3 thập niên phát triển của Muay Việt Nam
Vốn là môn võ cổ truyền của Thái Lan, Muay bắt đầu du nhập vào Việt Nam ở thập niên 90. Trải qua 30 năm, từ một môn võ bị gắn mác bạo lực, Muay đã trở thành môn thể thao đại chúng, với số người theo học cùng phong trào phát triển rộng rãi.
Từ “thuở bình minh”…
Có thể chia khoảng thời gian phát triển Muay tại Việt Nam theo 2 giai đoạn: 1994-2009 và từ 2010 đến hiện tại. Vốn là môn võ khá mới lạ với người hâm mộ Việt Nam, Muay ban đầu xuất hiện tại các tỉnh, thành phía Nam. Một trong những địa phương đầu tiên phát triển Muay là Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ pháp và kỹ thuật ra đòn của Muay có nhiều điểm tương tự Võ cổ truyền Việt Nam. Tuy nhiên, những võ sĩ Muay thế hệ đầu tiên của Việt Nam không chỉ xuất phát từ Võ cổ truyền. Họ còn là những võ sinh Boxing, Taekwondo, Pencak Silat và muốn thử sức ở những môn võ khác. Vào khoảng đầu thập niên 90, họ đã thi đấu nước ngoài ở các giải đấu như SEA Games và ASIAD, nơi Muay là môn võ biểu diễn.
Tại ASIAD 1998 tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, đoàn thể thao Việt Nam giành 1 HCV, 5 HCB và 11 HCĐ. Bên cạnh 5 tấm HCB do cầu mây, Taekwondo, Karate và Wushu mang lại, Việt Nam còn có 1 HCB ít được nhắc tới của Muay. Võ sĩ mang về tấm HCB ASIAD môn Muay năm đó là VĐV Giáp Trung Thang, người trước đó giành HCĐ Muay thế giới 1996 trên đất Thái Lan.
Sau thành công tại ASIAD 1998, Thái Lan bắt đầu vận động đưa Muay vào chương trình thi đấu chính thức SEA Games. Nhưng với Việt Nam, sau tấm HCB ASIAD 1998, Muay phải mất thêm 1 thập niên nữa để phát triển mạnh mẽ. Bước nhảy vọt đánh dấu Muay Việt Nam chuyển mình chính là Asian Indoor Games 2009.
Duy Nhất là võ sĩ có biệt danh "Độc cô cầu bại" của Muay Việt Nam.
Là 1 trong những môn võ được đưa vào chương trình thi đấu của Asian Indoor Games 2009, Muay chứng kiến sự thống trị của nhiều võ sĩ Thái Lan. Nhưng Muay Việt Nam cũng không chịu kém cạnh, khi giành 1 HCV từ tay người Thái trong trận chung kết hạng cân 57kg nam. Võ sĩ giành chiến thắng bất ngờ đó chính là Nguyễn Trần Duy Nhất, người sau này được biết đến với biệt danh "Độc cô cầu bại Muay".
Trên thực tế, Asian Indoor Games 2009 giống như một cú hích để phát triển Muay Việt Nam. Trước giải đấu lớn được tổ chức trên sân nhà đó, Muay Việt Nam đã có lứa huấn luyện viên, trọng tài đầu tiên được đào tạo bài bản. Họ thường xuyên tham gia những giải đấu quốc tế, bao gồm không ít chuyến đi đến Thái Lan giao đấu với chính võ sĩ trên "đất tổ" Muay.
Nguồn trọng tài và HLV thế hệ đầu tiên giúp Muay Việt Nam có sự phát triển vững chắc từ nền móng. Hiện tượng Nguyễn Trần Duy Nhất cùng những VĐV như Lê Hữu Phúc, Trần Thị Hương trở thành chất xúc tác giúp Muay phát triển nhanh hơn, sâu rộng hơn. Với những người sống sâu nhất trong lòng bộ môn Muay, ai cũng hiểu môn võ này phát triển bởi sự chung tay góp sức, chứ không nhờ cá nhân nào cả.
…Đến môn võ quốc dân
Nhắc đến Muay, võ sĩ đầu tiên công chúng liên tưởng đến là Nguyễn Trần Duy Nhất. Biệt danh "Độc cô cầu bại" gắn liền với anh sau khi Duy Nhất giành chức vô địch Muay nghiệp dư thế giới (IFMA) lần thứ 5 liên tiếp. Từ đó đến nay, Duy Nhất tiếp tục tranh tài ở đấu trường Muay thành tích cao lẫn chuyên nghiệp và giành nhiều danh hiệu lớn.
Bên cạnh TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác như Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hải Phòng, Bình Dương, Bình Phước... cũng bắt đầu thành lập đội Muay và có thành tích ấn tượng. Nếu như TP Hồ Chí Minh có "Độc cô cầu bại" Duy Nhất, thì Muay Hà Nội sở hữu nữ võ sĩ Bùi Yến Ly. Tương tự Duy Nhất, cô từng vô địch Muay thế giới IFMA, giành HCV World Games.
Ở phạm vi học đường, Muay dần được đưa vào chương trình dạy học như một phần của môn thể dục. Các em nhỏ được học Muay từ bé giống các võ sĩ Thái Lan. Bên cạnh việc nâng cao tầm vóc thế hệ tương lai, việc trẻ em tập luyện Muay từ nhỏ sẽ giúp Việt Nam khám phá thêm nhiều võ sĩ giàu tiềm năng trong tương lai. Ở Thái Lan, nhiều võ sĩ bắt đầu tập Muay và thi đấu khi mới 7-8 tuổi.
Sau thành công với thể thao thành tích cao, Muay Việt Nam chuẩn bị chứng kiến "cuộc đổ bộ" của những giải đấu chuyên nghiệp cấp độ quốc tế. Trong quá khứ, TP Hồ Chí Minh từng là điểm đến của Thai Fight, chuỗi sự kiện Muay chuyên nghiệp lớn nhất Thái Lan; cũng như ONE Championship.
Trong tương lai, những giải đấu Muay quốc tế tiếp theo sẽ đến Việt Nam. Học theo mô hình phát triển của Thái Lan, những người làm Muay tại Việt Nam đang hướng đến những hoạt động kết hợp võ thuật với du lịch, nghỉ dưỡng. Đó sẽ là phương pháp đúng đắn giúp võ sĩ, HLV Muay Việt Nam có thể sống bằng nghề, với một mức thu nhập tốt.
Chuyện luật hóa tiền “cắt phế” của Muay Những võ sĩ Muay hàng đầu của Thái Lan có thể kiếm được hàng tỷ đồng từ mỗi lần thượng đài. Tuy nhiên, họ không bao giờ giữ lại toàn bộ cho mình. Số tiền thưởng võ sĩ nhận về sau đó được chia đều cho đội ngũ huấn luyện, săn sóc viên đi cùng anh ta. Đây không chỉ là thông lệ của Muay, mà còn được hợp pháp hóa trong Luật thể thao Thái Lan, nơi xem Muay là quốc võ. Khi được hỏi về lệ "cắt phế" trong môn Muay, những võ sĩ Việt Nam cũng nói họ hoàn toàn đồng tình với điều này. "Nếu không có HLV, đội ngũ đồng hành, chúng tôi không thể thi đấu tốt và giành chiến thắng, nhận về tiền thưởng được", một võ sĩ nói. Họ cũng cho biết khoản tiền chia với đội ngũ huấn luyện sẽ được HLV hỗ trợ cho những võ sĩ đang gặp khó khăn, hoặc đang gặp chấn thương. Vì lý do đó, chuyện "cắt phế" tiền thưởng có thể gây bức xúc ở nhiều môn võ khác, nhưng lại bình thường với Muay. Một võ sĩ từng sang Thái Lan tập huấn nói anh rất ấn tượng khi một nhà vô địch Muay ONE Championship trở về CLB mời mọi người dùng cơm, và tại bữa ăn đó, anh chồng một mâm tiền gửi lời cảm ơn đến các HLV. |
Nguồn: [Link nguồn]
(Tin thể thao, tin võ thuật) Võ sĩ Nhật Bản tung cú đá quá nhanh, đối thủ chưa kịp phản ứng đã nằm sàn, bất tỉnh.