ASIAD 18: “Không quá 150 triệu USD”

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh sẽ căn cứ vào những tính toán rất cụ thể, chi tiết của Ủy ban Olympic và Tổng cục TDTT để trả lời, thậm chí đưa ra cam kết kinh phí tổ chức ASIAD 18 không vượt quá 150 triệu USD nhằm thuyết phục Chính phủ giữ quyền đăng cai

Thời gian phiên giải trình của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) trước Chính phủ chưa được ấn định nhưng đây chắc chắn sẽ vô cùng quan trọng, có tính quyết định liệu Việt Nam có giữ quyền đăng cai Á vận hội (ASIAD) 18 - 2019 hay rút lui. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC) Hoàng Vĩnh Giang, cơ quan này và Tổng cục TDTT đang rà soát lại toàn bộ các công trình hiện có để phục vụ ASIAD 18, cũng như liệt kê đầy đủ các hạng mục phải xây mới nhằm cung cấp cho Bộ trưởng VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh cơ sở để giải tỏa lo lắng và thực hiện những báo cáo về các vấn đề Chính phủ yêu cầu.

Chưa đặt cọc nhưng…

Ông Hoàng Vĩnh Giang cho biết dù Việt Nam chưa đặt cọc kinh phí 1 triệu USD như quy định của Hội đồng Olympic châu Á (OCA) nhưng ràng buộc ở đây không phải là chuyện tiền mà là chữ ký của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh và lãnh đạo TP Hà Nội trong hợp đồng với OCA khi nhận lời đăng cai ASIAD 18.

“Tôi cho rằng uy tín và danh dự của Việt Nam lớn hơn 1 triệu, thậm chí 150 triệu USD. Không phải chưa đặt cọc là chúng ta có thể rút lui dễ dàng” - ông Giang khẳng định. Tại cuộc họp của OCA ở Kuwait cuối tháng 3 vừa qua, tổ chức này chưa bàn gì về vấn đề tổ chức ASIAD 18 của Việt Nam bởi mối quan tâm lúc này là đại hội 2014 tại Incheon - Hàn Quốc.

ASIAD 18: “Không quá 150 triệu USD” - 1

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh (trái) chụp ảnh lưu niệm với HCV cự ly 60 m Vũ Thị Hương tại Đại hội Thể thao trong nhà châu Á 2009 ở Hà NộiẢnh: Hải Anh

Nếu Việt Nam có ý định rút lui khỏi ASIAD 18, OCA sẽ thành lập một hội đồng để xem xét vấn đề này. Một chuyên gia trong ngành thể thao cho rằng hội đồng này có thể đưa ra những hình thức ràng buộc trách nhiệm như Việt Nam phải hỗ trợ kinh phí cho một quốc gia nhận quyền đăng cai thay. Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng  nếu không thể xã hội hóa như những gì Bộ VH-TT-DL dự tính thì phải rút lui càng sớm càng tốt.

Xã hội hóa: Mới hứa

Trong phiên giải trình của Bộ VH-TT-DL sắp tới trước Chính phủ, những con số mang tính “ước đoán” sẽ được cụ thể hóa bằng các công trình. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, cái khó hiện tại là các công trình cần đầu tư xây mới sẽ phải cam kết “chỉ dùng một phần nhỏ ngân sách, còn lại xã hội hóa” như đã trình bày trong các phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL trước đây.

Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, khẳng định: “Nếu không thể xã hội hóa thì Bộ Tài chính tính toán phải cần ít nhất 3.200 tỉ đồng cho xây dựng mới các công trình. Có thể nói câu hỏi có tính quyết định lúc này là có xã hội hóa được không”.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết có không ít nhà đầu tư đã hứa giúp đỡ Việt Nam xây dựng hạ tầng cho ASIAD 18 ngay từ khi chúng ta nhận quyền đăng cai. Tuy nhiên, cụ thể công trình nào xã hội hóa được bao nhiêu và điều kiện kêu gọi đầu tư nước ngoài để họ cam kết bằng hợp đồng hay văn bản lại cần phải làm việc và đàm phán rất nhiều với các đối tác.

Sẽ giải tỏa âu lo

Ông Hoàng Vĩnh Giang vẫn tự tin cho rằng con số 150 triệu USD để tổ chức ASIAD 18 là khả thi và chắc chắn làm được. “Tôi nghĩ ngành thể thao sẽ giải tỏa được những âu lo về kinh phí tổ chức trước Chính phủ. Bởi lẽ, nếu thực sự muốn tổ chức, Chính phủ đứng ra kêu gọi nhà đầu tư thì không thể nói là chúng ta không xã hội hóa được các công trình còn thiếu. Doanh nghiệp Việt và các nhà đầu tư nước ngoài đều có khả năng và họ hiểu được lợi gì nếu đầu tư cho một sự kiện mang tầm vóc lịch sử như ASIAD” - ông Giang nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Ngọc (nld.com.vn)
Việt Nam và chuyện đăng cai ASIAD 18 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN