4 sai lầm của Federer năm 2013
Những gì đã dẫn tới một Federer tệ nhất trong một thập kỷ qua?
Trong một năm đánh dấu đúng một thập kỷ kể từ khi lần đầu lên ngôi ở Grand Slam (Wimbledon 2003), Federer đáng ra có thể có được thành tích xuất sắc hơn là việc anh chỉ giành được một chức vô địch ở Gerry Weber - giải đấu ATP 250 trên mặt sân cỏ.
Tuổi tác - sinh tháng 8/1981 ở đây là lý do rất đáng kể, nhưng với một thiên tài như anh, Federer có thể làm tốt hơn.
Vì chỉ mới một năm trước, anh còn đăng quang ở Wimbledon 2012 bằng việc đánh bại Andy Murray trong trận chung kết, người sau đó ít tháng đã lên ngôi ở US Open. Cũng trong quãng thời gian đó, Federer còn vào tới trận tranh HCV Olympic London (cũng gặp Murray).
Và chưa hết, ở thời điểm anh chỉ trẻ hơn lúc bây giờ một tuổi, Federer còn hất đổ Djokovic khỏi ngôi vị số 1 ATP để phá vỡ kỷ lục 286 tuần số 1 thế giới đã được thiết lập bởi Pete Sampras trước đó hơn một thập kỷ.
Australian Open là giải Grand Slam Federer thi đấu thành công nhất trong năm 2013
Sự ổn định ở đẳng cấp cao của cả Djokovic, Murray và Nadal cũng là một lý do khác buộc Federer kể từ năm 2003 phải nếm trải năm đấu đầu tiên không thể lọt vào tới chung kết của bất cứ Grand Slam nào.
Nhưng Federer ở Grand Slam trong năm 2013 thậm chí còn chưa được gặp Nadal và Djokovic dù chỉ một lần. Ngoại trừ thất bại trước Murray ở bán kết Australian Open, Federer còn thua Tsonga ở tứ kết Roland Garros, gục ngã đau đớn trước Stakhovsky ở vòng hai Wimbledon, và thua sau ba set trước Tommy Robredo ở vòng 4 US Open.
Dĩ nhiên, cái gì cũng có nguyên do của nó mà ở đây là một chuỗi những sai lầm không chỉ trên sân đấu. Cũng giống như khi Federer thực hiện pha bóng "chip and charge" khá ngây thơ - vào đúng tay thuận của Nadal ở thời khắc quan trọng trong trận bán kết World Tour Finals để phải nhận lại cú passing cháy sân từ đối thủ, nó chỉ là biểu hiện còn nguyên nhân sâu xa nằm ở những ám ảnh về Nadal.
Hời hợt khi chuẩn bị trước mùa
Đó là sai lầm đầu tiên của Federer. Và là một sai lầm chết người.
Bởi Federer của đầu năm 2013 trên thực tế hầu như không phải chịu bất cứ sự hồ nghi nào. Thậm chí, anh có thừa sự tự tin bởi những kết quả tích cực đạt được cuối năm 2012 đã nhắc tới ở trên.
Bằng chứng của tâm lý tích cực ấy là anh đã vào tới bán kết Australian Open - thành tích khả dĩ nhất ở các giải Grand Slam trong năm.
Nhưng trận bán kết tố cáo Federer đã không có một sự chuẩn bị về thể lực đầy đủ ở giai đoạn trước đó. Anh thua Murray trong một trận đấu kéo dài năm set trong hoàn cảnh trước đó hai ngày, anh đã phải trải qua một trận đấu năm set khác (thắng Tsonga).
Cả một giai đoạn kéo dài hai tháng sau khi mùa giải 2012 kết thúc, Federer chạy như con thoi trong các chuyến thi đấu biểu diễn theo thỏa thuận với các nhà tài trợ, trong đó có các điểm dừng chân ở Brazil và Argentina. Anh thậm chí phải bỏ lỡ cả giải đấu quen thuộc ở Doha, vì nếu tham dự giải đấu đó, anh sẽ không có đủ dù chỉ là hai tuần tập luyện chuyên biệt.
Hẳn có người còn nhớ, Federer xuất hiện ở Australian Open 2013 với vóc dáng phình to hơn, đặc biệt là ở cơ bụng. Ở điều kiện ấy, anh không thể vượt qua thử thách lần đầu tiên phải đối mặt trong sự nghiệp - thi đấu hai trận đấu năm set ở hai vòng liên tiếp.
