Kéo dài chân: Đẹp hay họa?

Đôi khi ước mơ về một đôi chân dài quyến rũ có thể gây hại cho chính bạn.


Từ khi bộ phim “những cô gái chân dài” được trình chiếu đến nay, có thể nói, danh từ “chân dài” ngày càng làm mưa làm gió, giúp cho nhiều cô gái may mắn sở hữu đôi chân miên man tự hào, hãnh diện hơn với tạo vật trời ban cho mình. Nhưng không phải ai cũng may mắn được như thế, vì với vóc dáng đặc trưng của người Việt, con số chị em bị gọi là “nấm lùn” cũng rất nhiều, khi một thống kê vào năm ngoái đã cho biết chiều cao trung bình của nữ giới nước ta là 1m50.

Chính vì thế, chị em ta đành phải tìm mọi giải pháp để tăng chiều cao, từ đơn giản và thông dụng nhất là mang giày cao gót cho đến giải pháp hiện đại đang được ưa chuộng trên khắp thế giới là phẫu thuật kéo dài chân. Tuy nhiên, cái nào cũng có mặt lợi và hại của chúng, cả với hai phương pháp này cũng vậy, có nhiều nguy cơ tiềm ẩn đến sức khỏe mà có khi bạn không ngờ tới.

Giày cao gót có thể gây… vô sinh!

Kéo dài chân: Đẹp hay họa? - 1

Giày cao gót thu hút mọi ánh nhìn, và cũng… thu hút nhiều nguy cơ khác cho sức khỏe của bạn

Mặc dù giày cao gót giải quyết tức thời việc cải thiện chiều cao và giúp bạn đẹp hơn, nhưng mang giày cao gót thường xuyên có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ bên ngoài của bạn. Đầu tiên là gây đau đớn và dị tật cho ngón chân, gót chân, những nơi tiếp xúc trực tiếp với giày. Một loạt các hậu quả thẩm mỹ từ việc mang giầy cao gót có thể liệt kê như sau:

Những nốt chai chân. Khi bạn mang giày quá cao, gót quá nhọn hoặc giày bị chật… thì chỉ sau một thời gian ngắn, những nốt chai xù xì sẽ xuất hiện. Chúng khiến bạn đau và không thoải mái mỗi khi xỏ chân vào giày.

Những vấn đề về móng chân. Nếu bạn đi giày cao gót dạng bít mũi suốt tám tiếng/ngày, trọng lượng cơ thể tác động lên các ngón chân có thể sẽ làm móng chân bạn mọc ngược vào trong, hoặc gây nên bệnh nấm móng.

Ngón chân dị dạng. Đi giày cao gót khiến những ngón chân luôn bị trượt về phía trước. Nếu để tình trạng này kéo dài quá lâu, những ngón chân sẽ bị biến dạng. Đặc biệt là các đốt ngón chân sẽ bị cụp vào, gây đau đớn.

Viêm tấy kẽ ngón chân. Nếu kẽ ngón chân cái của bạn đang bị viêm, cần tuyệt đối tránh mang giày bít cao gót. Giày kín và chật sẽ làm tình trạng viêm nhiễm trở nên tồi tệ hơn và có thể làm bệnh lan sang những ngón chân khác.

Co dây chằng gót chân. Dây chằng giúp nâng đỡ chân khi bước đi. Nếu mang giày cao trong thời gian dài, gót chân không có cơ hội tiếp xúc với mặt đất, dây chằng nơi gót chân sẽ khó duỗi ra. Khi đó bạn sẽ không thấy thoải mái khi đi chân trần hoặc mang giày đế bằng nữa.

Chưa kể đến việc, sức khỏe của bạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đầu tiên là việc ảnh hưởng đến xương gai cột sống. Do tư thế cong tự nhiên của lưng có tác dụng như bộ phận giảm xóc nhằm làm giảm áp lực lên cột sống, nên khi di chuyển bằng giày cao gót sẽ khiến cơ thể luôn bị ngả về phía trước. Và phản ứng tự nhiên lúc này của cơ thể là sẽ giảm phần cong phía dưới lưng để cơ thể được giữ thẳng. Nếu tư thế này không được cải thiện về lâu dài sẽ dẫn đến hiện tượng đau lưng do hệ cơ phải làm việc quá sức.

Đồng thời, đi giày cao gót lâu ngày, các khớp phải làm việc liên tục trong khi diện tiếp xúc ít dẫn tới tình trạng khớp bị lỏng lẻo và thoái hóa sớm nên thường gặp hiện tượng đau, mỏi gối và mỏi chân. Và bạn có biết là, nguy cơ chấn thương sẽ tăng đến 25% khi bạn mang giầy cao gót, giầy càng cao thì nguy cơ này càng tăng, đó là chưa nhắc đến nguy cơ nghiêm trọng nhất có thể ảnh hưởng đến cổ tử cung và làm giảm khả năng thụ thai của bạn.

