Ánh Viên sẽ tập huấn ở Mỹ dài hạn
VĐV Ánh Viên sẽ được Tổng cục TDTT và ngành thể thao ưu ái.
Ở thời điểm bóng đá không đạt được kỳ vọng thành tích thì thể thao đỉnh cao lại nổi lên với những chiếc huy chương của bơi lội, thể dục dụng cụ. Tấm HCB cự ly 200m ngửa nữ (2’12"47) và HCĐ 400m ngửa (4’48"23) tại giải vô địch châu Á 2012 vừa qua là chiến công lịch sử Ánh Viên đã mang về cho làng bơi nước nhà. Ông Vương Bích Thắng đã hé lộ về những kế hoạch sắp tới đối với nữ kình ngư này.
* Phóng viên: Ông có thể đánh giá thành tích của Nguyễn Thị Ánh Viên và đội bơi Việt Nam đã dự giải vô địch châu Á 2012 vừa qua?
* Ông VƯƠNG BÍCH THẮNG: Thành tích của Ánh Viên vừa rồi nằm trong dự tính của ban huấn luyện. Thành tích này tạo ra một niềm tin rằng bơi Việt Nam vẫn có những VĐV vươn tới được đẳng cấp châu Á và với niềm tin như vậy, Tổng cục TDTT và ngành thể thao sẽ có thêm những đầu tư nhiều hơn.
* Ánh Viên đã có thời gian tập huấn tại Mỹ, tới đây kế hoạch tập huấn của VĐV này như thế nào?
* Ánh Viên đã di chuyển về Mỹ ngay sau khi kết thúc giải vô địch châu Á và tới tết mới trở về Việt Nam. Sau đó, Ánh Viên vẫn tiếp tục tập huấn tại Mỹ theo kế hoạch của Hiệp hội thể thao dưới nước và Tổng cục TDTT. Thực ra mục tiêu đào tạo với Ánh Viên là để cho Olympic 2016 và Asiad 17 nên sẽ tiếp tục tập dài hạn.
* Cũng dự giải châu Á nhưng thông số của Hoàng Quý Phước không được tốt so với chính thành tích cá nhân của VĐV này. Liệu có phải do tập huấn chưa đạt được như mong muốn?
* Đánh giá thành tích của VĐV có rất nhiều yếu tố. Mỗi VĐV đều có 1 giới hạn của mình. Trong quá trình tập luyện, mỗi VĐV luôn phải phấn đấu và luôn có phương pháp để vượt được ngưỡng của mình. Đối với Quý Phước, thành tích của VĐV này hiện vẫn trong quy hoạch của thể thao Việt Nam đồng thời đang nằm ở tốp đầu Đông Nam Á. Còn để vươn đến huy chương châu Á thì cần rất nhiều điều kiện khác mới đạt được.
Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên sẽ được đầu tư nhiều hơn
* Năm sau diễn ra SEA Games 27 và năm kế tiếp sẽ là Asiad 17. Ở trường hợp cụ thể Ánh Viên, liệu chúng ta có làm như một số quốc gia trong khu vực đã từng thực hiện là để VĐV trọng điểm không dự SEA Games nhằm chuẩn bị tốt nhất cho đấu trường lớn hơn là Asiad hoặc Olympic?
* Thực ra, một VĐV trong quá trình tập luyện thì bên cạnh tập luyện phải có thi đấu. Tất nhiên thi đấu là liệu pháp hợp lý và càng được thi đấu nhiều càng có lợi và theo tính toán khoa học. Nếu VĐV không thi đấu thì tâm lý sẽ bị ảnh hưởng và không quen với áp lực. Kế hoạch cho Ánh Viên, vẫn tham gia những giải đại hội quan trọng vì thế chúng tôi dự kiến tiếp tục để VĐV dự SEA Games và thậm chí cả Olympic trẻ châu Á, Olympic trẻ thế giới trong các năm tới. Ngoài ra, Viên được tham gia những cuộc thi đấu trong quá trình tập huấn ở Mỹ.
* Còn Quý Phước thì sao?
* Kế hoạch của Quý Phước hiện nay vẫn hướng tới là tập huấn ở Trung Quốc. Chúng tôi tiếp tục có bàn bạc thêm với Đà Nẵng trong thời gian tới. Ngoài ra còn có Duy Khôi cũng được đi tập huấn dài hạn và cùng với đơn vị TPHCM, chúng tôi hướng trước mắt cho VĐV này tập huấn Trung Quốc.
Kể cả tập huấn và thi đấu ở Mỹ, chi phí cho 1 VĐV, cụ thể là Ánh Viên (bao gồm cả thuê chuyên gia và HLV nội) khoảng hơn 100.000 USD/năm. Trong đó, địa phương chịu một nửa và Tổng cục TDTT chịu một nửa.