ASIAD, rào cản chắn thể thao Việt Nam và thế giới

Sự kiện: Asiad 2023

Những thành tích trái ngược của đoàn thể thao Việt Nam, khi Đại hội Thể thao Đông Nam Á và châu Á diễn ra trong cùng một năm, đã cho thấy rào cản vươn ra thế giới còn rất cao. Ngôi đầu trong khu vực của Việt Nam hẳn không còn nhiều ý nghĩa, khi các nước Đông Nam Á đều có thành tích tốt hơn khi bước ra ASIAD và Olympic.

Số 1 và số 5

Kết thúc SEA Games 32, đoàn thể thao Việt Nam lập nên kỳ tích khi giành 136 HCV. Đây là lần đầu Việt Nam đứng nhất toàn đoàn ở một kỳ SEA Games không tổ chức trên sân nhà. Các VĐV Việt Nam bỏ xa Thái Lan với khoảng cách gần 30 HCV, nhiều hơn Indonesia 50 HCV. Singapore có 51 HCV, Malaysia là 34 HCV, kém Việt Nam 102 HCV.

Taekwondo là một trong những môn “key” của Thái Lan

Taekwondo là một trong những môn “key” của Thái Lan

Giữa không khí tưng bừng chiến thắng của đoàn thể thao Việt Nam, kình địch số 1 trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan đã đưa ra một thống kê đáng chú ý. 95/136 HCV của Việt Nam tại SEA Games vừa qua không đến từ những môn, hoặc những nội dung nằm trong chương trình thi đấu Olympic. Nếu chỉ tính những nội dung có tại Olympic Paris sắp tới, Việt Nam chỉ có 41 HCV, ít hơn Thái Lan (45 HCV).

Rất ít người hâm mộ Việt Nam để ý đến thống kê của Thái Lan sau SEA Games 32. Mọi người chỉ biết ở một giải đấu tranh tài trên sân trung lập, đoàn thể thao Việt Nam đã thắng Thái Lan. Nhưng luận điểm của người Thái dần trở nên có lý, khi ASIAD năm nay diễn ra chỉ sau SEA Games chưa đầy 5 tháng, và kết quả đã rất khác.

Từ vị trí số 1 tại SEA Games, đoàn thể thao Việt Nam tụt xuống vị trí thứ 5, xếp sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore. Việt Nam thua kém những đối thủ trong khu vực cả về số nhà vô địch và Á quân. Thái Lan thể hiện sức mạnh cả về mặt lượng và chất. Không phải chủ nhà Trung Quốc, họ mới là quốc gia cử nhiều VĐV đến ASIAD nhất và chiếm một vị trí trong top 10 châu Á.

Sau Thái Lan, Indonesia cũng có một kỳ ASIAD thành công. Họ không còn chứng kiến cơn mưa HCV như thời điểm thi đấu trên sân nhà 5 năm trước nữa, nhưng các VĐV Indonesia đã trải qua một giải đấu ấn tượng. Họ cầm chắc một vị trí trong top 15 châu Á, xếp ngay trên Malaysia. Singapore cũng có 3 HCV, 6 HCB trước ngày bế mạc giải.

Ở chiều ngược lại, đoàn thể thao Việt Nam chỉ kết thúc ASIAD ở tiêu chí đạt chỉ tiêu đã đề ra. Mục tiêu giành 2-5 HCV đã thực hiện được, nhưng thực tế là Việt Nam không phải cường quốc thể thao số 1 Đông Nam Á khi bước ra sân chơi quốc tế nữa. Mục tiêu Olympic, vì thế, lại càng khác biệt khi Thái Lan, Indonesia đều đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho con đường tiến ra thế giới.

"Việt Nam đã thất bại ở ASIAD 19". Đó là nhận xét của một trong những trang tin hàng đầu Indonesia khi xứ vạn đảo vượt rất xa Việt Nam trên bảng xếp hạng tổng sắp huy chương. Đây là thực tế khó chấp nhận, nhưng đúng với những gì đã diễn ra ở mỗi kỳ ASIAD. Các VĐV Việt Nam thường gặp rất nhiều khó khăn khi bước ra sân chơi châu lục.

Thông tin thiếu cập nhật khiến Huy Hoàng gặp áp lực ở nội dung bơi sở trường và không thể giành HCV

Thông tin thiếu cập nhật khiến Huy Hoàng gặp áp lực ở nội dung bơi sở trường và không thể giành HCV

Chậm chân trên hành trình lớn

Đâu là nguyên nhân khiến thể thao Việt Nam tụt lại phía sau khi tiến ra ASIAD và Olympic? Chương trình thi đấu mất cân đối, thiếu đồng bộ giữa SEA Games và ASIAD là một trong những nguyên nhân. Ngoài ra, cũng không thể phủ nhận một sự thật: Thể thao Việt Nam còn yếu ở những môn Olympic. Một phần ba số huy chương của Việt Nam tại ASIAD 19 vẫn đến từ những môn phi Olympic.

Kể từ Á vận hội Busan 2002, thể thao Việt Nam mới có 3 HCV ASIAD ở các môn Olympic là bắn súng (1 HCV) và điền kinh (2 HCV). Những HCV còn lại đến từ thể hình, karate, cầu mây, wushu và pencak silat. Những môn thể thao Olympic vẫn luôn là chiếc phao cứu lấy chỉ tiêu huy chương của đoàn Việt Nam tại Á vận hội, một hiện tượng khó có thể bỏ qua.

Ngược lại, nếu chỉ tính những môn thể thao nằm trong chương trình thi đấu Olympic, Thái Lan đã có 7 HCV tại ASIAD lần này. Indonesia cũng có tới 5 HCV, ngay cả khi họ không còn hy vọng cạnh tranh huy chương ở môn sở trường là cầu lông. Malaysia và Indonesia cũng có những nhà vô địch ở một số môn thể thao truyền thống của Olympic.

Có một bí quyết giúp 4 quốc gia Đông Nam Á nói trên khẳng định vị thế ở đấu trường châu lục và thế giới. Họ luôn có một vài môn "key", môn thế mạnh và liên tục đào tạo ra những vận động viên đẳng cấp thế giới. Indonesia có bắn súng, cử tạ. Singapore có bơi, điền kinh. Thái Lan có boxing, cử tạ, taekwondo, điền kinh.

Một chi tiết đáng chú ý khác là các quốc gia Đông Nam Á đã bắt tay rất nhanh vào việc đi tắt đón đầu một số môn thể thao vừa xuất hiện, hoặc chuẩn bị có mặt tại Olympic. ASIAD 19 chứng kiến màn cạnh tranh nội bộ giữa các VĐV Đông Nam Á ở môn đua thuyền buồm. Indonesia có HCV xe đạp BMX và leo tường thể thao, môn mới xuất hiện từ Olympic Tokyo.

Theo thông báo từ Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), họ sẽ tiếp tục đưa những môn thể thao đô thị vào chương trình thi đấu Thế vận hội trong thời gian tới. Đua thuyền buồm, xe đạp BMX hay leo tường thể thao, trượt ván sẽ là bước mở đầu cho nhiều môn khác. Đó có thể là Squash (bóng quần), môn thể thao giúp Malaysia giành tới 3 HCV tại kỳ Á vận hội Hàng Châu.

Việt Nam đã làm những gì với những môn thể thao mới này? Nỗ lực của những VĐV, của những người làm thể thao Việt Nam trong việc khai phá các môn mới là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thành tích của Việt Nam trong những môn thể thao đô thị là không đáng kể. Nếu tiếp tục chậm chân, Việt Nam sẽ để lỡ nhiều cơ hội khác khi thể thao đô thị xuất hiện thêm tại Olympic.

Khó điều chỉnh

Trong một kỳ Olympic mà điền kinh Việt Nam trắng tay, Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Thái Lan đã từ chức vì không có huy chương vàng. Trước Á vận hội Hàng Châu, ông Sant Sarutanond, người đứng đầu môn điền kinh của Thái Lan đã tuyên bố mang HCV về. Nhưng cuối cùng, Thái Lan "chỉ" có 2 HCB, và Sarutanond phải ra đi.

Câu chuyện của điền kinh Thái Lan là minh chứng cho thấy họ thường rất mạnh tay trước những điều chỉnh và thay đổi. Trên phương diện thi đấu, một VĐV luôn phải tập luyện chuyên cần với cường độ cao, và đảm bảo thành tích nếu không muốn mất vị trí vào tay người khác. Ở cấp độ quản lý, người đứng đầu của một số môn thể thao sẽ phải ra đi nếu thành tích không như kỳ vọng.

Ngược lại với Thái Lan và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, thể thao Việt Nam thường gặp khó trong việc điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế. Câu chuyện của đội tuyển cử tạ là ví dụ rõ nhất. Giống như điền kinh, cử tạ là một trong những môn thể thao đăng ký chỉ tiêu giành huy chương tại ASIAD lần này, nhưng lại trắng tay ở những nội dung thi đấu sở trường.

Trong quá khứ, cử tạ từng là môn "key" của thể thao Việt Nam, nhưng chỉ trong phạm vi hạng cân 56kg nam. Hoàng Anh Tuấn, Thạch Kim Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn đều là những VĐV đã đạt đến đẳng cấp thế giới. Nhưng khi hạng cân này bị xóa khỏi chương trình thi đấu Thế vận hội, cử tạ Việt Nam không còn ai đủ khả năng cạnh tranh huy chương ở ASIAD và Olympic nữa.

Có một sự thật không thể phủ nhận: Thành tích của thể thao Việt Nam hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của những cá nhân. Trong môn bơi, Huy Hoàng là người duy nhất có khả năng cạnh tranh huy chương Á vận hội. Hưng Nguyên, Quang Thuấn, Thúy Hiền và những VĐV khác vẫn cần nỗ lực rất nhiều mới có thể giành một vị trí trong top 3 châu Á như người đàn anh.

Điều tương tự cũng diễn ra ở môn điền kinh. Việt Nam không có VĐV nào đủ sức tranh huy chương khi Bùi Thị Thu Thảo, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền không còn ở thời kỳ đỉnh cao. Nếu chỉ tiếp tục dựa vào các cá nhân, thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn trên con đường tiến ra thế giới, nơi ASIAD trở thành hàng rào kiểm chứng trình độ.

Sai chỉ tiêu vì "công tác tình báo"

Trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thể thao đỉnh cao, thông tin luôn là nhân tố giúp đưa ra quyết định chính xác. Chỉ tiêu cho một bộ môn, một vận động viên phải được dựa trên thông số của VĐV đó và các đối thủ. So với trước đây, thông tin về thông số, thành tích các VĐV nước ngoài có thể được tìm thấy dễ hơn rất nhiều qua các trang thể thao thế giới.

Tuy nhiên, điểm yếu của thể thao Việt Nam là chưa thu thập nhiều và đầy đủ thông tin về đối thủ tại các kỳ Đại hội thể thao quốc tế. Ví dụ điển hình có thể được chứng kiến ở nội dung 1.500m tự do nam môn bơi. Ở hạng mục này, Nguyễn Huy Hoàng được kỳ vọng giành huy chương vàng nhưng anh chỉ về đích thứ tư chung cuộc.

Cuối tháng 10/2022, giải bơi vô địch quốc gia bể 25m (bể ngắn) của Trung Quốc xuất hiện một gương mặt rất nổi bật là Fei Li Wei. VĐV này có thông số rất tốt, cho thấy anh đủ sức giành HCV ngay cả khi chuyển sang bơi bể 50m (bể dài) tiêu chuẩn Olympic. Nhưng đến tháng 3 năm nay, Fei Li Wei không được đề cập đến trong danh sách những đối thủ có khả năng cạnh tranh huy chương với Huy Hoàng.

Đến tháng 5/2023, Fei tiếp tục giành HCV nội dung 1.500m tự do nam tại giải vô địch Trung Quốc. Anh đạt thông số rất ấn tượng, nhanh hơn kỷ lục cá nhân của Huy Hoàng tới 14 giây. Đến giải vô địch bơi thế giới tổ chức tại Nhật Bản trước thềm ASIAD 19, Fei tiếp tục có thành tích tốt hơn Huy Hoàng. Điều này vô tình khiến VĐV Việt Nam gặp nhiều áp lực và thi đấu không như kỳ vọng.

Nguồn: [Link nguồn]

“Thiên thần“ bóng chuyền nhận lỗi khi Hàn Quốc thua Việt Nam tại ASIAD

(Tin thể thao, tin ASIAD) Để thua đội tuyển Việt Nam dẫn tới việc không giành được huy chương ASIAD sau 17 năm, kết quả khiến bóng chuyền Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng thật sự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đơn Ca ([Tên nguồn])
Asiad 2023 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN