ASIAD 18: Đừng để dân lo âu như thủy điện
Gần tròn tháng từ ngày Hội đồng Olympic châu Á công bố Hà Nội giành quyền đăng cai Asiad 18 năm 2019, UBND TP Hà Nội đã có những chỉ đạo đầu tiên chuẩn bị cho sự kiện này.
Trao đổi bên lề với chúng tôi tại phiên họp HĐND TP Hà Nội hôm qua 4-12, ông Nguyễn Tùng Lâm - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội, đại biểu HĐND TP Hà Nội - cho rằng việc đăng cai Asiad sẽ là niềm vinh dự đối với những đất nước đủ điều kiện. Nhưng với thủ đô Hà Nội, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, hàng nghìn doanh nghiệp giải thể, thua lỗ, đại biểu Lâm đặt ra ba vấn đề:
1 VN đã đủ lực để đăng cai Asiad chưa? Thông tin chúng tôi biết thì việc tranh quyền đăng cai Asiad 18 chỉ có hai thủ đô của hai nước. Tôi băn khoăn ở chỗ tại sao rất nhiều nước có tiềm lực kinh tế lại không tham gia giành vinh dự này. Có lẽ họ cũng có tính toán rất thực tế trước khi quyết định không tham gia giành quyền đăng cai. Người ta đã tính kỹ mới đi đến quyết định. Còn mình, nếu chưa tính kỹ, bây giờ phải chữa thế nào cho hợp lý, giảm thiểu nhất những khó khăn cho thế hệ sau này.
2 Đã giành quyền đăng cai, vấn đề cần phải đặt ra lúc này là ban chỉ đạo Asiad phải tính toán rất kỹ việc đầu tư. Tính toán ở đây là nhằm đến hiệu quả của các công trình phục vụ Asiad và hậu Asiad. Hãy nhìn bài học của Hi Lạp, một đất nước cũng đăng cai Olympic, và đến giờ có lẽ ai cũng thấy đây là đất nước có nợ công lớn nhất, những công trình Olympic của họ sử dụng không hiệu quả. Tôi muốn nói việc tính toán đầu tư các công trình cho Asiad phải nhìn nhận cả đường tiến đường lùi, đừng để sau Asiad rồi thì cả loạt công trình bỏ không cho mốc meo, hoang hóa. Rồi cũng đừng để đến lúc đó lại tái diễn cảnh “người nọ đổ cho người kia”.
3 Theo tôi, để tổ chức được Asiad, bản thân chúng ta chưa đủ nguồn lực, phải đi vay mà làm. Vì vậy, tôi muốn cảnh báo để những ngành trực tiếp làm, những người trực tiếp làm có trách nhiệm với thế hệ sau. Tôi lo là cái tư duy quản lý theo nhiệm kỳ có thể dẫn tới thực tế người ta làm cái phần của người ta lúc đương nhiệm mà ít quan tâm đến phần của những người đi sau. Vì thế, bài toán đầu tư lâu dài phải được thẳng thắn nhìn nhận, phải chấp nhận phản biện và chịu để phản biện. Để rồi có một phương án tối ưu nhất, tức là làm sao để “cưỡi hổ” cho an toàn.
Tôi chỉ muốn những người đã tham gia quyết đăng cai Asiad cần nói rõ với người dân. Cần tính toán kỹ về nguồn vốn và đã làm các công trình cho Asiad thì phải đảm bảo là làm thật, làm cho có chất lượng. Ngoài ra, phải có phương án hậu Asiad ngay từ khi làm. Ít nhất là thiết kế các công trình còn có thể sử dụng vào các mục đích hữu hiệu khác, đừng như khu thể thao Mỹ Đình giờ đang lúng túng không biết khai thác thế nào cho hiệu quả. Để không lãng phí, cần phải tính toán với trách nhiệm rất cao. Đừng để câu chuyện Asiad giống như câu chuyện, bài học của thủy điện. Như thủy điện hiện nay, đầu tư nhiều rồi để người dân phải canh cánh lo âu.