5 ngôi sao hàng đầu của quần vợt châu Á đương đại
Một thế hệ tài năng của quần vợt châu Á đã và đang nổi lên. Liệu ai trong số họ có thể đem về giải Grand Slam đầu tiên cho lục địa này?
Kể từ ngày Paradorn Srichaphan trở thành người châu Á đầu tiên lọt vào tốp 10 ATP, quần vợt của châu lục này vẫn chưa đạt thành tích đỉnh cao nào gây chấn động. Tuy nhiên, với việc Kei Nishikori vào chung kết Grand Slam, Sania Mirza và Cara Black vô địch WTA Tour Finals, có vẻ như một tương lai tươi sáng đang chờ đợi các tay vợt Á châu.
Trang Bleacher Report đã điểm qua 5 gương mặt hứa hẹn sẽ mang vinh quang về cho “vùng trũng” của quần vợt thế giới.
5. Sania Mirza: Hiện tượng của những trận đánh đôi
Cô xứng đáng là tay vợt số một Ấn Độ vào lúc này, cũng như là hiện tượng của những trận đánh đôi trên thế giới.
Hiện đang xếp thứ 3 WTA nội dung đánh đôi, Mirza có một thành tích đáng kể khi chơi cặp với các đồng đội trong quá khứ.
Ở nội dung đôi nam nữ, Mirza đã 3 lần vô địch Grand Slam. Và mặc dù chưa giành Grand Slam đôi nữ, tay vợt 27 tuổi đã gây ấn tượng khi cùng đồng nghiệp Cara Black vô địch WTA ở Singapore. Hiện tại Mirza đã giải nghệ hẳn ở lĩnh vực đánh đơn để tập trung sự nghiệp phối hợp ở các nội dung đánh đôi.
Trong quá khứ, thành tích “độc hành” của Mirza không quá tệ. Cô từng vô địch WTA tại Hyderabad Open cũng như vào vòng 4 Mỹ mở rộng 2005 và là tay vợt Ấn Độ đầu tiên vào tốp 30 thế giới một năm sau đó.
4. Denis Istomin: Ấn tượng đánh đôi nam
Denis Istomin là một trường hợp khá đặc biệt của làng quần vợt. Không có nhiều danh hiệu ấn tượng, không có những chiến thắng gây sốc, tay vợt người Uzbekistan vẫn được nhìn nhận là một tài năng đích thực mà châu Á sản sinh ra.
Những ấn tượng tốt nhất về Istomin thuộc về nội dung đánh đôi. Anh là cạ cứng của Nikolay Davydenko và Mikhal Elgin trong các danh hiệu vô địch ATP trước đây.
Hiện Istomin đang xếp 56 ATP đơn nam và thứ 79 ở nội dung đánh đôi.
3. Zheng Jie: Sức bật từ tấm huy chương đồng Olympic
Dù không còn trẻ, ở tuổi 31 Zheng Jie vẫn là tay vợt hàng đầu châu Á. Cô gái cao 1m64 dù đang chỉ xếp thứ 4 tại Trung Quốc, vẫn đang là người đạt nhiều thành tích nhất quần vợt nước này.
Zheng Jie đã có 4 danh hiệu WTA tại Hobart, Estoril, Stockholm và Auckland, và 15 danh hiệu WTA khi đánh đôi (11 lần vô địch khi phối hợp với Yan Zi).
Tên tuổi Zheng Jie lên cơn sốt vào năm 2008 với tấm huy chương đồng Olympic Bắc Kinh, nổi bật là lần vượt qua tay vợt số một thời điểm ấy Ana Ivanovic. Hiện tại Zheng đang xếp 91 WTA đơn và xếp thứ 28 nội dung đánh đôi.
Peng Shuai là niềm tự hào của quần vợt Trung Quốc
2. Peng Shuai: Hy vọng của tennis Trung Quốc
Peng Shuai là niềm tự hào của quần vợt Trung Quốc khi trở thành người đầu tiên thuộc làng banh nỉ nước này xếp số một thế giới. Kỷ lục này được ghi nhận hồi tháng 2 vừa qua Peng Shuai hồi tháng 2 vừa qua ở hạng mục đánh đôi WTA.
Được đánh giá là một trong những tay vợt toàn diện nhất, Peng Shuai ở lĩnh vực đánh đơn cũng đã vào đến bán kết Mỹ mở rộng cách đây 2 tháng, trước lúc thất thủ về tay Caroline Wozniacki.
Có thể nói với phong độ và tên tuổi lúc này, Peng Shuai xứng đáng là người được kỳ vọng nhất nhì châu Á về một danh hiệu Grand Slam đơn. Cô đang xếp thứ 22 WTA và thứ 3 ở lĩnh vực đôi.
1. Kei Nishikori: Cơ hội sau trận chung kết Mỹ mở rộng
Dẫu còn tranh cãi, Kei Nishikori vẫn xứng đáng khi được đề cập như một ngôi sao lớn nhất quần vợt Nhật Bản và cả châu Á từng sản sinh.
Năm nay, Nishikori đã gây choáng khi vào chung kết Mỹ mở rộng. Đấy là lần đầu tiên một tay vợt châu Á biết đến chung kết một giải Grand Slam.
Nishikori đến thời điểm hiện tại đã có 7 danh hiệu ATP, là người Nhật đầu tiên vào chung kết một giải Masters điểm 1000 – nơi anh đã chấn thương và bị xử thua Rafael Nadal. Nishikori cũng là chủ nhân của một loạt các kỷ lục của quần vợt châu Á và được dự báo có thể tiến xa trong nhòm các tay vợt hàng đầu thế giới hiện tại.