"Thần dược" nâng cao mũi không dao kéo

Đặc điểm cơ địa nên người châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng thường sở hữu mũi to và thấp. Chính vì thế, rất nhiều người tìm đến phương pháp làm đẹp bằng filler, một loại "thần dược" trong việc nâng cao sống mũi mà không tốn quá nhiều thời gian và đặc biệt không cần phẫu thuật.

Ước mũi cao, được... mũi to

Sáng nay, tôi vừa đến nhà gửi xe cơ quan thì thấy chị đồng nghiệp T.T.N "tóm" ngay vào phòng buôn chuyện về... cái mũi. Nhìn cánh mũi đỏ au, sưng húp với vẻ mặt nhăn nhó của chị, tôi hiểu ra vấn đề. Đó là hậu quả do làm đẹp ở một trung tâm thẩm mỹ ở Cầu Giấy (Hà Nội) với 45 triệu đồng. Cao và thẳng chưa thấy đâu, chỉ thấy mũi của chị biến dạng, sưng phồng sau 3 mũi tiêm. Đến bác sĩ chuyên khoa, chị N. được chẩn đoán là phản ứng với chất filler, vì vị trí tiêm và liều lượng không tương thích.

Để tìm hiểu sự tình, trong vai một "tín đồ" làm đẹp, tôi và cô bạn gái đặt chân đến một cơ sở làm đẹp nổi tiếng trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội. Nhân viên ở đây quảng cáo: "Bây giờ muốn có một chiếc mũi thẳng, cao rất đơn giản. Đó là sử dụng phương pháp tiêm filler để tạo dáng mũi, phương pháp mới này đang được ưa chuộng tại Hàn Quốc, Hồng Kông". Sau khi nhận ra vẻ mặt do dự của tôi, cô nhân viên tiếp thêm: "Bọn em sẽ bảo hành trọn đời nên chị cứ yên tâm. Ưu điểm của phương pháp này là không đau, không cần gây mê, không tốn kém và nhất là không cần phẫu thuật. Thuốc được nhập từ Hàn Quốc, có giấy chứng nhận". Khi tôi hỏi giá cả bao nhiêu cho một lần "đại tu" và ngỏ ý muốn "mục sở thị" giấy chứng nhận thì chỉ nhận được báo giá 24 triệu đồng/ ba mũi tiêm và dung lượng thích hợp nhưng giấy chứng nhận thì không đưa ra.

"Thần dược" nâng cao mũi không dao kéo - 1

Người đẹp Đàm Thu Trang đang dính nghi án sử dụng filler để làm đẹp và gây biến dạng

Được biết, filler là một dạng chất làm đầy, được cấu tạo từ bộ khung cao phân từ Polyamide với cấu trúc không gian ba chiều tương tự collagen, bên trong nước muối sinh lý chiếm 98% khối lượng sản phẩm. Mặt khác filler được xác định là chất độn sinh học đạt đến 90% mức độ tương đồng với cơ thể con người, nó đang tạo nên một cơn sốt trong giới làm đẹp. Ngoài tác dụng chính là nâng cao sống mũi thì chất này còn được sử dụng để giảm vết nhăn, tạo dáng mặt, trẻ hóa làn da và nâng mô vùng mặt, tạo hình cằm, nâng ngực, tạo đường cong, giống như collagen dạng lỏng. Khi muốn đưa filler vào mũi, người ta sẽ dùng những chiếc kim mũi kim siêu nhỏ (làm đầy, làm thẳng sống mũi, làm nở cánh mũi).

Phương pháp làm đẹp này đang được công nhận là một "cuộc cách mạng" mới trong làng thẩm mỹ, làm đẹp bởi nó dường như đã "đánh bại" được botox. Chất làm đầy filler có hai loại chủ yếu: Đó là chất làm đầy vĩnh viễn và chất làm đầy không vĩnh viễn. Nhưng ở Việt Nam thường sử dụng loại thứ hai vì filler làm đầy vĩnh viễn đã bị cấm do những tác hại gây ra cho đối tượng sử dụng.

"Tiền mất tật mang"

Tại các diễn đàn trên mạng, các thành viên cũng tỏ ra quan tâm đến phương pháp làm đẹp mới mẻ này. Theo bác sỹ Trần Ngọc Sĩ, chuyên khoa thẩm mỹ thì, filler là tiến trình điều trị không phẫu thuật xâm lấn đã được cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chứng nhận về độ an toàn và hiệu quả, đã được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, tiêm filler có thể không thích hợp trong các trường hợp bệnh tự miễn, dị ứng hoặc nhạy cảm thành phần của chất, nhiễm trùng do viêm, phụ nữ có thai và cho con bú. Tuy nhiên, việc sử dụng chất làm đầy filler cũng như một "con dao hai lưỡi", phải tuân thủ quy tắc, liều lượng và đối tượng sử dụng nhất định nếu không muốn gây ra hậu quả khôn lường". Bác sỹ Sĩ khẳng định, tại các cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ viện hiện nay, họ sử dụng liệu pháp filler rất tùy tiện và rất nhiều trong số đó chưa thông qua đơn vị cung cấp, giấy chứng nhận độ an toàn.

Chị Nguyễn Thị H. nhân viên thẩm mỹ viện T.N ở phố Lý Nam Đế, Hà Nội, cho biết: "Hiện nay, làm đẹp mũi bằng filler đang rất phổ biến ở thẩm mỹ viện, trung tâm làm đẹp. Tôi khuyến cáo người đi làm đẹp hãy cẩn trọng, vì chất filler có thể mang hiệu quả ngược lại. Sau khi được tiêm vào cơ thể, tác dụng của filler không kéo dài vĩnh viễn như nhiều người lầm tưởng. Thời lượng tối đa chỉ từ 6-8 tháng, có nghĩa là khi đã sử dụng filler, bạn sẽ phải đi tiêm định kỳ mỗi năm 1-2 lần nếu không muốn ngoại hình biến dạng".

Filler đang "hoành hành" showbiz Việt

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, các người đẹp trong giới showbiz Việt đang dẫn đầu trào lưu làm đẹp này. Khuôn mặt của họ đang đẹp, hài hoà, tự nhiên bị sưng, méo, da nhăn nheo nhanh... rất có thể do họ đã lạm dụng chất làm đầy filler để giúp khuôn mặt căng mịn, đáng yêu nhưng hậu quả là "tiền mất, tật mang". Một số cái tên được nghi là "nạn nhân" của filler như: Người đẹp Julia Hồ, Đàm Thu Trang, Ngân Khánh, Ely Trần, Đinh Ngọc Diệp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Lê (Người Đưa Tin)
Những trường hợp, nhân vật thẩm mỹ đặc biệt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN