Adrian Newey: Thiên tài thiết kế xe đua F1 (P1)
Với trọn bộ 3 chức vô địch tuyệt đối liên tiếp 2010, 2011, 2012 giành cho đội đua Red Bull và danh hiệu quán quân thế giới của Sebastian Vettel, Newey xứng đáng được xem là thiên tài thiết kế xe của làng đua xe F1.
Thật vậy, kể từ khi rời Đại học Southampton với tấm bằng hạng ưu về kỹ thuật hàng không – không gian vào năm 1980, sự nghiệp của ông dường như chỉ gắn liền với việc thiết kế những chiếc xe đua mang thương hiệu “khí động học Newey”.
Trước khi chuyển đến F1 vào năm 1988, ông cũng đã gặt hái được khá nhiều thành công và tạo dấu ấn với vai trò kỹ sư thiết kế chính trong hệ thống giải đấu Indycar.
Tuy nhiên, Newey chưa hẳn thành công ngay với các ứng dụng khí động học mà mình theo đuổi. Trong thời kỳ này, khí động học chưa được chú trọng trong thiết kế xe F1; thời đó, chiếc F1 cạnh tranh phải được xây dựng trên một động cơ mạnh hơn hẳn đối thủ và hẳn nhiên những đội có xưởng sản xuất máy xe riêng và có tiềm lực tài chính dồi dào sẽ là đội luôn giành chiến thắng – giai đoạn này chưa có các qui định về phát triển máy xe thống nhất trong hệ thống giải đấu và hạn chế tài chánh giữa các đội.
Mẫu FW14 giúp Williams & Nigel Mansell vô địch kép mùa 1992
Tại thời điểm những năm 80 - 90, Williams và McLaren là 2 đấu thủ lớn trên đường chạy. Và với ứng dụng rõ nét trên hệ thống khung gầm khí động học FW14, Newey đã dần khẳng định tên tuổi cũng như xu hướng khí động học trong thiết kế xe F1 - 5 chức vô địch thế giới World Constructors’ Champions - các năm 1992, 93, 94, 96, 97 với đội đua Williams. Cũng tại đội đua này, Newey đã chứng kiến tai nạn thãm khốc dẫn đến sự ra đi đầy tiếc nuối của tay đua Ayrton Senna tại San Marino GP 1994 trên chính chiếc xe do ông thiết kế (chú ruột của tay đua Bruno Senna đã đua cho Williams mùa vừa qua).
Tranh cãi đã nổ ra xoay quanh cái chết của Senna và tốc độ không kiểm soát được của chiếc xe với ứng dụng khí động học từ Newey được qui kết gián tiếp gây ra tai nạn (dù những năm gần đây, với kỹ thuật hiện đại, người ta đã chứng minh thiết kế của Newey không phải là nguyên nhân chính); rạn nứt tại Williams đã đưa ông gia nhập McLaren và tiếp tục gặt hái danh hiệu thứ 6 với chiếc MP4-13 ở ngay mùa kế tiếp.
Newey và Damon Hill chiến thắng trong màu áo Williams
Từ thập niên 90 đến những năm 2000, làng F1 ghi nhận sự cống hiến từ Rory Byrne người Nam Phi và Adrian Newey người Anh, 2 kỹ sư thiết kế tài hoa bậc nhất thời bấy giờ. Nếu như Byrne gắn liền với Benetton, Ferrari và Micheal Schumacher với 7 chức vô địch thế giới; thì Newey cũng đã giúp 6 tay đua Nigel Mansell, Alain Prost, Damon Hill, Jacques Villeneuve (đều của Williams) và Mika Hakkinen (McLaren) ngự trị đỉnh cao thế giới.
Chiếc McLaren MP4-13 mang lại chức vô địch mùa 1998 cho Mika Hakkinen
(còn tiếp)