ASIAD: "Ao làng" phiên bản 2.0?
Bảng tổng sắp huy chương tại ASIAD 2014 ở Incheon (Hàn Quốc) là sự lặp lại gần như tương đối giống với ASIAD 2010 ở Quảng Châu (Trung Quốc) và ASIAD 2006 ở Doha (Qatar). Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc, ASIAD được coi là sân chơi số một châu lục theo đúng nghĩa chuyên môn.
Ba kỳ Á vận hội liên tiếp, tốp 3 không thay đổi: Trung Quốc đứng đầu, Hàn Quốc xếp thứ hai và Nhật Bản về ba. Tiệm cận nhóm thành tích cao là Kazakhstan, Iran, Thái Lan, Ấn Độ… Ở đấu trường Olympic, trật tự này cũng không thay đổi trong nhiều năm gần đây.
Điều đó khiến người hâm mộ chỉ nhìn vào bảng tổng sắp huy chương để đánh giá sự phát triển của các nền thể thao cảm thấy đó là thành tích rất thật, phản ánh đúng tiềm lực của nền thể thao của mỗi quốc gia. Nhưng, thực tế thi đấu chưa hẳn đã đúng như bảng tổng sắp đã được thống kê.
Có không ít sự cố diễn ra tại Asiad 17 dù thành phố Incheon được đánh giá cao về công tác tổ chức. Ảnh: Getty Images
Olympic là sân chơi tầm thế giới mà ở đó, những hạt sạn, nghi án về việc “mua” huy chương vàng, “phân chia” thế lực hoặc dùng “thủ đoạn” để đạt thành tích cao còn không tránh khỏi. Ở Olympic Bắc Kinh 2008, lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn của Việt Nam đã giành huy chương bạc mang tính lịch sử.
Nhưng cũng tại Thế vận hội ấy, đội cử tạ Bulgaria (vốn được coi như Brazil của môn bóng đá) đã bị tước quyền thi đấu vì bị phát hiện sử dụng doping trước ngày vào đại hội. Đấy mới là chuyện “mẹo đấu”, còn về độ khắc nghiệt trên phương diện chuyên môn thuần túy, Olympic là một cuộc sát hạch rất kỹ lưỡng. Bất cứ vận động viên nào, dù chỉ giành huy chương đồng thôi, cũng phải cảm thấy tự hào.
Nhưng ở ASIAD, cụ thể hơn là ASIAD 2014, việc phân chia huy chương, dù không lộ liễu, nhưng bất cứ nhà chuyên môn nào cũng có thể nhận thấy. Môn rowing, có nội dung chỉ quy tụ 5-6 đội, trong đó có khoảng 2-3 đội gần như không thể tranh chấp huy chương nên năng lực không mang tính thực chất. Môn bóng rổ, đội nữ Qatar bị xử thua Mông Cổ vì… các vận động viên không chịu bỏ khăn trùm đầu.
Môn cầu lông, sau khi thua Hàn Quốc ở nội dung đồng đội nam, huấn luyện viên Li Yongbo của Trung Quốc đổ tội họ bị xử ép vì… chủ nhà cố tình kiểm soát sức gió trong nhà thi đấu để gây bất lợi cho Trung Quốc. Tiếp đó là nghi án dàn xếp tỷ số môn bóng đá nam và 3 vận động viên Nepal mất tích bí ẩn…
Còn rất nhiều vấn đề khác nữa có thể nêu ra, nhưng với ngần ấy vụ việc, có thể nhận định, ASIAD chẳng khác nào SEA Games. Mà bấy lâu nay, SEA Games đã được mặc định công nhận là “ao làng” của đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Cứ thế mà suy luận, ASIAD hiện là “ao làng” của châu Á? Hiển nhiên không người hâm mộ nào muốn thế. Nhưng muốn nghĩ khác thì lại khó lắm, nếu dựa trên những gì mắt thấy, tai nghe.