Nghe thì có vẻ khó tin phải không bạn? Vì giày cao gót thì có liên quan gì đến cổ tử cung? Nhưng thực tế, các chuyên gia y tế đã khẳng định chính xác về điều này. Theo các chuyên gia, do khi đi giày cao gót, gót chân ở vị trí cao hơn so với mũi bàn chân, chân phải trực tiếp chịu sức nặng cơ thể, mô mềm gan bàn chân dù có tác dụng như một “đòn” giảm xóc cũng không thể chịu đựng được tải trọng quá lớn một cách thường xuyên. Sự gồng gánh này gây nên tình trạng chấn thương kéo dài, thậm chí gây ảnh hưởng cổ tử cung.

Khi mang giày cao gót thường xuyên, bộ máy “nội tạng” bị ảnh hưởng tiêu cực. Hoạt động của hệ thống niệu sinh dục có thể bị nguy hại dẫn tới những thay đổi của các cơ quan bên trong. Kết quả là chị em có thể bị lãnh cảm vì máu lưu thông không đều đến khu vực xương chậu. Khả năng khác là làm cho khung xương chậu bị nghiêng sang một bên, làm rối loạn kinh nguyệt, đau bụng mỗi khi hành kinh và giảm một số chức năng của bụng, dẫn đến khả năng thụ thai kém.

Kéo dài chân: Đẹp hay họa? - 2

Giày cao gót tăng đến 25% nguy cơ tổn thương cho đôi chân của bạn, chưa kể khả năng vô sinh và lãnh cảm

Kéo dài chân: Ước mơ nhan sắc đầy mạo hiểm!

Nếu giày cao gót, tuy nguy hiểm, nhưng không can thiệp trực tiếp vào cơ thể, thì với thủ thuật kéo dài chân, bạn sẽ phải đối mặt trực tiếp với nỗi đau dai dẳng trong suốt quá trình phẫu thuật và sau phẫu thuật. Chưa kể, để hiện thực hóa giấc mơ “chân dài”, bạn phải nằm trên giường ít nhất là 3 tháng trời cho việc cố định nẹp chân.

Kéo dài chân: Đẹp hay họa? - 3

Nằm trên giường suốt hơn 3 tháng trời chỉ là… chuyện nhỏ so với nỗi đau do phương pháp kéo dài chân này mang lại

Theo các chuyên gia y tế, thủ thuật kéo dài chân là một phương pháp phức tạp, nguy hiểm, thường được dùng cho những bệnh nhân có khuyết tật hoặc di chứng chấn thương ở chân, thế nhưng hiện nay nhu cầu kéo dài chân vì lý do thẩm mỹ chiếm chủ yếu, đặc biệt là giới trẻ. Cách thực hiện được diễn ra theo tuần tự như sau: Người ta tiến hành cắt xương và gắn vào xương một bộ dụng cụ có thể làm tăng dài xương. Khi xương được kéo dãn ra với tốc độ chậm phù hợp, sẽ có sự tái tạo xương mới dần dần lấp đầy vào khoảng trống. Các tế bào gân cơ, mạch máu, thần kinh cũng tân tạo tương xứng. Kết quả cuối cùng là có được một cẳng chân (hoặc đùi) mới dài hơn với đầy đủ các cấu trúc cũng như chức năng như bình thường. Do phải cắt xương và gắn các công cụ chuyên dụng vào xương, nên hậu quả đầu tiên phải kể đến khi đã quyết định phẫu thuật kéo dài chân là… đau.

Cụ thể là đau sau phẫu thuật do cắt xương, xuyên đinh qua xương để đặt khung kéo, đóng đinh nội tuỷ chốt một đầu gần để kéo xương thẳng trục và sẽ chốt lại đầu xa khi đạt chiều dài cần kéo. Đau có thể xảy ra khi kéo xương mỗi ngày 1mm (chia đều bốn lần kéo trong ngày, thường bắt đầu kéo 7 – 10 ngày sau mổ). Đồng thời, cũng sẽ xảy ra tình trạng đau do gân cơ, mạch máu, thần kinh cũng bị kéo căng theo xương. Một số người nhạy cảm có thể tăng huyết áp, bứt rứt mất ngủ, thậm chí căng tê khó chịu ở chân kéo. Ngoài ra, nhiễm trùng chân đinh khung kéo, trật hoặc bán trật khớp do kéo dài xương quá mức, lệch xương kéo, đứt đoạn canxi xương do nôn nóng kéo vượt quá quy định để đạt được chiều dài mong muốn... cũng rất dễ xảy ra.
 
Sau khi kéo sẽ đạt được chiều dài (tốt nhất từ 5-10cm), thời gian chờ lành xương cũng mất ít nhất gấp sáu lần thời gian kéo. Cụ thể, kéo dài xương 1cm mất 10 ngày thực hiện và mất thêm 60 ngày để xương lành, có trường hợp phải ghép xương tăng cường. Nếu kéo xương càng dài, các biến chứng nói trên xảy ra càng lớn, thời gian lành xương cũng lâu hơn.

Đau là vậy, nhưng chưa chắc bằng các tai biến, nhiễm trùng có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật từ phương pháp tăng chiều cao này, từ các biến chứng trong khi mổ như tổn thương động mạch gây chảy máu, tổn thương thần kinh, nhất là thần kinh mác chung đi sau chỏm xương mác, cho đến các biến chứng sau mổ như dị ứng thuốc có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời, chèn ép khoang do máu tụ trong bắp chân gây đau nhức căng cứng bắp chân, nếu trễ có thể làm hoại tử chi, gây nhiễm trùng gây sốt và sưng nhức đỏ, hoặc viêm chân đinh gây đau nhức. Nguy hiểm nhất chính là việc bị hoại tử chi do tăng chỉnh khung quá dài gây ra những đau đớn dữ dội vì đã đạt đến mức tới hạn mà cơ thể cho phép.

Chọn lựa cách “kéo dài chân” an toàn

Kéo dài chân: Đẹp hay họa? - 4

Chọn giày đế xuồng thay vì giày gót nhọn, cũng như chỉ mang giày cao gót vào những lúc cần thiết nhất để giảm thấp nhất tác hại do giày cao gót gây ra

Làm đẹp, trong đó có việc hạn chế khuyết điểm “chân ngắn” để được tự tin hơn trong công việc và cuộc sống, là nhu cầu chính đáng của chị em phụ nữ. Tuy nhiên, trước khi chọn lựa phương pháp làm dài chân, chị em cần phải tham khảo thật kỹ ý kiến của bác sĩ, và chuẩn bị tinh thần thật vững vàng, vì với can thiệp phẫu thuật vừa nêu trên, một khi đã vào sẽ không thể dừng lại được. Thường các phương pháp này chỉ nên áp dụng cho những người bị dị tật hoặc tổn thương chân, còn với chị em, nếu đã có chiều cao bình thường, nên tăng bằng cách mang giày hay các mẹo mặc trang phục, vì những rủi ro và đau đớn do phương pháp này gây ra.

Còn với việc mang giày cao gót, đây là nhu cầu hết sức cần thiết của chị em nên không thể không dùng, có điều, bạn sẽ sử dụng giày cao gót một cách khôn ngoan và an toàn nhất. đó là tuân theo một số hướng dẫn như sau:

Chọn giày vừa khít với chân. Một đôi giày quá chật hay quá rộng đều gây nhiều bất lợi cho chân bạn. Nếu giày quá rộng dễ làm trật chân bạn, còn quá khít sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe đôi chân.

Giày đế xuồng cao, giày cao gót đế dày và có phần đai ở mắt chân là lựa chọn tốt. Với những đôi giày cao kín mũi, bạn cần đảm bảo rằng bạn sẽ không bị nhấc gót mỗi khi đi.

Chỉ mang giày cao gót vào những dịp cần thiết. Còn lại, bạn nên để đôi chân mình nghỉ ngơi, thư giãn với những đôi dép gót bằng cũng rất dễ thương, xinh xắn.

Điều chỉnh dáng đi khoan thai, từ tốn. Lưu ý tiếp theo là bạn nên đi hai chân trên một đường thẳng. Và cho dù là giày hở mũi hay kín mũi, hãy nhớ rằng cách đi đúng với một đôi giày cao gót là không nhấc chân cao mà chỉ hơi nhấc một chút so với mặt đường/ mặt sàn. Cẩn thận khi đi giày cao gót ở những chỗ đất mềm, đế nhọn rất dễ bị lún và gây té ngã.

Chọn giày cao không quá 3cm và tập luyện một số động tác cơ bản để đôi chân săn chắc, dẻo dai như tập luyện cho gót và chân khỏe mạnh với banh tennis, duỗi thẳng chân trong tư thế ngồi đối diện mặt tường …

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Ngọc ([Tên nguồn])
Những trường hợp, nhân vật thẩm mỹ đặc biệt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN