Ánh Viên “bá chủ” SEA Games: Vươn ra biển lớn, “tranh rồng đấu hổ” (P3)
(Tin thể thao) Một lần nữa thống trị SEA Games, khát vọng của Ánh Viên bây giờ sẽ là tấm HCV ASIAD.
Video Ánh Viên giành HCV ở nội dung 200m tự do tại SEA Games 29:
Ánh Viên đã là “Nữ hoàng” trên đường đua xanh ở Đông Nam Á trong các cự ly trung bình. Ở SEA Games 29, “Tiểu tiên cá” còn cho thấy sự tiến bộ vượt trội ở các cự ly ngắn khi đua tranh sòng phẳng với các đối thủ Singapore vốn rất mạnh trong khu vực.
8 tấm HCV tại SEA Games 29 là một lời khẳng định về sự thống trị của Ánh Viên trên bể bơi và bây giờ, cái đích hướng tới của cô gái sinh năm 1996 sẽ là ASIAD 2018 trên đất Indonesia.
Ánh Viên mơ đổi màu huy chương ASIAD
Tuy gần mà xa, thời gian và địa điểm tổ chức Asian Games rất gần nhưng khoảng cách từ SEA Games đến ASIAD lại rất xa. Đấu trường đua tranh môn bơi lội ở châu Á cực kỳ khốc liệt khi quy tụ các VĐV hàng đầu tới từ Trung Quốc, Nhật Bản những cường quốc của thể thao thế giới.
3 năm trước tại ASIAD 2014, Ánh Viên đã có 2 tấm HCĐ, thế nên giờ đây, người hâm mộ cũng như chính bản thân Ánh Viên chờ đợi không gì khác ngoài việc đổi màu huy chương. Không chỉ sang Bạc mà phải thành Vàng.
Bản thân Ánh Viên sau khi kết thúc SEA Games cũng từng thổ lộ khát vọng lớn nhất lúc này không gì khác ngoài mục tiêu “giành được thành tích ở cấp châu lục.” HLV Đặng Anh Tuấn cũng nói về cái đích tiếp theo để cô học trò hướng tới.
Tuy nhiên để giành Vàng châu Á không phải chuyện dễ. 8 tấm HCV SEA Games chưa thể cho thấy cái nhìn chính xác về thực lực của Ánh Viên. Nguyên nhân là bởi kình ngư tới từ Cần Thơ phải chia sức ra nhiều mặt trận với nhiệm vụ đoạt càng nhiều HCV càng tốt, nên không phô diễn hết khả năng ở một nội dung nào cụ thể.
Với bảng thống kê phía dưới, 8 tấm HCV SEA Games 29 của Ánh Viên đều kém xa thành tích đoạt HCV của các VĐV ở ASIAD 2014. Nhưng thước đó này chỉ mang ý nghĩa tham khảo bởi chính HLV Đặng Anh Tuấn và Ánh Viên khẳng định rằng trong tập luyện thành tích của Ánh Viên tốt hơn rất nhiều.
Hơn nữa khi bước ra đấu trường châu lục, chắc chắn không thể có chuyện Ánh Viên đăng ký và tham gia cả chục nội dung như tại SEA Games. Tới ASIAD, “Tiểu tiên cá” sẽ tập trung vào các nội dung sở trường ở các cự ly 200m và 400m (tự do, ngửa, hỗn hợp).
1 năm trước tại Olympic 2016, Ánh Viên từng cho thấy thành tích tốt nhất của mình ở cự ly 400m hỗn hợp. Rõ ràng khi dồn sức vào một mục tiêu nhất định, cô sẽ cho thấy những con số khác hẳn. Cũng vào cuối năm 2016, Ánh Viên từng giành tấm HCV ở giải bơi châu Á, nơi không thiếu những đối thủ hàng đầu, ở nội dung này.
Ánh Viên có khả năng để vươn xa hơn tấm HCĐ ASIAD nhưng nó phụ thuộc vào không ít yếu tố: điểm rơi phong độ, may mắn tránh chấn thương, các đối thủ có phong độ tốt hay dở, bản thân Ánh Viên có vượt qua được sức ép tâm lý hay không khi giờ đã khác…
So sánh thành tích của Ánh Viên ở một số nội dung với các huy chương ASIAD
Nội dung |
Ánh Viên SEA Games 29 | HCV ASIAD 2014 | Ánh Viên ASIAD 2014 | Ánh Viên Olympic 2016 |
200m tự do |
1 phút 59 giây 24 | 1:57.66 | ||
50m ngửa nữ |
29.26 | 27.66 | ||
400m hỗn hợp |
4:45.82 | 4:32.97 | 4:39.65 | 4:36.85 |
400m tự do |
4:10.96 | 4:07.67 | 4:16.32 | |
100m bơi ngửa |
1:01.89 | 59.95 | ||
200m bơi ngửa |
2:13.64 | 2:10.31 | 2:12.25 | |
200m hỗn hợp |
2:14.25 | 2:08.94 | 2:16:20 | |
800 tự do |
8:35.55 | 8:27.54 |
Ánh Viên quá xuất sắc ở SEA Games 29, nhưng HLV Đặng Anh Tuấn chưa hài lòng.