Rock và thời trang ghi dấu ấn tại Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024
Một sân khấu mở, “đỉnh nóc, kịch trần” được dựng lên trước Nhà hát Lớn - một trong những di sản kiến trúc nghệ thuật của thủ đô. Ở đó, Hà Nội trở thành chốn đi về, điểm giao thoa bùng cháy giữa truyền thống và hiện đại, sự gặp gỡ và đối thoại giữa các thế hệ.
Lần đầu tiên, rock và thời trang kết hợp trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề "Hà Nội chốn đi về", diễn ra vào tối 10-11 ở giao lộ quảng trường Cách mạng tháng Tám.
Rock & Thời trang “Hà Nội chốn đi về” - sân chơi sáng tạo không giới hạn của các bạn trẻ.
Sự kiện được tổ chức với sự đồng hành của VPBank, có sự góp mặt của gần 40 nhà thiết kế trẻ và 5 band nhạc rock giao thoa giữa các thế hệ rock ở Hà Nội.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tiếp thị VPBank chia sẻ, chương trình Rock & Thời Trang “Hà Nội chốn đi về” đã vượt ra khỏi khuôn khổ sự kiện âm nhạc và thời trang, mở ra hành trình khai mở tinh thần sáng tạo của thế hệ trẻ, những người sẽ định hình tương lai của ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo Hà Nội.
Hà Nội chốn đi về của quá khứ và tương lai
"Hà Nội chốn đi về" được chia thành hai phần: Trình diễn thời trang và biểu diễn nhạc Rock, với những màn biểu diễn bùng cháy giữa "trái tim" giữa thủ đô.
Ở khía cạnh thời trang, sự kiện giới thiệu gần 100 tác phẩm của các nhà thiết kế tại giao lộ sáng tạo đến từ 5 trường Đại học: Đại học Hòa Bình, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, Đại học Mở Hà Nội, Đại học Duy Tân Đà Nẵng.
Các bộ sưu tập được khơi nguồn, lấy cảm hứng từ tinh hoa trong văn hóa truyền thống như họa tiết thủy ba, nhật bình, câu hò, tứ huyền linh, nghệ thuật thủ công truyền thống, tranh Hàng Trống, cá chép hóa rồng, vọng nguyệt… giao thoa cùng với hiện đại, đầy tính sáng tạo, nghệ thuật. “Sân chơi không chỉ là một sàn diễn tôn vinh những tài năng trẻ trong lĩnh vực thiết kế đơn thuần mà còn là bệ phóng, cổ vũ các nhà thiết kế trẻ tiếp tục đam mê, vững tin theo đuổi khát vọng sáng tạo, hiện thực hóa mục tiêu đưa Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo của khu vực trong lĩnh vực thiết kế trong tương lai gần”, đại diện VPBank nói.
Bùng nổ nhất là những tiết mục âm nhạc do các ban nhạc rock nhiều thời kỳ của Hà Nội trình bày. Khán giả đứng kín quanh quảng trường Cách mạng tháng Tám, được sống trong một không khí âm nhạc thăng hoa, nhiều năng lượng hiếm có.
Show Rock&Thời trang thu hút đông đảo khán giả trẻ thủ đô
Hà Nội từng là “thánh đường” của nhạc rock với sự bùng nổ của các ban nhạc rock sinh viên trong những năm 1990. Hơn chục năm trở lại, không khí rock thủ đô có phần trầm lại khi dòng nhạc rap lên ngôi. Nhưng có điều đặc biệt, khi lớp đàn anh vẫn vẹn nguyên tình yêu máu lửa cho rock thì Hà Nội bắt đầu xuất hiện những ban nhạc rock trẻ tiếp nối như Lý Bực, Những đứa trẻ, Blue Whales…
Các nghệ sĩ thăng hoa cùng cảm xúc, kể câu chuyện di sản ngay giao lộ thời gian
Để tối 10-11, ở một quảng trường rộng cũng là một giao lộ của ký ức, những khán giả yêu rock chứng kiến một sự gặp gỡ thú vị. 5 ban nhạc rock các thời kỳ của Hà Nội không hẹn mà gặp, cùng hát lên di sản rock thủ đô.
Không chỉ có những người anh Purple Blues, Thủy Triều Đỏ, Ngũ Cung mà còn có những người em Lý Bực và Blue Whales với chất rock metal máu lửa không kém nhưng vẫn đầy sự tươi mới của thế hệ gen Z.
Còn gì hợp hơn khi Lý Bực được chọn mở màn với loạt ca khúc “Vắng”, “Họa”, “Kiềm trớ”, “Cát bụi” và “Smells like teen spirit”. Chia sẻ tại show, Lý Bực nói “Lý Bực không chỉ là một ban nhạc mà còn là một tinh thần” như một khẳng định chắc nịch cho tinh thần rock xuyên màn đêm mà các thế hệ đi trước để lại và họ là một trong những người kế tục, phát triển.
Blue Whales – với những màn trình diễn tràn đầy sức sống và phá cách
Hay Blue Whales - một ban nhạc rock mới toanh của Hà Nội với 7 thành viên, từng tham gia cuộc thi Band Đấu - cũng đã bắt đầu thể hiện được cái “màu” riêng của mình với các ca khúc “Lạc lối”, “Rời”, “Khi sen nở hoa”.
Sau xáo trộn thành viên, Ngũ Cung đã bắt đầu ổn định lại. Họ hát lại hit cũ “Cướp vợ”, “Cô đôi thượng ngàn” khiến người hâm mộ lắc lư hát theo đầy hào hứng, đồng thời giới thiệu cả những ca khúc mới trong album “Di sản” ra mắt mới đây.
Khán giả cuốn theo những giai điệu rock từ hoang dã, cuồng nhiệt, đến ngọt ngào, sâu lắng
Đêm rock show chốt lại với những bài ca “nặng đô” của Thủy Triều Đỏ qua vệt ca khúc ghi dấu ấn như “Người hát rong”, “Nắng mới”, “Thời gian”, “Ánh sáng núi rừng”, “Tân thế giới”, “Vượt qua chính mình” và Purple Blues với các ca khúc cover như “In the end”, “Numb”, “Gimme Gimme”, “The winter take it all”, “Hey Jude”… Purple Blues còn “kéo” vocalist Việt James của Thủy Triều Đỏ lên sân khấu để hòa cùng một bản giao hưởng thời gian khiến khán đài bao quanh vỡ òa.
Vun đắp một cộng đồng sáng tạo bền vững
Ngoài rock show và thời trang “Hà Nội chốn đi về”, không gian VPBank x Tòhe - Giao lộ ký ức ở vườn hoa Lý Thái Tổ - thuộc khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm nay - cũng đón đông người tham dự chẳng kém, đặc biệt là các vị khách nhí.
Người lớn và trẻ em thích thú không gian sáng tạo Giao lộ ký ức- VPBank xTòhe
Ở điểm chạm thời gian này, người lớn và trẻ nhỏ cùng nhau xem phim hoạt hình những năm 1960, 1970 ở Nhà Chiếu phim ký ức. Cùng trải nghiệm in dập, tương tác họa tiết gạch bông một thời, ngồi ghép gạch mosaic và cắt ghép những con rối hoạt hình ngộ nghĩnh ở Nhà các Xưởng in dấu tháng năm, Xưởng ghép gạch và Xưởng rối.
Giao lộ ký ức- nơi trẻ thơ bay bổng trong giấc mơ ság tạo
Tham gia những hoạt động này, các em nhỏ - những công dân sáng tạo tương lai - được “sống” và “cảm” cùng/trong di sản. VPBank x Tòhe - Giao lộ ký ức trở thành cầu nối để người lớn tìm lại ký ức trẻ thơ, đánh thức sức sáng tạo trong mỗi người; còn các em nhỏ được thỏa sức tưởng tượng, bay bổng trong không gian sáng tạo không giới hạn, nơi mọi ý tưởng đều được tôn trọng và nuôi dưỡng.
Bà Nguyễn Thùy Dương cho rằng, trải dài từ mỹ thuật, thủ công, trình diễn sân khấu đến điện ảnh, âm nhạc, “những hoạt động trong chương trình do VPBank đồng hành nói riêng hay Lễ hội Thiết kế sáng tạo nói chung đã vượt lên khuôn khổ một sự kiện văn hóa thông thường để trở thành một ‘học viện di sản’ sống động, đánh thức và nuôi dưỡng những tiềm năng sáng tạo cho các bạn trẻ”.
Những trải nghiệm này không chỉ khơi gợi ký ức mà còn tạo ra một giao lộ gặp gỡ lớn, nơi các thế hệ và bối cảnh khác nhau có thể thực hành và chia sẻ câu chuyện, trải nghiệm sáng tạo của mình. Từ đó cùng vun đắp tinh thần sáng tạo chung, đóng góp vào sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam theo hướng bền vững.
Nguồn: [Link nguồn]