokovic thắng 24 trận. Nadal thắng 23 trận.

Sự vươn lên này có thể giúp Djokovic hoàn toàn rũ bỏ một chút tị hiềm nào đó nếu có với Nadal trong khi thời gian gần đây thực ra cũng đã áp chế Nadal hoàn toàn với năm trận thắng liên tiếp. Còn trong cả giai đoạn năm năm qua (2011 – 2015), hiệu số chiến thắng của Djokovic trước Nadal là 17-7.

Djokovic cũng đã vươn tới trạng thái chế ngự được Federer, luôn tỏ ra bản lĩnh hơn hẳn ở những điểm số quyết định. Hiện hiệu số đối đầu giữa hai tay vợt là 22-22, và với đà như trong thời gian qua thì Djokovic cũng sẽ sớm vượt lên nếu họ tiếp tục gặp nhau. Tức là Djokovic đã và sẽ còn có thể có lợi thế rất lớn về tâm lý khi gặp Federer.

Australian Open 2016: Tìm đối thủ ngăn được Djokovic - 2

Roger Federer là đối trọng đáng gờm nhất của Djokovic lúc này

Tình trạng tương tự có thể ghi nhận ở mọi cuộc đối đầu giữa Djokovic với các tay vợt hàng đầu khác, trong đó có Murray, Berdych, Ferrer, Nishikori... Và chỉ trừ Wawrinka, người đã đánh bại Djokvic ở trận chung kết quan trọng nhất trong năm 2015 khi họ gặp nhau tại Roland Garros. Wawrinka còn thắng Djokovic ở bán kết Australian Open 2014 trước khi đánh bại Nadal để lần đầu đăng quang ở giải lớn.

Và để khẳng định rằng Djokvic có sự vững vàng về mặt tâm lý ở thời điểm hiện tại là anh đã có thể rút ra cho mình một bài học, sẽ có cách thức vượt qua những áp lực từ sự kỳ vọng sau khi đã nếm trải những thất bại ở năm 2012 và 2013 khi lúc ấy, người ta cũng kỳ vọng anh sẽ tiếp nối những điều đã làm trong năm 2011.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Nóng cùng Phạm Tấn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN