"Ao làng" Đông Nam Á tranh tài ở Olympic, chọn môn nào để đua HCV?

(Tin thể thao, Tin Olympic Tokyo) - Những gì thể hiện ở Olympic cho thấy thể thao Đông Nam Á vẫn còn khoảng cách xa ở đấu trường lớn nhất thế giới. Tại đấy, đoàn thể thao Việt Nam đã trắng tay năm nay, trong khi Philippines, Indonesia, Thái Lan có HCV nhờ môn thế mạnh của mình.

  

Olympic Tokyo với nhiều điều chưa từng có trong lịch sử đã chứng kiến những dấu ấn khó quên của các đoàn thể thao. Hãy theo dõi những câu chuyện nóng ở Thế vận hội năm nay qua loạt bài của chúng tôi nhìn lại cuộc đua của một số đoàn thể thao ở giải năm nay, bắt đầu từ ngày 10/8.

Đô cử Hidilyn Diaz mang về HCV lịch sử cho đoàn Philippines ở Olympic Tokyo 2020

Khác biệt đẳng cấp Olympic

Thái Lan chính là niềm tự hào của thể thao Đông Nam Á tại Olympic Rio 2016, với 6 huy chương các loại, chia đều Vàng, Bạc, Đồng. Tham dự Olympic Tokyo 2020, Thái Lan thừa thắng xông lên, mang theo tới 42 vận động viên, đông nhất trong số các nước Đông Nam Á. Thế nhưng số huy chương họ mang về lại giảm đi tới 3 lần: 1 HCV Taekwondo nữ và 1 HCĐ Boxing nữ.

Hidilyn Diaz giúp Philippines có HCV đầu tiên trong lịch sử tham dự các kỳ Thế vận hội

Hidilyn Diaz giúp Philippines có HCV đầu tiên trong lịch sử tham dự các kỳ Thế vận hội

Đấy chính là chi tiết chứng minh cho sự khắc nghiệt của đấu trường Olympic, đặc biệt là với một nền thể thao vẫn đang phát triển như ở khu vực Đông Nam Á.

Tại Olympic Tokyo 2020, mọi chỉ số thành tích của thể thao Đông Nam Á đều sụt giảm so với 5 năm trước đó. Kết thúc giải năm nay, Đông Nam Á chỉ có 3 HCV (trên tổng số 13 huy chương), so với 5 HCV (trên tổng số 18 huy chương) ở Olympic Rio 2016.

Thống kê cho thấy, thể thao Đông Nam Á chưa khi nào giành được quá 5 HCV trong lịch sử Olympic và thường chỉ đạt tổng 2-3 HCV.

Ở các Olympic năm 1992, 1996 và 2000, thành tích các nước Đông Nam Á có tổng là 2 HCV mỗi kỳ. Olympic năm 2004 có 4 HCV, còn năm 2008 là 3 chiếc.

Olympic 2012 là kỳ thất bại nhất khi không quốc gia Đông Nam Á nào giành được HCV. Trong khi Olympic năm 2016 lại là kỳ đại hội thành công nhất, trong đó đoàn Việt Nam có tấm HCV bắn súng lịch sử của Hoàng Xuân Vinh.

Đối với riêng thể thao Việt Nam, việc không có được tấm huy chương nào ở Olympic Tokyo 2020, sau khi đã có 2 lần lên bục nhận giải ở Olympic Rio 2016, có thể coi là một nỗi thất vọng về thành tích.

Sự đi xuống về phong độ và ảnh hưởng tuổi tác của những VĐV như Thạch Kim Tuấn, Nguyễn Thị Ánh Viên, hay chuyện "lão tướng" Nguyễn Tiến Minh ở tuổi 38 vẫn đi thi, cho thấy thể thao Việt Nam chưa có lứa VĐV tiếp nối đủ tầm để tranh tài ở Olympic.

Đối với thể thao Việt Nam và nhiều nền thể thao khác ở Đông Nam Á, SEA Games hay ở tâm cao hơn là Asian Games là những đấu trường vừa tầm để mơ đến thành tích, còn Olympic vẫn là giấc mơ xa với rất nhiều vận động viên ở khu vực từng được ví von là "ao làng" của thể thao thế giới.

Nếu SEA Games chỉ là cuộc chơi của 11 nước trong khu vực, hay ASIAD có sự tham dự của hơn 40 đoàn thể thao toàn châu Á thì Olympic là đấu trường khắc nghiệt nhất, nơi quy tụ những VĐV hàng đầu đến từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Gần như không thể dự đoán thành tích ở Olympic dựa trên gì các VĐV khu vực Đông Nam Á thể hiện ở SEA Games.

Những quốc gia Đông Nam Á có thành tích hàng đầu ở Olympic như Thái Lan, Philippines, Indonesia, đang tỏ ra không còn mặn mà với SEA Games.

Nên biết, tại kỳ SEA Games gần nhất vào năm 2019, Việt Nam đứng thứ 2 toàn đoàn với 98 HCV (sau chủ nhà Philippines với 149 HCV), còn Thái Lan kém Việt Nam đến 6 HCV. Thế nhưng xét ở 2 kỳ Olympic 2016 và 2020, số lượng huy chương của Việt Nam (2 huy chương) chỉ đứng thứ 5 Đông Nam Á, sau Thái Lan (8), Indonesia (8), Malaysia (7) và Philippines (5).

Đầu tư môn nào để cạnh tranh HCV?

Biết thế mạnh của mình để dồn lực đầu tư ở một số nội dung các VĐV thế giới không có quá nhiều ứng viên nặng ký và đặt ra tham vọng lớn, đấy chính là những gì thể thao Thái Lan, Philippines, Indonesia đang làm trong vài năm trở lại đây.

Mục tiêu của họ là cạnh tranh một số môn phù hợp ở Olympic, nơi mà các VĐV Đông Nam Á nói chung phần nào thua kém các đối thủ ở các cường quốc thể thao như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Úc... về thể trạng, dinh dưỡng và cả tâm lý thi đấu.

Tay vợt Nguyễn Thùy Linh là gương mặt ấn tượng của thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020

Tay vợt Nguyễn Thùy Linh là gương mặt ấn tượng của thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020

Tuy nhiên, người Đông Nam Á bù lại có sự khéo léo, nhẫn nại cùng tinh thần chiến đấu. Cầu lông, Boxing, các hạng cân nhẹ của võ là những môn có thể coi là thế mạnh của các VĐV Đông Nam Á.

Có thể thấy, các võ sĩ Boxing của Thái Lan, Philippines đủ sức so tài ngang ngửa với các võ sĩ mạnh đến từ Cuba hay Mỹ ở các hạng cân nhẹ. Hoặc các tay vợt Indonesia và Malaysia thuộc nhóm hàng đầu thế giới trong môn cầu lông, không kém so với các tay vợt Trung Quốc.

Một ví dụ khác về việc đầu tư có trọng điểm là môn Taekwondo của Thái Lan. Mãi đến đầu thập niên 1990, Thái Lan mới bắt tay vào phát triển Taekwondo (còn đi sau Việt Nam ở môn võ này), trên nền tảng là những võ sỹ trưởng thành từ Kick-boxing. Vậy mà từ Olympic Athens 2004 đến nay, kỳ đại hội nào Thái Lan cũng có huy chương Taekwondo. Đỉnh điểm là hành trình bất bại của nữ võ sĩ số một thế giới Panipak Wongpattanakit ở hạng 49 kg tại Olympic Tokyo.

Trong khi đó, niềm cảm hứng Manny Pacquiao là ánh sáng dẫn lối cho nhiều thế hệ VĐV Boxing của Philippines. Tại Olympic Tokyo, Philippines mang theo 4 võ sĩ Boxing và 3 trong số đó giành được huy chương. Chặng đường phát triển của nền Boxing Philippines không thể thiếu những HLV hay chuyên gia ngoại.

Còn với thể thao Việt Nam, nếu muốn cạnh tranh ở Olympic, chúng ta sẽ có nhiều việc phải làm, nhìn lại chính mình để hướng tầm nhìn đi xa hơn, không chỉ là Olympic 2024 mà cả ở 2028. Với nguồn lực còn hạn chế, việc chọn những môn nào phù hợp để tranh tài ở tầm thế giới sẽ là câu chuyện còn được "mổ xẻ" nhiều của thể thao Việt Nam.

Với thể hình, sức mạnh hạn chế, thể thao Việt Nam có lẽ chỉ nên tập trung đầu tư mạnh vào những hạng cân nhẹ của cử tạ, Taekwondo, bắn súng, bắn cung. Ngoài ra, mức ưu tiên cần được nâng dần từ SEA Games lên ASIAD, làm bước đệm để tiến lên Olympic.

So sánh thành tích của các nước Đông Nam Á tại Olympic 2020 và 2016

"Ao làng" Đông Nam Á tranh tài ở Olympic, chọn môn nào để đua HCV? - 3

* Thể thao Việt Nam liệu có cơ hội cạnh tranh huy chương ở Olympic, các chuyên gia nói gì về câu chuyện này? Mời các bạn đón đọc bài tiếp theo vào 6h sáng thứ Sáu 13/8.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ vượt Trung Quốc ”phút 89” chiếm ngôi bá chủ Olympic: Run rẩy lo vị thế số 1

(Tin thể thao - Tin Olympic Tokyo) Dù vẫn duy trì ngôi số 1 toàn đoàn, ngôi vị độc tôn của thể thao Mỹ đã lung lay dữ dội...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Đức ([Tên nguồn])
Olympic mùa hè Paris 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN