69 tuổi, siêu quần Thái cực quyền họ Tôn "thổi" bay 5 đại cao thủ Nhật Bản
Khi nghe “một! hai”, Tôn Lộc Đường triển phép “du thân bát quái” và đến “ba!”, toàn thân ông đã quấy động, với chiêu “ngô công bẳng” (rết vọt) toàn thân ông bốc từ đất vọt thẳng lên khiến cho 5 võ sĩ Nhật đang đè chân, giữ tay, cưỡi cổ ông bị hất ngã lăn theo 5 hướng.
Cuối đời Thanh, đầu thời kỳ Dân quốc (1911) nổi lên một đại danh sư Hình ý quyền họ Tôn tên Phúc Toàn (1861-1932), tên chữ là Lộc Đường, người huyện Hoãn, tỉnh Hà Bắc.
Tôn Lộc Đường tính tình thông minh, ôn hoà, từ bé đã theo Lý Khôi Nguyên học chữ và Hình ý quyền. Sau lại được Lý Khôi Nguyên tiến dẫn, bái sư Quách Vân Thâm tập luyện Hình ý quyền tiến thêm một bậc.
Tôn tập luyện võ nghệ rất khắc khổ. Khi theo học Quách Vân Thâm thì thầy Quách thường cưỡi ngựa phi nhanh còn Tôn túm ngang đuôi ngựa guồng chân chạy theo, ngày đi trăm dặm, do vậy luyện được tốc độ chạy đạt tới tầm “thần hành thái bảo” (tên hiệu của Đới Tôn, một đầu lĩnh Lương Sơn Bạc trong Thuỷ Hử truyện).
Chưởng môn Thái cực quyền họ Tôn: Tôn Lộc Đường
Cảm phục tính chịu khổ, kiên trì luyện tập của Tôn, Quách Vân Thâm lại giới thiệu Tôn đến Bắc Kinh gặp danh gia Bát quái chưởng là Trình Đình Hoa để học tập, chẳng bao lâu đã lĩnh hội được sự ảo diệu của môn này.
Do được học tập võ công chân truyền của 3 nhà, trải qua mấy chục năm khổ luyện nên Tôn Lộc Đường trở thành một danh sư nội công thâm hậu tại Bắc Kinh. Người đương thời thấy thân hình ông nhỏ bé, trông xanh xao nhưng rất nhanh nhẹn nên gọi ông là “hoạt hầu” (con khỉ nhanh nhẹn).
Khi võ nghệ đã ở bậc đại cao thủ, Tôn vẫn chuyên cần tập luyện. Bên ngoài nhà ông luôn treo một tấm màn cửa bằng vải, mỗi lần bước ra ngoài ông lại tung chân đá mấy cú mà lần nào mũi chân cũng chạm vào một điểm. Màn rách treo tấm khác, rách lại treo. Tấm màn vải dai như vậy, lại luôn phất lên mỗi khi đón nhận những cú đá mà rách liên tục cho thấy cước lực của Tôn thâm hậu đến mức nào. Mỗi khi đi tới đâu, Tôn luôn cầu người hiền, tìm thầy giỏi để học hỏi.
Tôn Lộc Đường học Hình ý quyền, Bái quái chưởng, tại sao về sau trở thành vị tôn sư của Thái cực quyền? Việc này bắt đầu từ câu chuyện:
Đầu thời Dân quốc, Tôn đã ngoài 50 tuổi, có một người ở huyện Vĩnh Niên (nay thuộc tỉnh Hà Bắc) tên Hách Vị Chân – một truyền nhân của môn phái Thái cực quyền họ Võ- lên Bắc Kinh chữa bệnh. Qua các bạn võ thuật, Tôn làm quen với Hách, vô cùng kính trọng khi biết Hách là đại cao thủ Thái cực quyền họ Võ. Thấy Hách bệnh nặng, với kinh nghiệm y thuật sau bao nhiêu năm luyện võ, Tôn đã hết lòng lo toan, thuốc thang chữa trị cho Hách, một tháng sau Hách khoẻ trở lại.
Khỏi bệnh, Hách rưng rưng nước mắt nói: “Hai chúng ta vốn chẳng thân thuộc, bèo nước gặp gỡ, tiên sinh đối xử thế này làm sao tôi báo đáp?”. Tôn thản nhiên nói: “Tiên sinh bất tất phải để tâm, tục ngữ nói “tứ hải giai huynh đệ”, huống hồ chúng ta là đồng đạo”. Hách nói: “Tôi thành tâm lĩnh nhận, tôi muốn đem quyền thuật học cả đời để truyền thụ cho ông, chẳng hay ý ông thế nào?”. Tôn nghe vị đại danh sư nói vậy, vô cùng mừng rỡ: “Thực tôi cầu còn chưa được nữa là, rất mong được tiên sinh chỉ giáo”.
Từ đó người dạy mang hết tâm huyết dạy, người học khổ công dùi mài. Chẳng bao lâu Tôn đã lĩnh hội được đạo lý chân chính của Thái cực quyền họ Võ. Sau đó Tôn chuyên tâm dồn trí suốt mấy năm, đem Hình ý quyền, Bát quái chưởng và Thái cực quyền dung hội với nhau thông suốt những gì tinh tuý nhất của võ thuật 3 nhà để sáng tạo ra môn Thái cực quyền của riêng mình: Thái cực quyền họ Tôn.
Đặc điểm của Thái cực quyền họ Tôn là: Tiến lùi theo nhau, thi triển tròn trơn, động tác nhanh nhẹn dựa trên bộ gốc (căn bộ) của Hình ý quyền lại kết hợp thân pháp của Bát quái chưởng, động tác gấp gáp liên miên không dứt, mỗi khi xoay mình lại kiêm cả đóng- mở, lấy kiểu “ôm khối cầu” làm chủ, nhanh chậm xen kẽ. Tôn Lộc Đường võ nghệ siêu quần nhưng tính cách vô cùng đàng hoàng, suốt đời tôn thờ võ đức, võ đạo. Ông trọng nghĩa, khinh lợi, vui làm điều thiện. Đầu những năm 1920, miền Băc Trung Quốc bị đại hạn liên tiếp mấy năm, “địa phú hào thương” được dịp tăng giá. Tôn đã mang của cải về quê cứu nạn, cho các nhà nghèo khổ vay ăn, năm sau ông lại về quê xoa hết nợ lãi cho dân, thậm chí tiền vốn cũng không thu về nữa.
Tôn Lộc Đường không chỉ có võ công siêu quần mà khí tiết dân tộc cao quý. Năm 1923, có đại cao thủ Nhật Bản tên là Bản Viên sang Bắc Kinh tìm Tôn đòi tỷ thí. Bản Viên cho rằng, ông ta không tin Thái cực quyền Trung Quốc có thể lấy nhu khắc cương, lại rêu rao rằng: “Ta sẽ dùng ngạnh công bẻ gãy cánh tay phải của Tôn Lộc Đường xem ông ta dùng nhu khắc cương thế nào”. Dù là người rất điềm tĩnh, rất ít khi giao đấu, nhưng trước sự coi thường dân tộc, coi thường võ thuật Trung Hoa, Tôn đã nhận lời giao đấu.
Trước một ông già đã 62 tuổi, người nhỏ thó, Bản Viên rất xem thường. Khi tỷ thí, Bản Viên như con hổ dữ chồm tới vồ lấy Tôn Lộc Đường. Tôn dùng phương pháp “thuận hoá, điểm huyệt” để đánh lại. Bản Viên tuy sức mạnh khó sánh, nhưng đối mặt với Tôn Lộc Đường mau lẹ, thủ pháp thâm hậu, tránh né vươn xoay liên tục nên Bản Viên không có cơ hội nào để thi triển võ thuật tấn công.
Cuối cùng Bản Viên ngượng quá hoá cáu, gào thét ầm ỹ, dùng đầu húc thẳng vào người Tôn Lộc Đường, chỉ thấy vị võ sư già khẽ lắc người, Bản Viên lao vào khoảng không, chỉ nghe “rầm” một tiếng, giá sách đổ vật, nửa trên người ông ta ngập trong đống sách.
Biết mình đã thua nhưng Bản Viên lại yêu cầu sẽ trả 2 vạn đồng Yên Nhật để Tôn Lộc Đường đi một bài Thái cực quyền. Tôn quay sang nói với người phiên dịch: “Ông ta có trả tới hai chục vạn, lão mỗ cũng không nhúc nhích. Hôm nay lão mỗ chỉ muốn cho ông ta biết không phải tuỳ tiện mà coi thường võ thuật và con người Trung Hoa”. Sau trận đấu này, uy danh họ Tôn oai chấn cả nước.
