Quá khứ “rùng mình” của ngành phẫu thuật thẩm mỹ

Ở thời sơ khai của “dao kéo”, những ca mất mũi, tử vong… thường xuyên xảy ra.

Hậu quả của phẫu thuật thẩm mỹ

Một khách hàng của phẫu thuật thẩm mỹ thời kỳ sơ khai

Ngày nay, ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ đã có những bước phát triển vượt bậc, giúp nhiều chàng trai, cô gái có cơ hội cải thiện vóc dáng, nhan sắc. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, con đường của ngành “dao kéo” cũng không hề trải hoa hồng.

Một trong những ca phẫu thuật đầu tiên được thực hiện là từ thế kỷ 16 ở Anh. Nhà nghiên cứu sử học Margaret Pelling cho biết, thời kỳ này, các ca “dao kéo” chỉnh sửa mặt, thay đổi những dị tật do bẩm sinh hay tai nạn đã xuất hiện.

Đó là bởi theo quan niệm xưa, một khuôn mặt xấu xí cũng phản ánh nội tâm không tốt đẹp. Cách nghĩ có phần cổ hủ này khiến những ai có gương mặt không ưa nhìn phải chịu đựng nhiều thiệt thòi và mong muốn thay đổi.

Tuy nhiên, do chưa có đầy đủ điều kiện về y học, hầu hết khách hàng đầu tiên của phẫu thuật thẩm mỹ đã gặp rắc rối lớn, có người mất mũi, mất một phần da trên trán, cánh tay hay thậm chí gặp nguy hiểm tới tính mạng.

Năm 1841, cuốn sách mang tên Iconografia d’Anatomia được xuất bản còn đăng tải một hình ảnh đáng sợ. Trong đó, da trên trán của bệnh nhân bị cắt bỏ. Có người thậm chí còn bị băng bó tay để giữ nguyên vị trí, trong khi mảng da tay vẫn được nối với da trên mũi trong lúc chờ lành vết thương.

Hau qua cua phau thuat tham my

Hình ảnh cho thấy, da mũi của bệnh nhân vẫn gắn với phần da lấy từ cánh tay, trong lúc chờ 2 vết thương liền lại

Ở thời kỳ này, để cải thiện ngoại hình, da từ các phần trán và cánh tay của bệnh nhân được sử dụng. Năm 1846, ca phẫu thuật được quảng cáo là “không đau” đầu tiên trên thế giới được thực hiện bởi một nha sĩ người Mỹ - William Morton. Ông dùng một ống thổi và khăn mặt bịt một đầu để thổi khí ether gây mê cho bệnh nhân.

Khi nói đến phương pháp này, nhiều nhà nghiên cứu vẫn rùng mình bởi thổi ether liều lĩnh như vậy là một phương pháp phản khoa học. Cách làm tương tự có thể gây quá liều và khiến bệnh nhân tử vong khi đang hôn mê.

Những ca phẫu thuật rùng rợn, đe dọa tính mạng tương tự vẫn tiếp diễn cho tới tận những năm 1860 khi bác sĩ người Anh Joseph Lister đưa ra những mô hình về vô trùng, tẩy trùng cho dụng cụ phẫu thuật thẩm mỹ. Các mô hình này được lan truyền khắp Pháp, Đức, Áo và Ý, làm giảm nhanh nguy cơ lây nhiễm và tử vong ở các ca “dao kéo”.

Thời sơ khai phẫu thuật thẩm mỹ

Một quảng cáo công nghệ chỉnh sửa được đăng trên báo cũ

Tuy nhiên, ngay cả khi công nghệ đã khá khẩm hơn, những kết quả chưa được như ý vẫn tiếp diễn. Theo một báo cáo năm 1908, các ca tiêm chất lỏng vào mũi đã dẫn đến rất nhiều trường hợp chảy chất lỏng, tạo thành những hình dáng mũi không mong muốn hay lan ra mặt, gây ung thư

Một điểm thú vị của phẫu thuật thẩm mỹ thời sơ khai là, phụ nữ không bao giờ bơm ngực. Những bộ ngực nhỏ, tròn trịa được coi là biểu tượng của sự trẻ trung và gợi cảm. Trong khi đó, bộ ngực lớn bị coi là lạc hậu, thậm chí dị dạng.

Vào những năm đầu của thế kỷ 20, phái đẹp chủ yếu thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ thu nhỏ ngực. Phải đến năm 1950, quan niệm này mới thay đổi và bộ ngực lớn bắt đầu được công nhận là tiêu chuẩn gợi cảm.

Cũng bắt đầu từ thời điểm này, khách hàng mà đặc biệt là phái đẹp bắt đầu được trải nghiệm nhiều hơn công nghệ hiện đại tân tiến và có phần an toàn hơn. Dù vẫn có nhiều ca “dao kéo” hỏng dẫn tới tác động khôn lường, không thể phủ nhận, trải qua hơn 100 năm phát triển, phẫu thuật thẩm mỹ ngày nay đã có thể phần nào quên đi những hình ảnh rùng rợn và xấu xí trong quá khứ.

Phau thuat tham my

Ngành công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ đã tiến những bước rất xa so với thuở hồng hoang của mình (Ảnh minh họa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Trúc (Theo Independent) ([Tên nguồn])
Phẫu thuật thẩm mỹ: Con dao hai lưỡi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN