Ánh Viên bơi ở biển lớn: Nhìn các nữ siêu kình ngư (Kỳ 2)
Nguyễn Thị Ánh Viên nổi như cồn sau SEA Games 28 nhờ chiến công đoạt 8 HCV và 8 lần phá kỷ lục SEA Games. Nhưng để có được những thành công ấy, cô đã phải khổ luyện và hy sinh rất nhiều những thú vui đời thường. Không được đi chơi, không có bạn trai, không biết cả tiêu tiền, hay thoải mái dùng mạng xã hội…
Từ ngày 2/8 tới đây, Nguyễn Thị Ánh Viên sẽ tham dự giải Bơi vô địch thế giới tại Kazan, Nga. Trước cuộc tranh tài của kình ngư Việt Nam với các đối thủ hàng đầu thế giới, chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc tuyến bài về Ánh Viên, bắt đầu từ ngày 27 đến 31/7! Xem các kỳ khác của loạt bài về Ánh Viên tại đây: |
Khắc khổ mới nên công
Cách quê hương Ánh Viên cả ngàn dặm đường, một VĐV khác cũng đã trải qua một cuộc sống tương tự. Ye Shiwen (Trung Quốc), một hiện tượng ở Olympic 2012, đã trải qua một tuổi thơ đầy khắc nghiệt để giành lấy những vinh quang thể thao.
Ở tuổi 16, Ye Shiwen đánh bại những đối thủ già dặn hơn mình để đoạt 2 HCV tại Olympic London. Cô thi đấu với một ngọn lửa nhiệt huyết và bước vào mỗi cuộc đua với tham vọng chiến thắng luôn bùng cháy. Tính hiếu thắng của Ye đã có từ ngày bé khi cô luôn đòi bạn trong đội phải đấu lại với mình mỗi lần cô thất bại trên đường bơi.
Ye Shiwen giống một cậu con trai thời niên thiếu
Nhưng đằng sau sự khao khát chiến thắng là mặt mềm yếu, dễ tổn thương của cô gái sinh năm 1996. Ít lâu sau thành công của Ye Shiwen ở Olympic 2012, cha mẹ cô tiết lộ rằng con gái họ luôn bật khóc khi gọi điện về nhà. Hơn nữa, việc tập luyện thể thao để có sức mạnh đã khiến cô bị coi như “dị nhân” trong mắt các cô gái đồng trang lứa.
“Rất nhiều lần cháu nó đã bị đuổi ra khỏi phòng thay đồ nữ giới vì bị nhầm là nam. Cháu thích để tóc ngắn để đỡ vướng khi đội mũ bơi, nhưng cũng vì vậy mà nhiều người nhận nhầm”, cha của Ye Shiwen nói.
Từ năm 6 tuổi, Ye Shiwen đã được đưa khỏi trường tiểu học để tham gia vào một chương trình đào tạo VĐV thể thao đặc biệt. Cô bé bị yêu cầu phải từ bỏ một chiếc điện thoại di động nhỏ xinh mà bố mẹ mua tặng và chỉ được dùng máy cố định gọi về nhà vào các ngày Chủ nhật. Cô phải đi tập huấn xa ở những vùng núi cao để rèn thể lực. Cha mẹ cô sống trong một căn hộ chật chội ở Hàng Châu, kỷ vật duy nhất gợi nhớ họ về sự tồn tại của cô con gái là một bộ tranh dán các nhân vật hoạt hình.
Giây phút đoạt HCV tại Olympic 2012 của Ye Shiwen
Ở nội dung 400m hỗn hợp, Ye Shiwen đã đoạt HCV tại Olympic 2012 với kỷ lục thế giới 4 phút 28 giây 43. 50m cuối cùng của cô ở chung kết nội dung chỉ mất 28.93 giây, khiến dư luận quốc tế hết sức nghi ngờ rằng cô đã dùng doping bởi cũng ở cùng nội dung thi đấu, nam kình ngư Ryan Lochte 50m cuối cũng chỉ đạt 29.10 giây. Tuy nhiên Ye Shiwen vượt qua được cuộc kiểm tra doping và được công nhận chiếc HCV lẫn kỷ lục đáng nhớ của mình.
Kỷ luật sắt
Nguyễn Thị Ánh Viên được báo giới Singapore thán phục gọi là “Cô gái thép” do cô đăng ký dự tranh toàn bộ các nội dung bơi của nữ tại SEA Games 28. Họ đặt cho cô biệt danh ấy từ niềm cảm hứng có tên Katinka Hosszu, người được xưng tụng là “Người đàn bà sắt”.
Sau khi Olympic 2012 diễn ra, Hosszu đi từ chỗ ngôi sao trở thành siêu sao. Cô chinh phục gần như toàn bộ các nội dung có thể ở giải vô địch Thế giới FINA 2013 và đoạt 3 HCV, khiến dư luận bắt đầu đặt cho cô biệt danh trên. Danh tiếng của nữ VĐV người Hungary lan tới Singapore, nơi tổ chức giải VĐTG năm 2014, khi Hosszu dự tranh ở 6 nội dung (trên tổng số 9) và đoạt 4 HCV.
Hosszu được gọi là "người đàn bà sắt" vì cô luôn dự tranh nhiều nội dung ở các giải đấu
Hosszu đã đoạt tới 51 HCV bơi lội khác nhau, một kỷ lục thế giới. Con số đó thậm chí vẫn chưa dừng lại bởi Hosszu sẽ còn thi đấu ít nhất tới tận 2017. Những chiến thắng của Hosszu đã khiến cô trở thành kình ngư đầu tiên trong lịch sử kiếm được 1 triệu USD tiền thưởng. Nếu những kình ngư nổi tiếng như Michael Phelps hay Ian Thorpe đều đã làm giàu nhờ hợp đồng tài trợ và quảng cáo, Hosszu làm giàu chỉ bằng những màn chinh phục đường đua xanh của cô.
Nếu như Ye Shiwen luôn ở trạng thái tập luyện để chuẩn bị thi đấu, Katinka Hosszu có một đời sống rất bận rộn ngoài bơi lội. Cô làm người mẫu ảnh cho các tạp chí, dự các show truyền hình và gặp gỡ các nhà tài trợ. “Tính kỷ luật và đúng giờ là ưu tiên hàng đầu”, Hosszu trả lời phỏng vấn cho website Swimswam về bí quyết thành công, “Không những thế, một VĐV giỏi còn phải chinh phục những buổi tập, chứ không phải đợi tới lúc thi đấu mới thể hiện hết mình”.
Video Ye Shiwen phá kỷ lục thế giới ở nội dung 400m hỗn hợp tại Olympic 2012 (Đây cũng là một trong những nội dung sở trường của Ánh Viên):