Hệ quả của sự chuẩn bị hời hợt ấy kéo dài sang cả những giải đấu nối tiếp nhau ngay sau Australian Open. Anh không vào tới trận chung kết nào trong số bốn giải từ tháng 2 cho tới đầu tháng 5, trong đó thua cả Benneteau và Nishikori. Masters 1000 duy nhất Federer vào tới chung kết lại chỉ thắng được Nadal đúng bốn game trong trận đấu kéo dài hai set tại Rome.
Federer thử vợt mới không đúng lúc
Thử nghiệm vợt mới không đúng thời điểm
Cũng giống như Sampras, người từng được coi là Vua mặt sân cỏ, từng giành tới sáu chức vô địch Wimbledon, Federer cũng trở thành nạn nhân của một trong những cú sốc lớn nhất trong lịch sử giải đấu này nói riêng và Grand Slam nói chung. Trận thua của anh trước Stakhovsky ở vòng hai còn được cho là gây chấn động lớn hơn thất bại của Nadal ở vòng một bởi Nadal bị bào mòn sức ở Roland Garros trước đó đồng thời là lần thứ hai liên tiếp bị loại sớm.
Thất bại ấy có lẽ đã tạo ra cuộc khủng hoảng tâm lý cho Federer và cả ê kíp huấn luyện của anh. Bởi ngay sau đó, Federer đã đi đến một quyết định cực kỳ bất ngờ: Tạm cất đi cây vợt có diện tích mặt vợt 90 inch vuông đã gắn bó với anh qua bao năm tháng trong đó có 17 danh hiệu Grand Slam, để thử nghiệm cây vợt mới có diện tích mặt vợt lớn hơn.
Trên thực tế, đổi vợt để tận dụng những tiến bộ của công nghệ khi các hãng sản xuất giờ đây có thể sản xuất các cây vợt có mặt vợt lớn hơn mà vẫn hưởng ứng được với lối chơi chơi tấn công, trong khi lại hỗ trợ cho phòng ngự tốt hơn. Sự thay đổi từ hãng này sang hãng khác thậm chí cũng vẫn đảm bảo thành công, như trường hợp của Djokovic.
Nhưng đổi vợt cần một quãng thời gian dài để thích nghi trong khi cảm giác trong tennis là cực kỳ quan trọng. Cảm giác ở đây là khi vợt tiếp xúc với bóng và cả cảm giác tâm lý cho tới khi người sử dụng nó không bao giờ phải băn khoăn rằng cú đánh hỏng vừa rồi có phải là vì vợt.
Djokovic cần hơn một năm để làm chủ cây vợt mới khi anh chuyển từ Wilson sang Head. John McEnroe cho rằng ông cần quãng thời gian tương tự khi còn thi đấu chuyên nghiệp để coi cây vợt mới giống như là cánh tay nối dài.
Vậy mà Federer chỉ có chưa đầy ba tuần để làm quen với vợt mới trên sân tập rồi đem nó tới Hamburg (Đức).
Kết quả không có gì bất ngờ khi Federer thất bại và trở lại với cây vợt cũ ngay ở giải đấu tiếp theo.
Chuẩn bị cho mùa sân cứng bằng sân đất nện
Thất bại ở Wimbledon khiến cho cơ hội để cứu vãn mùa giải 2013 của Federer chỉ còn dồn vào mùa sân cứng với đỉnh điểm là US Open.
Nhưng, việc đổi vợt nói trên chưa phải là sai lầm duy nhất mà Federer phạm phải trong giai đoạn chuẩn bị cho mùa sân cứng.
Khởi động mùa sân cứng bằng sân đất nện thật sai lầm
Hamburg diễn ra trên mặt sân đất nện, và không thể là sự chuẩn bị lý tưởng để các tay vợt làm quen, thích ứng với mặt sân cứng có các yếu tố phản xạ của bóng sau khi chạm mặt sân hoàn toàn khác.
Ngay cả một người như được sinh ra để chơi trên mặt sân đất nện như Nadal cũng không tham dự giải đấu này. Hamburg dĩ nhiên cũng không có tên Djokovic hay Murray mà vấn đề không nằm ở chuyện tiền phí ra sân thấp hay cao.
Federer sau đó cũng đã phải thừa nhận việc tới Hamburg là một quyết định không hợp lý, đơn thuần bị thôi thúc bởi việc anh muốn tìm lại sự cân bằng về mặt tâm lý sau cú sốc ở Wimbledon.
Nhưng ở Hamburg, Federer còn ra sân trong tình trạng chấn thương lưng hành hạ, và phải dùng thuốc giảm đau trước và sau mỗi trận đấu.
Kết quả là Federer thua một tay vợt ít tiếng tăm, Delbonis của Hà Lan. Và cuộc khủng hoảng niềm tin trở nên trầm trọng hơn khi trong tuần kế tiếp, anh thua Daniel Brands ở Swiss Open. Lần đầu tiên trong sự nghiệp vẻ vang, Federer bị loại ở ba giải đấu bởi các tay vợt nằm ngoài top 50 (Brands 55, Delbonis 114 và Stakhovsky 116)
Chia tay Paul Annacone quá trễ?
Không thật sự rõ ràng như ba nguyên nhân nói trên, sự gắn bó của Federer với Annacone rồi chia tay sau ba năm là một câu chuyện khá mơ hồ. Mơ hồ rằng liệu sự đóng góp của Annacone có phải là nguyên nhân cốt lõi đối với việc Federer giành chức vô địch Wimbledon - Grand Slam thứ 17 và trở lại ngôi vị số 1 trong một thời gian ngắn. Và mơ hồ khi Federer chia tay có phải vị HLV người Mỹ ấy hết bài.
Federer nói khi công bố quyết định trả Annacone về nhà, rằng họ đã đạt được hai mục tiêu đặt ra khi đến với nhau (vô địch Grand Slam 17 và số 1 TG), nhưng nếu đúng như thế, cuộc chia tay ấy phải xảy ra cách nay 1 năm.
Chỉ biết rằng, phải mất hai năm kể từ khi Annacone mang danh vị HLV chính thức của Federer, huyền thoại người Thụy Sĩ mới đạt được những cái mà anh nói là mục tiêu thỏa thuận nói trên. Quãng thời gian ấy là quá dài so với một người từng năm nào cũng có danh hiệu lớn, và cả khi so với Sampras trước kia thuê Annacone để vô địch US Open 2002 rồi chia tay.
Và cũng chỉ biết rằng, lối chơi của Federer không có những thay đổi thực sự mang tính khác biệt ở hai thời điểm trước và khi có Annacone.
Chỉ có vài lần hiếm hoi chiến thuật của Federer dùng khi đối đầu với Nadal được đánh giá cao, là khi anh chủ động trả giao bóng trái tay bằng những cú ve thay vì cắt bóng.
Lẽ ra Federer phải chia tay Annacone từ năm ngoái?
Áp vào trong tấn công bằng những cú swing volley trên thực tế cũng chẳng phải là khám phá mới mẻ, và cũng hiếm khi phát huy hiệu quả.
Ở đây, cũng có một phần không nhỏ đến từ Federer, từ việc anh hầu như không cần HLV nhắc bài trong trận đấu tới việc lối chơi và kỹ thuật đã hoàn thiện của anh từ khi còn trẻ nên giờ thay đổi và bổ sung là thách thức thực sự.
Thế nên khi Federer chia tay Annacone sau thất bại sớm ở Thượng Hải Masters (thua Monfils ở vòng ba), anh hầu như không có dấu hiệu bị ảnh hưởng cả về tâm lý lẫn chuyên môn.
Thậm chí, sự tác động còn diễn ra theo chiều hướng tích cực nếu chỉ nhìn vào việc anh lọt sâu (ít nhất là bán kết) tại các giải đấu ở Basel, Paris Masters và ATP World Tour Finals.
Nếu như trước giải Tám cây vợt xuất sắc ở London, tỉ lệ đối đầu trong top 10 của Federer trong năm 2013 là hai thắng tám thua, thì ở London, anh thắng Del Potro, Gasquet, có cơ hội thắng Djokovic, và chỉ thua rõ rệt trước Nadal.
2014 - Năm phán quyết
Anh trông đợi mùa giải mới ngay từ khi mùa 2013 vẫn chưa kết thúc. Đó không chỉ là sự thừa nhận không chính thức về hàng loạt các sai lầm anh đã phạm phải trong khi thời gian ngày càng trở nên quý báu. Nó còn là sự khát khao của một người tin rằng mình đã tìm ra cách và đang khắc phục được các sai lầm ấy.
Dĩ nhiên, điều đó không đồng nghĩa với sự khẳng định rằng Federer sẽ thành công trong năm 2014, bởi việc giành Grand Slam của anh từ nay còn lệ thuộc vào phong độ của Djokvoic, Nadal và cả Murray.
Nhưng như thế cũng còn có cái để fan của anh hy vọng, bởi phải trải qua một năm tồi tệ nữa, e rằng Federer sẽ chỉ còn cầm vợt đi du đấu biểu diễn kiếm tiền, và thấy rằng gia đình mới là ưu tiên tuyệt đối!