Ánh Viên gánh trọng trách 10 HCV
Nếu SEA Games 28 Ánh Viên mang về cho thể thao Việt Nam tám HCV trong 12 nội dung tham dự thì lần này kình ngư số một Việt Nam được đặt kỳ vọng cao hơn.
Đang sở hữu tám chiếc HCV SEA Games cùng tám kỷ lục đại hội, kình ngư Ánh Viên được đoàn thể thao Việt Nam giao trọng trách giành 10 HCV tại SEA Games 29. Cơ sở nào để thầy trò Đặng Anh Tuấn hoàn thành mức chỉ tiêu đấy?
Sau hai năm khổ luyện tại Mỹ, Ánh Viên được kỳ vọng sẽ tiếp tục có một kỳ SEA Games bùng nổ trên đất Malaysia. Ảnh: CMQ
Không phải ngẫu nhiên trọng trách 10 HCV, tức bằng số lượng huy chương bộ môn bơi Việt Nam giành được tại Singapore hai măm trước, được đặt lên vai Ánh Viên mà không có cơ sở. Nhất là tại giải vô địch thế giới vừa qua tại Hungary, các thông số bơi của Ánh Viên đều dưới phong độ và không lập lại được thông số như thành tích đã lập.
Lý giải về vấn đề gây nghi ngại nêu trên, HLV Đặng Anh Tuấn nói điểm rơi của Ánh Viên không phải ở giải vô địch thế giới mà là SEA Games 29 mới bùng nổ. Hầu hết chuyên gia bơi lội khi được hỏi cũng cùng chung nhận định với HLV Đặng Anh Tuấn. Ông Tuấn cũng thừa nhận hai năm trước, sau khi tỏa sáng tại Singapore Ánh Viên mới gây tiếng vang tại giải thế giới - lọt vào chung kết 200 m hỗn hợp. Trong khi đó năm nay giải thế giới tổ chức trước thềm SEA Games, cũng ít nhiều gây khó cho thầy trò Ánh Viên trong việc hoàn thành khối lượng giáo án. Thế nên cả thầy lẫn trò xác định dự giải thế giới với mục đích chính chỉ để kiểm tra thông số.
Cho đến thời điểm này, mục tiêu đoạt 10 HCV không được HLV Đặng Anh Tuấn tiết lộ cụ thể, phần tránh gây áp lực lên học trò, phần không để các đối thủ biết tường tận đường đi nước bước, ảnh hưởng đến mục tiêu chung. Tuy nhiên, từ thành tích năm 2015 có thể liệt kê những nội dung mà Ánh Viên sẽ chinh phục đường đua xanh SEA Games 2017.
Ngoài các cự ly đã từng giúp Ánh Viên tám lần lên ngôi vô địch SEA Games 28 gồm 800 m tự do, 400 m hỗn hợp, 200 m ngửa, 200 m hỗn hợp, 200 m bướm, 200 m tự do, 200 m ếch và 400 m tự do, có thêm hai cự ly đáng chú ý là 100 m tự do và cự ly dài 1.500 m tự do.
Ở cự ly 100 m tự do hai năm trước Ánh Viên đoạt HCB. Thành tích của cô đạt 56”05, chỉ kém VĐV Singapore Quah Ting Wen 0,12% giây nên hứa hẹn sẽ bùng nổ để chiếm ngôi đầu.
Riêng cự ly bơi dài 1.500 m tự do, Ánh Viên đã có những tiến bộ vượt bậc. Cụ thể trong năm qua, kình ngư miền sông nước xuất sắc phá sâu kỷ lục tại các đấu trường bơi lội Mỹ.
Nếu tại giải bơi lội Grand Prix diễn ra tại Chartole (Mỹ) năm 2014, Ánh Viên mất 16’46”42 thì tháng 5 vừa qua cô đã rút ngắn thành tích xuống 18 giây, đạt kết quả 16’28”18, giành HCB giải bơi Arena Pro Swim Series diễn ra tại Atlanta (Mỹ).
Tại SEA Games 29, môn bơi có tổng cộng 38 bộ huy chương cá nhân và tiếp sức nam, nữ. Ngoài Ánh Viên đặt mục tiêu giành 10 HCV, bơi lội Singapore với các hạt nhân Joseph Shooling, Quah Ting Wen, Quah Zheng Wen, Li Tao… cũng đặt mục tiêu giành 25-30 HCV.
Liệu những VĐV gạo cội đặt chỉ tiêu thâu tóm huy chương như thế thì các quốc gia còn lại và các VĐV khác không còn cửa nhận HCV?
Top 5 xuất sắc nhất SEA Games 28 sẽ ra sao? Hai năm trước tờ The New Paper - đối tác truyền thông của ban tổ chức SEA Games 28 tại Singapore đã bình chọn Top 5 ngôi sao xuất sắc nhất SEA Games 28. Theo đó, năm ngôi sao xuất sắc nhất là Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi, Việt Nam), Joseph Schooling (bơi, Singapore), Suthasini Sawettabut (bóng bàn, Thái Lan), Chanathip Songkrasin (bóng đá, Thái Lan) và đội bóng Rugby (Philippines). Trong top 5 này hai VĐV được chú ý nhất là Ánh Viên và Joseph Schooling đều ở môn bơi. Nếu Ánh Viên có được tám HCV, một HCB và một HCĐ ở 12 nội dung mà cô tham dự thì Joseph Schooling giành tuyệt đối chín HCV trong chín nội dung tham dự (sáu HCV cá nhân và ba HCV đồng đội), đồng thời phá chín kỷ lục SEA Games và một kỷ lục châu Á. Năm nay mọi chú ý lại nhìn về đôi bơi lội một của Việt Nam và một của Singapore, trong đó tay bơi Singapore được chú ý nhiều hơn nhờ có HCV Olympic sau khi đánh bại tay bơi huyền thoại Michael Phelps của Mỹ. |