ASIAD 17: Cơ hội nào cho cầu lông Việt Nam?
Tại ASIAD 2014, Việt Nam có 5 VĐV tranh tài môn cầu lông là Nguyễn Tiến Minh, Phạm Cao Cường, Đỗ Tuấn Đức, Vũ Thị Trang và Lê Thu Huyền, dù vậy cơ hội để các tay vợt Việt Nam làm nên điều bất ngờ là không cao.
1. Trong số 5 tay vợt nêu trên, Tiến Minh được mong chờ nhiều nhất. Song, khả năng thành công của tay vợt hạng 24 thế giới tại sân chơi ASIAD vẫn là một dấu hỏi lớn.
Tính đến thời điểm này của năm 2014, Tiến Minh đã trải qua 2/3 chặng đường chỉ với 1 danh hiệu – vô địch Giải cầu lông Mỹ mở rộng – giải đấu thuộc hệ thống Grand Prix của BWF, thành tích có thể xem tạm chấp nhận được với một tay vợt tuổi băm như Tiến Minh.
Tiến Minh gục ngã trước Lin Dan – tay vợt hàng đầu thế giới của nước chủ nhà tại ASIAD 16. Ảnh Huy Tường
Riêng về các giải thuộc hệ thống Super Series, Super Series Premier, Giải VĐ châu Á hay Giải VĐTG, Tiến Minh thường dừng bước rất sớm. Như vậy cơ hội thành công của Tiến Minh tại ASIAD 2014 – sân chơi có trình độ và đẳng cấp tương đương là không nhiều.
Ở tuổi 32 không cho phép anh duy trì một thể lực và phong độ ổn định qua từng giải đấu và đã khiến tay vợt số 1 Việt Nam không thể duy trì sự bền bỉ cho những trận đấu căng thẳng kéo dài đến 3 ván.
Không những thế, trong thời gian gần đây, Tiến Minh thường thua trước các tay vợt trẻ có thể hình tốt, lối đánh thiên về thể lực qua 2 thất bại gần nhất tại vòng 3 Giải VĐTG (cuối tháng 8) và bán kết Giải cầu lông Việt Nam mở rộng (đầu tháng 9).
Bên cạnh đó, việc đang xếp hạng 23 thế giới cũng là một bất lợi cho Tiến Minh tại ASIAD 2014. Với vị trí này, anh sẽ không được xếp hạt giống và sẽ rơi vào một nhánh đấu khó. Có lẽ, điều mà người hâm mộ cầu lông Việt Nam mong chờ Tiến Minh vào thời điểm này chính là tinh thần, nhiệt huyết thi đấu, và thể hiện hết khả năng tại kỳ đại hội sắp tới.
2. Cuối tháng 8 và đầu tháng 9 là khoảng thời gian thi đấu rất thành công của tay vợt nữ số 1 Việt Nam Vũ Thị Trang khi lần đầu tiên lọt vào vòng 3 Giải VĐTG cũng như bán kết Giải cầu lông Việt Nam mở rộng.
Thành công nối tiếp tin vui khi tay vợt Bắc Giang lần đầu tiên vươn lên hạng 75 thế giới. Thế nên, Trang được kỳ vọng sẽ làm được “điều gì đó” tại ASIAD 2014. Thế nhưng, để thi đấu thành công tại Đại hội thể thao châu Á sắp tới là điều rất khó và cơ hội tiến sâu của Trang cũng không nhiều.
Cô đã lọt đến vòng 3 Giải VĐTG nhưng một phần nhờ vào yếu tố may mắn (đối thủ bỏ cuộc ở vòng 2). Sau đó, lần đầu tiên cô lọt vào bán kết Giải Việt Nam mở rộng nhờ chính thực lực bản thân nhưng rõ ràng, trình độ và đẳng cấp giữa các tay vợt tham dự tại Giải Việt Nam mở rộng (hệ thống Grand Prix) và ASIAD 2014 hoàn toàn khác nhau.
Tay vợt Vũ Thị Trang hy vọng có được kỳ tranh tài đáng nhớ tại Incheon
Không phủ nhận Trang rất tiến bộ trong thời gian gần đây. Tay vợt sinh năm 1992 này có thể lực và tâm lý thi đấu khá tốt nhưng lối đánh của Trang vẫn thiếu phần sắc sảo và biến hóa, nếu gặp phải những tay vợt có lối chơi biến ảo và sáng tạo, Trang thường dễ bại trận. Điều này đã được minh chứng tại Giải Việt Nam mở rộng 2014.
Trang vượt qua các hạt giống hàng đầu để lọt vào bán kết nhờ lối chơi cần cù và sức bền cực tốt. Nhưng khi đối đầu với một tay vợt có lối đánh đầy sáng tạo như Okuhara (Nhật Bản), Trang lại để thua dễ dàng dù trình độ và thứ hạng của đối thủ không nhỉnh hơn là mấy.
Cao Cường được kỳ vọng sẽ thay thế vị trí của Tiến Minh trong tương lai dù rất tiến bộ trong thời gian gần đây nhưng tại các giải đấu vừa qua, phong độ của anh khá phập phù và tâm lý cũng chưa vững vàng.
Có những lúc Cường chơi thăng hoa trước các tay mạnh nhưng lại thua dễ dàng trước những đối thủ yếu hơn, như thất bại trước tay vợt kém mình đến 700 bậc tại vòng 1 Giải Việt Nam mở rộng vừa rồi. Và sân chơi ASIAD 2014 là cơ hội để Cao Cường học hỏi và dần dần hoàn thiện mình.
Tuấn Đức/Thu Huyền là đôi nam nữ trẻ hay nhất Việt Nam. Nhưng cũng giống như Cao Cường, Đức và Huyền đến Incheon lần này chỉ để tích lũy kinh nghiệm còn khả năng làm nên điều bất ngờ là không thể.