Vào lần khác, mùa thu năm 1930, một câu chuyện chấn động võ thuật Trung Hoa đã xảy ra: 6 võ sĩ Nhật Bản xộc đến nhà Tôn Lộc Đường ở Hồng Khẩu (Thượng Hải) muốn cùng ông tỷ thí. Thượng Hải lúc này là nơi thách đấu của rất nhiều cao thủ đến từ Nga, Mỹ và nhiều nhất là Nhật Bản. Con trai ông ra tiếp khách và từ chối, nói rằng cha mình đi vắng. Mấy lượt các võ sĩ Nhật qua lại, dứt khoát đòi tỷ thí với ông. Cuối cùng, họ ra giá: Nếu họ đánh không nổi Tôn, họ sẽ về nước, còn họ thắng thì Tôn sẽ phải rời khỏi Hồng Khẩu.
Đối mặt với những lời khiêu chiến ngạo mạn như vậy, Tôn Lộc Đường phẫn hận trong lòng, bởi khi đó rất nhiều người dân Trung Hoa căm uất sự xâm chiếm của đế quốc Nhật Bản. Ông quyết định nhận lời giao đấu nhưng là “một chấp sáu” làm cho 6 võ sĩ Nhật nóng mắt. Tôn nói: “Vì các ông mấy lần mời mọc nên tất nhiên tôi phải lĩnh giáo”. Nói xong ông mời họ ra sân tập võ sau nhà, nơi đó luôn bày sẵn 4 ghế dài bằng đá.
Sáu võ sĩ Nhật dương dương đắc ý, nói: “Quyền của chúng tôi có thể đẩy được 500 kg, chân có thể đá động 400 kg”. Nói rồi một võ sĩ bước tới vung quyền, quả nhiên một chiếc ghế đá văng xa hơn 1 trượng, lại co chân đá một cái, chiếc ghế lại văng thêm tám thước.
Một võ sĩ Nhật cười nham hiểm: “Tôn tiên sinh, ông xem có làm được không?”. Chỉ thấy Tôn lã cười ôn tồn: “Có thể chứ, giờ các ông hãy đấu sức với tôi. Tôi nằm ra đất, cho các ông 2 người túm chân, 2 người giữ tay, một người ghì đầu, còn một người hô khẩu lệnh. Nếu hô đến ba mà tôi vùng lên được thì tôi thắng, không dậy được thì các ông thắng”. Nói xong, vị võ sư già 69 tuổi nằm dài ra đất, hai chân hai tay dang rộng. Các võ sĩ Nhật lao vào ông như đàn sói vồ mồi, vận hết công lực đè ông xuống.
Khi nghe đến “một! hai”, Tôn Lộc Đường bèn thi triển phép “du thân bát quái”, là loại “quyền không có quyền, ý không có ý, trong quyền có quyền, trong ý có ý” - một trong những tuyệt đỉnh công phu mà chỉ có đẳng cấp như ông mới luyện thành. Chỉ nghe đến “ba!”, toàn thân ông đã quấy động, với chiêu “ngô công bẳng” (rết vọt) toàn thân ông bốc từ đất vọt thẳng lên khiến cho 5 võ sĩ Nhật hung hăng đang xúm xít đè chân, giữ tay, cưỡi cổ ông bị hất ngã lăn ra đất theo 5 hướng.
Lão võ sư già ha hả cười, lần lượt đỡ từng người trong bọn họ dậy. 6 võ sĩ tiu nghỉu mặt mày, nem nép cúi đầu rời đi. Không ngờ ngày hôm sau các võ sĩ Nhật mang lễ hậu gồm vải gấm, vàng nén kèm một bức thư mời nói Thiên Hoàng Nhật Bản mời Tôn sang Nhật làm Giáo sư dạy võ tại Giảng đạo quán võ sĩ đạo Nhật Bản. Ông kiên quyết không nhận, thể hiện rõ khí tiết dân tộc. Ngoài võ học, do bản chất thông minh, chịu khó nên văn học của ông cũng thuộc hàng uyên thâm. Tôn đã ghi chép lại tường tận tất cả những chiêu thức viết thành cuốn “Thái cực quyền họ Tôn” với nhiều chỗ độc đáo xuất bản năm 1915. Ngoài ra ông còn viết “Hình ý quyền học”, “Bát quái kiếm học”, Quyền ý thuật chân”… Năm 1932, ông qua đời để lại cho hậu thế lưư truyền Thái cực quyền Tôn gia lừng danh thiên hạ.