Andre Agassi: Từ “đánh độ” đến gã trai bụi bặm (Kỳ 1)

Sẽ thật ngạc nhiên nếu ai đó không biết đến cái tên Andre Agassi.

Đặt cược cả nhà cho một trận đấu

Khoan hãy nói tới tài năng, chỉ cần một câu chuyện về cậu bé Andre Agassi khi mới lên 9 tuổi là đủ để biết sự xuất chúng của huyền thoại người Mỹ. Vào năm 1979, bố của Andre – ông Emmanuel "Mike" Agassi, một võ sỹ đấm bốc người gốc Iran từng thi đấu ở Olympic – đã mang cậu con trai bé nhỏ tới một câu lạc bộ tennis ở Las Vegas (thiên đường cờ bạc của thế giới). Đúng lúc đó thì Jim Brown, một cầu thủ bóng bầu dục huyền thoại sinh năm 1936, đang phàn nàn với ông chủ câu lạc bộ về một trận đánh độ tiền bị hủy bỏ. Ngay lập tức ông Emmanuel bước vào và ngỏ ý muốn để Andre thế vào vị trí ấy. Sốc hơn, Emmanuel còn mang cả căn nhà của gia đình để đặt cược vào trận đấu này.

Dĩ nhiên tất cả mọi người ở đó sửng sốt, còn Jim Brown thì cười khẩy và không tin vào tai của mình. Làm sao một đứa bé vắt mũi chưa sạch lại dám thách đấu với mình? Jim Brown chơi bóng bầu dục nhưng cũng là tay vợt có số má hạng bán chuyên, vậy mà một thằng nhóc 9 tuổi dám thách thức thi đấu. Họa chăng bố của nó bị điên, hoặc vừa mới chén chú chén anh ở đâu đó! Tỏ ra thương cảm, Brown từ chối mức cược của ông Emmanuel và đề nghị thay thế vào đó là 10.000 USD, cũng là một khoản tiền rất lớn ở thời điểm năm 1979.

Andre Agassi: Từ “đánh độ” đến gã trai bụi bặm (Kỳ 1) - 1

Jim Brown vẫn nhớ như in thất bại trước cậu bé 9 tuổi Andre Agassi ngày nào

Trước trận đấu Brown hỏi Agassi: “Nhóc đã cầm vợt được mấy ngày rồi?” Cậu bé Andre đáp lại như thể một kẻ thách đấu: “Tôi chưa thua trận nào khi chơi tennis.” Và người đàn ông 43 tuổi, Jim Brown đã có “vinh hạnh” được đối mặt với một trong những tay vợt vĩ đại nhất của quần vợt thế giới. Cậu bé 9 tuổi Andre Agassi hạ gục Jim Brown cả hai set cùng tỷ số 6-3, để cho ông bố Emmanuel mỉm cười đút túi 20.000 USD. Không ngạc nhiên khi Jim Brown phát khùng. Làm gì có chuyện một người đàn ông hơn bốn mươi tuổi đầu lại để thằng nhóc làm bẽ mặt trước mặt mọi người. Brown đề nghị đánh set thứ 3 nhưng cũng bất an đến nỗi, chỉ dám cược 500 USD để chí ít cũng gỡ gạc thể diện.

Nhưng cậu bé 9 tuổi nhà Agassi còn làm bậc cha chú một lần nữa phải xấu hổ, với chiến thắng còn cách biệt hơn: 6-2.

Ngôi sao cá tính một không hai

Những tay vợt hàng đầu thế giới thời hiện đại như Maria Sharapova, chị em nhà Williams hay cả những huyền thoại quá khứ như Jim Courier, Monica Seles, Martina Hingis, Boris Becker, người trưởng thành từ bàn tay của “phù thủy” Bollettieri, người từng tập luyện ở đây vài năm trước khi bước chân vào đỉnh cao. Andre Agassi không phải là ngoại lệ. Năm 1983, khi đã 13 tuổi, Agassi được bố Emmanuel gửi tới học viện quần vợt Nick Bollettieri ở Florida trong vòng 3 tháng, vì ông chỉ có bằng đấy tiền cho cậu bé tập luyện trong ngần ấy thời gian. Nhưng chỉ cần 30 phút quan sát, Bollettieri đã quay lại nói với ông Emmanuel: “Hãy mang tiền về. Thằng bé sẽ được học miễn phí.”

Bollettieri không điên và cũng không nhìn lầm người. Cậu bé mà Bollettieri thừa nhận “có tài năng tự nhiên hơn bất cứ cậu bé nào cùng trang lứa” sau này đã là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất tới lịch sử quần vợt thế giới ở nhiều khía cạnh.

Andre Agassi: Từ “đánh độ” đến gã trai bụi bặm (Kỳ 1) - 2

Phong cách đã làm nên thương hiệu Agassi

Năm 16 tuổi Agassi đã thi đấu chuyên nghiệp, khởi đầu là giải đấu tại La Quinta, California với chiến thắng đầu tiên trước đồng hương John Austin, trước khi thất bại trước Mats Wilander (cựu số 1 người Thụy Điển từng 7 lần vô địch Grand Slam). Cuối năm 1986, Agassi giữ vị trí số 91 thế giới. Năm 17 tuổi, Agassi đã có danh hiệu đầu tiên trong sự nghiệp tại giải Sul American Open ở Itaparica, Brazil (thắng tay vợt nước chủ nhà Luiz Mattar 7–6(8–6), 6–2 trong trận chung kết). Và kết thúc năm 1987, Agassi là tay vợt số 25 thế giới. Năm 18 tuổi, Agassi vô địch thêm 6 giải đấu trong số 7 lần đi tới trận chung kết và trở thành tay vợt đầu tiên vượt qua con số 1 triệu USD tiền thưởng sau khi mới tham dự có 43 giải đấu. Ở tuổi “teen” như vậy, những thành tích của Agassi là vô tiền khoáng hậu, mà mãi tới 17 năm sau, một tay vợt “teen” khác là Rafael Nadal mới xuất hiện và thế vào vị trí đó.

Nhắc tới Agassi, người ta không chỉ nhớ tới tài năng mà còn cả phong cách rất “dị” của tay vợt người Mỹ. Agassi luôn xuất hiện trên sân đấu với mái tóc dài, đeo khuyên tai, ăn mặc sặc sỡ đến nỗi không thèm dự Wimbledon từ năm 1988 đến 1990 chỉ vì đây là Grand Slam có quy định là phải mặc đồ thi đấu màu trắng. Nhưng như là số phận, Wimbledon mới chính là Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp của Agassi sau khi anh đánh bại Goran Ivanisevic của Croatia trong trận chung kết kéo dài 5 set năm 1992. Trước đó Agassi thất bại trong 3 trận chung kết ở Roland Garros 1990 và 1991 cùng US Open 1990. Mãi tới năm 1996, Agassi mới từ bỏ phong cách bụi bặm của mình và bất ngờ xuất hiện với mái đầu cạo trọc và cách ăn mặc bảnh bao. Cũng giống như trước đó, ngay cả hình ảnh mới mẻ này vẫn tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ từ phía đám đông khán giả.

Nhưng dĩ nhiên nếu chỉ có hình ảnh không thôi, cái tên Andre Agassi cũng chưa chắc trở nên vang danh khắp thế giới như vậy. Chỉ có tài năng và phẩm chất đặc biệt trên sân đấu mới đem lại cho Agassi những thành công ngoài sức tưởng tượng, mà sau này người ta còn cho rằng Agassi là một trong những tay vợt đã làm nên cuộc cách mạng trong làng banh nỉ.

Agassi đăng quang tại Wimbledon 1992

Đón đọc phần 2 chân dung huyền thoại Andre Agassi vào lúc 17h VN, 31/10.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Lan ([Tên nguồn])
Chân dung huyền thoại tennis Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN