Nạn nhân của “trang điểm vĩnh viễn”
Ai xăm mình? - Câu trả lời rằng đó là bất kỳ ai. Từ người mẫu, ca sỹ, diễn viên, người bình thường, giới trẻ, nam nữ bất kể tuổi tác lẫn địa vị công việc.
Lý do để xăm mình cũng rất nhiều: do sở thích, do cá tính, do chạy theo “mốt”… Xăm thì dễ, những xóa xăm không phải là vấn đề đơn giản thế nên nhiều người đã trở thành nạn nhân của hình thức “trang điểm vĩnh viễn” là vì vậy.
Lây bệnh vì xăm?
Không thể phủ nhận có những tác phẩm xăm nghệ thuật mang tính thẩm mỹ cao, nhưng dư luận nói chung lại không mấy thiện cảm với những ai xăm lên cơ thể mình những hình thù kỳ dị, quái gở. Phát triển mạnh như một thứ “mốt”, mà đã là “mốt” thì có khi khiến người Việt phải vượt qua cả biên giới để thỏa mãn thú vui, sở thích “làm đẹp” như sang Thái Lan, Singapore… Chỉ mất vài giờ để có một hình xăm như ý nhưng việc đưa một hình xăm lên cơ thể sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ về sức khỏe cũng như các vấn đề xã hội khác.
Thực tế, các nguy cơ thường gặp khi xăm mình đầu tiên phải kể đến các bệnh lây lan qua đường máu. Nếu các dụng cụ dùng để xăm mình bị nhiễm bẩn bởi máu của những người mang bệnh chắc chắn sẽ bị truyền nhiễm một số bệnh như viêm gan siêu vi B - C, Herpes, uốn ván, lao, bệnh phong, giang mai và HIV. Nhiều trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh đã cảnh báo về một số bệnh truyền nhiễm qua da khá nghiêm trọng có liên quan đến việc xăm mình, có thể dẫn đến viêm phổi, hoại tử, nhiễm khuẩn máu.
Các chất nhuộm màu trong mực xăm có thể gây ra tình trạng dị ứng mà dấu hiệu dễ thấy nhất là xuất hiện phát ban ngứa ở vùng da có vết xăm. Triệu chứng này có thể kéo dài trong nhiều năm sau khi xăm.
Hình minh họa
Những “sáng chế” xóa xăm
Xăm đã khổ, xóa xăm còn tệ hơn rất nhiều lần. Những câu chuyện có thật theo kiểu nạn nhân tự dùng kim chọc - nhể vào hình xăm với hy vọng sẽ nặn mực xăm ra khỏi da nhưng vô vọng. Ngoài ra, không ít người đã tìm đến các cơ sở xóa xăm “bình dân” để dùng muối chà xát, dùng axít, thuốc tím đậm đặc, dùng bàn là nóng… xóa hình xăm.
Hậu quả của các phương pháp “sáng chế” này để lại là các vết sẹo loang lổ, chỗ lồi, chỗ lõm dị dạng mà mực xăm vẫn không hết. Một phương pháp tự nghĩ, tự chế của giới xóa xăm “bình dân” đó là sáng kiến ra việc pha màu mực xăm giống với màu da người rồi xăm đè lên hình xăm cũ. Nhưng pha màu da người không dễ, màu sắc khi xăm lại biến đổi theo thời gian, rốt cuộc các vị thượng đế phải dở khóc, dở cười với... hình xăm có một thứ màu loang lổ. Trước đây, để xóa xăm, người ta dùng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ phần da bị xăm, lấy da từ nơi khác trên cơ thể để ghép vào. Cách làm này có thể gây sẹo tại cả nơi ghép da và nơi lấy da.
Đối với trường hợp dùng phẫu thuật để xóa xăm chân mày, mí mắt... thường bác sỹ cắt bỏ bớt phần da có xăm để thu hẹp chân mày, nhưng sẽ tạo sẹo và thường phải cấy lại lông mày bù phần nang lông bị lấy mất cùng với da xăm dẫn đến việc mắt bị lồi ra…
Phổ biến nhất là việc xóa xăm bằng công nghệ laser. Tuy nhiên laser có rất nhiều loại, loại thông dụng nhất, giá rẻ, phần lớn do Trung Quốc sản xuất là loại laser CO2. Tính chất của tia laser CO2 là hủy hoại vật thể có chứa nước khi chiếu tia vào nên hình xăm bị xóa đi đồng thời phần da bên trên cũng bị hủy hoại, thành sẹo. Gần đây, các nhà khoa học và các bác sỹ thẩm mỹ đã nghiên cứu thành công loại laser phù hợp để xóa các sắc tố trong da. Tuy nhiên do máy laser đắt tiền, bảo trì khó khăn nên không nhiều cơ sở thẩm mỹ có thể trang bị được dẫn đến việc nhiều cơ sở vẫn lợi dụng sự thiếu thông tin của khách hàng, vì lợi nhuận mà sử dùng cách xóa xăm “xẻo” chỗ nọ, “đắp” chỗ kia hoặc sử dụng các biện pháp thủ công gây không ít rủi ro.
Lĩnh sẹo vì thuốc xóa hình xăm
Vì muốn xóa hình xăm nhiều người đã tìm đến thuốc xóa hình xăm “3 không” - “không hạn sử dụng, không nhãn mác, không rõ nguồn gốc”. Đây là loại thuốc xóa xăm được nhiều người ưa chuộng vì những lời quảng cáo: đơn giản, tiện dụng, nhẹ nhàng, rẻ, dễ sử dụng: Chỉ cần dùng một ít thuốc thoa lên vùng da đã xăm là hình sẽ biến mất (?) Người mua chỉ cần bỏ ra khoảng mấy chục nghìn đồng là có ngay một lọ thuốc xóa xăm “thần dược”, rẻ hơn rất nhiều so với thực tế cho một lần đi xóa bằng tia lazer lên đến hàng triệu đồng.
Để sở hữu các sản phẩm xóa xăm đang trôi nổi ngoài thị trường chỉ cần lên mạng tìm kiếm, gọi điện là “hàng” sẽ được mang đến tận nơi. Nhưng thực tế chẳng ai biết nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và tác dụng phụ của nó đem lại. Chỉ vài ba lần bôi thuốc vào hình xăm sẽ thấy mẩn ngứa, sưng đỏ tấy trên bề mặt da. Thuốc xóa xăm “thần dược” là một dung dịch chất lỏng gồm 2 màu tím và trắng được được trong một lọ thủy tinh nhỏ trong suốt có giá bán dao động trên dưới 100.000 đồng/lọ. Loại thuốc xóa xăm “thần dược” giá rẻ như bèo này có xuất xứ từ Trung Quốc qua con đường nhập lậu về Việt Nam. Nhiều người sau khi lấy hàng về thường chế ra các lọ nhỏ để thuận lợi cho việc tiêu thụ. Được biết dung dịch xóa xăm không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường có chứa một lượng axít quá lớn tấn công khiến cho hình xăm ngày càng lở loét, ăn mòn và nhiễm trùng. Những bệnh nhân nặng bị chất axít ăn sâu vào trong lớp thịt dưới vết xăm; sau khi điều trị lại phải nhận thêm một vết sẹo nhăn nhúm mà không một loại mỹ phẩm nào có thể làm mờ được.
Đoan Trang