Ánh Viên bơi ở biển lớn: Ăn là nhiệm vụ (Kỳ 3)
Có người nói: “Thành công trong thể thao gồm 30% chế độ tập luyện, 70% còn lại là chế độ dinh dưỡng”. Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề dinh dưỡng trong thể thao trở thành yếu tố quyết định sự thành công của VĐV và với Ánh Viên cũng vậy.
Từ ngày 2/8 tới đây, Nguyễn Thị Ánh Viên sẽ tham dự giải Bơi vô địch thế giới tại Kazan, Nga. Trước cuộc tranh tài của kình ngư Việt Nam với các đối thủ hàng đầu thế giới, chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc tuyến bài về Ánh Viên, bắt đầu từ ngày 27 đến 31/7! Xem các kỳ trước của loạt bài về Ánh Viên tại đây: |
Chuyện của Ánh Viên: 20 con tôm sú và hơn thế nữa
Mỗi ngày, các VĐV trung bình phải tập luyện trong khoảng từ 6-7 tiếng đồng hồ, năng lượng mất đi là rất nhiều. Chính vì vậy việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng là vô cùng cần thiết. Các ngôi sao thể thao thế giới đều có những khẩu phần riêng phù hợp với từng người và với các môn thể thao khác nhau. Nhưng tất cả các khẩu phần đều có đặc điểm chung là rất “khủng”.
Cô gái vàng của bơi lội Việt Nam, Nguyễn Thị Ánh Viên không phải ngoại lệ. Câu chuyện nổi tiếng về bữa ăn có 1 cân thịt bò, 20 con tôm, một đĩa mì to, một đĩa rau trộn, một lít sữa tươi dù đến bây giờ vẫn chưa được kiểm chứng, nhưng điều đó cũng cho thấy việc ăn uống của Ánh Viên xứng đáng đi vào...huyền thoại.
Ánh Viên đã gắn liền với những giai thoại khó tin về chuyện ăn uống, dinh dưỡng
HLV Đặng Anh Tuấn – HLV của Ánh Viên từng kể: “Thông tin bữa ăn của Ánh Viên là 1kg thịt bò, 20 con tôm sú vừa đúng lại vừa sai. Đúng là vì cũng có bữa như thế thật, nhưng sai vì không phải lúc nào cũng thế. Nạp cái gì vào người, vào thời điểm nào trong chu kỳ huấn luyện là một câu chuyện tính toán khoa học chi li”.
Có thời điểm, Ánh Viên ăn thịt trắng, có thời điểm ăn hải sản, trong khi cơm chỉ dùng một bữa/tuần. Cô nàng từng “nuốt trọn” thực đơn đó trong nước mắt vì quá cực. Ngoài ra, còn có 3 bữa khác, trong đó có khi đang tập nhà bếp lại gọi Viên lên bờ để phục vụ bữa ăn đặc biệt cùng thực phẩm hỗ trợ.
Không chỉ phức tạp về tính toán năng lượng, loại thực phẩm cho từng bữa ăn, chất lượng thực phẩm cũng là một vấn đề quan trọng. Năm 2014, khi Ánh Viên về nước tham gia thi đấu Đại hội TDTT toàn quốc và bị sụt mất 4kg khiến HLV Đặng Anh Tuấn mất ăn mất ngủ.
Ở Mỹ, các loại thức ăn mà Ánh Viên dùng đều phải có dấu chứng nhận của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ. Thậm chí đến nước uống cũng khác thường. Ông Tuấn luôn phải mua thùng nước loại SmartWater có giá 2,5 USD, đắt gần gấp chục lần nước bình thường. Nhưng cũng “cắn răng xài” vì nước này thẩm thấu rất nhanh vào cơ và mỗi ngày, Ánh Viên phải uống đến hai chai!”.
Kết quả, chỉ sau chưa đầy 4 năm ăn tập trên đất Mỹ, Viên đã chạm tới lượng vận động đến 5.500 - 6.000 kcal/ngày (chứ không phải 8.000 kcal/ngày như nhiều nguồn tin đưa), hoàn chỉnh về thể chất lẫn kỹ thuật để có thể làm nên điều thần kỳ cho bơi Việt Nam tại kì SEA Game 28.
Ăn để bơi, ăn để tìm niềm vui
Nếu so sánh với những ngôi sao trong làng bơi lội thế giới, con số 6.000 kcal tiêu thụ 1 ngày của Ánh Viên vẫn chưa là gì. Huyền thoại bơi lội thế giới Michael Phelps khi còn ở thời kỳ đỉnh cao phong độ đã gây bất ngờ cho cả thế giới với chế độ ăn đặc biệt của mình. Mỗi ngày Phelps tiêu thụ hết 12.000 kcal.
Thời đỉnh cao, nhà vô địch vĩ đại nhất lịch sử Olympic, Michael Phepls tiêu thụ tới 12.000 kcal/ngày
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), một người trưởng thành chỉ cần 1.500 kcal/ngày, nghĩa là Phelps nạp lượng calo bằng với 8 người bình thường.
Bữa sáng của siêu kình ngư bao gồm: 3 bánh sandwich kẹp trứng, 3 bánh chuối chocolate, 5 quả trứng rán, 3 bánh mỳ bọc đường kiểu Pháp, một bát cháo yến mạch. Bữa trưa gồm 1/2 kg mỳ ống, 2 bánh sandwich cỡ to kẹp jambon, 3,7 lít nước dinh dưỡng bổ sung năng lượng. Bữa tối gồm 1/2 kg mỳ ống, bánh pizza và nước uống dinh dưỡng đặc biệt.
Jenny Dawes, HLV kiêm chuyên gia dinh dưỡng của Phelps cho rằng chế độ ăn trên là cực kỳ nguy hiểm đối với một người bình thường, thậm chí cũng quá nhiều đối với một VĐV thể thao (trung bình một VĐV nam bơi lội chỉ cần khoảng 6.000 kcal/ngày) . Nhưng Michael Phelps tiêu thụ gấp đôi trong thời gian chuẩn bị cho Olympic.
Tất nhiên, chế độ ăn của Michael Phelps được thiết lập một cách khoa học nhằm bảo đảm thể lực tốt nhất cho anh.
Chế độ ăn siêu khủng từng được Michael Phelps áp dụng tại Olympic Bắc Kinh 2008 cũng như Olympic London 2012 đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tính đến nay, anh đã thời trở thành VĐV vĩ đại nhất lịch sử Olympic với 22 huy chương các loại.